• Đưa quản lý đất đai vào nền nếp

    Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay là tập trung thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra các dự án chậm triển khai; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật trong việc sử dụng đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn TP.
    Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm

    Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trong năm 2013, Sở đã thẩm định, trình UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 483 dự án với tổng diện tích 776ha. Trong năm 2014, Sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt. Tập trung thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra các dự án chậm triển khai trên địa bàn TP (các dự án được giao đất từ ngày 1/1/2009 - 31/12/2013).

    Trong năm 2014, TP Hà Nội sẽ tăng cường quản lý chặt đất nông nghiệp, đất công.

    Theo kế hoạch, thời gian kiểm tra, kết luận và xử lý từ nay cho đến ngày 31/5/2014. Các nội dung kiểm tra liên quan đến việc chậm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; để hoang hóa, không sử dụng đất sau 12 tháng kể từ khi bàn giao đất trên thực địa; tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; sử dụng đất sai mục đích; vi phạm chính sách, pháp luật đất đai.

    Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đánh giá, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã có chuyển biến tích cực, những vi phạm trong lĩnh vực đất đai đã được hạn chế rõ rệt. Năm 2014, TP xác định là "Năm trật tự và văn minh đô thị" để giải quyết các tồn tại của đô thị, vì vậy các đơn vị phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong thời gian tới, Sở TN&MT phải phối hợp với các đơn vị, rà soát lại các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý Nhà nước về đất đai, nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp với Luật Đất đai sắp có hiệu lực. Tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo GPMB TP thực hiện tốt nhiệm vụ của TP như: Xem xét nguồn gốc đất, diện tích, quy trình quản lý, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.

    Quản lý chặt đất nông nghiệp, đất công

    Trong thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đất công của TP đã chuyển biến tích cực. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đã được nâng cao, người nông dân đã gắn kết chặt chẽ với đất nông nghiệp, tạo điều kiện ổn định sản xuất, trật tự nông thôn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, dân cư biến động cơ học dẫn đến tăng nhu cầu về đất phi nông nghiệp (đất xây dựng nhà ở, nhà xưởng…), khiến việc quản lý, sử dụng đất diễn biến phức tạp. Việc lấn chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái pháp luật dưới nhiều hình thức, diễn ra trên nhiều địa bàn, nhất là tại các vùng ven đô, khu vực được quy hoạch phát triển đô thị, phát triển công nghiệp. Nhiều trường hợp vi phạm chưa được chính quyền xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã ngăn chặn kịp thời, kiểm tra và xử lý triệt để, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, ảnh hưởng đến sản xuất, gây bức xúc trong dư luận.

    Ngày 14/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn TP (gồm đất nông nghiệp giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng và đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích do UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, đất bãi bồi ven sông, đất chưa sử dụng). Theo đó, Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp liên quan. Các Sở, ngành, quận, huyện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh công tác đăng ký biến động và cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho các hộ sau khi thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa.

    Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở TN&MT chủ trì cùng Sở NN&PTNT và UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ quy định của Luật Đất đai bổ sung, sửa đổi chủ động nghiên cứu, đề xuất quy định để giao đất, cho thuê đất, gia hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn; lựa chọn các địa phương, khu vực có vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nghiêm trọng, kéo dài, chậm xử lý để thanh tra, làm rõ vi phạm và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm và để xảy ra vi phạm, đề xuất xử lý theo quy định. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn.
    Theo KTĐT
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê