• Dự án BĐS đổ vỡ, người mua rơi vào bi kịch

    Hứa như “mật ngọt” khi khách hàng góp vốn, nhưng chủ đầu tư dự án BĐS không thực hiện đúng cam kết, hàng loạt kiện cáo đã nổ ra vì dự án treo, nợ tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... khiến nhiều khách hàng rơi vào bi kịch.
    Vụ việc hàng trăm khách hàng kiến nghị, khiếu nại chủ đầu tư dự án Bắc An Khánh Splendora đã kéo dài nhiều tháng khi khách hàng mua sản phẩm tại dự án cùng nhau “tố” chủ đầu tư làm nhiều việc sai trái. Trong đó nổi cộm nhất là việc thu tiền sai trái khi chuyển từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán biệt thự, liền kề Splendora giai đoạn từ 2009 - 2011, thu tiền thêm của khách hàng khi giao dịch qua một số sàn BĐS ngoài tiền thuế khi chuyển nhượng hợp đồng, chất lượng công trình không ghi rõ vật liệu xây dựng,…

    Mới đây, nhiều khách hàng của Công ty Cổ phần Bất động sản AZ (AZland) vừa có đơn tố cáo về việc AZland có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhiều tỷ đồng của hàng trăm khách hàng tại dự án khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

    Theo các khách hàng, để có được quyền mua tại dự án này, khàng hàng đã phải chấp nhận mua bằng hợp đồng góp vốn nhưng thực chất là thỏa thuận mua bán. AZland đã thu khoản "tiền vênh" của hàng trăm khách hàng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng mà không có hóa đơn, chứng từ. Khoản tiền chênh thường dao động từ 249 - 443 triệu đồng/lô. Sau 2 năm đến nay AZland không thực hiện bất kỳ một cam kết nào như thỏa thuận trong Hợp đồng góp vốn. Nhiều khách hàng đã tìm hiểu và nghi ngờ AZland có dấu hiệu huy động vốn trái với quy định và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

    Dự án Victoria Văn Phú bị khách hàng kiện cáo, giờ đắp chiếu dừng xây dựng

    Vụ việc “nổi đình đám” chẳng kém khi chủ đầu tư thu giữ thỏa thuận đặt cọc và hợp đồng góp vốn của khách hàng mua căn hộ tại Dự án Hanoi Time Towers (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội). Trước đó, chủ đầu tư dự án tự ý thực hiện thu giữ “thỏa thuận đặt cọc”, “phiếu thu tiền” và các giấy tờ, hồ sơ khác của khách hàng. Vì vậy, sau nhiều tháng nộp tiền vào dự án, nhiều khách hàng không có giấy tờ chứng nhận “thỏa thuận đặt cọc”, “hợp đồng góp vốn” và “phiếu thu tiền” của chủ đầu tư mà đáng lẽ đương nhiên họ được nắm giữ, nên kiện chủ đầu tư.

    Ngoài ra, theo cam kết của chủ đầu tư, đến thời điểm hiện tại, Dự án Hanoi Time Towers phải gần xây xong phần thô. Tuy nhiên, đến nay, theo phản ánh của khách hàng, dự án vẫn chưa thi công xong tầng hầm, sự chậm trễ này là lý do khiến nhiều khách hàng cảm thấy “bất an” và khiếu nại đến chủ đầu tư trong nhiều tháng qua.

    Vụ việc mới đây, khách hàng mua nhà tại Dự án Văn Phú Victoria tiếp tục tập hợp nhau lại để yêu cầu chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp thực hiện theo Luật Nhà ở 2005, không được thu tiền quá 70% giá trị căn hộ khi chưa bàn giao nhà. Nhóm khách hàng mua căn hộ ở Dự án nhà Văn Phú Victoria (Hà Đông, Hà Nội) đã quyết định tạm thời không nộp tiền theo yêu cầu của chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest .

    Nhiều khách hàng này đã gửi nhiều đơn kiến nghị tới chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp, đề nghị các bên thực hiện theo đúng Luật Nhà ở 2005, chỉ thu của khách hàng tối đa 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà theo đúng tiến độ đã ký trong hợp đồng. Tuy nhiên tới nay những kiến nghị này vẫn chưa được phúc đáp.

    Câu chuyện kiện cáo, khiếu nại của hàng trăm khách hàng đang xảy ra tại hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây thực sự là vấn đề nan giải. Nguyên nhân khiếu kiệu xảy ra với những chủ đầu tư chậm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết hợp đồng, thay đổi kết cấu vật liệu… sẽ còn kéo dài, bởi với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, chủ đầu tư không dễ gì thoát khỏi khó khăn để thực hiện các dự án đúng tiến độ.

    TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, việc thực hiện hợp đồng góp vốn bao giờ chủ đầu tư cũng đưa ra điều khoản có lợi nhất cho mình, phần thua thiệt vẫn là khách hàng. Khi ký kết hợp đồng góp vốn mà khách hàng không có lãi là điều thiệt thòi rồi, chưa kể chủ đầu tư “chiếm đoạt” vốn rồi để dự án chậm tiến độ, tăng giá, thay đổi vật liệu xây dựng gây thiệt thòi cho khách hàng…

    Ông Liêm còn cho rằng, việc chủ đầu tư họ rất có thể sử dụng tiền cho việc khác, như trả nợ chẳng hạn, vì hiện nay, nhiều chủ dự án nợ đầm đìa, phải trả lãi hàng tỷ đồng mỗi tháng, nên họ phải nghĩ làm thế nào để thu được tiền trả nợ.

    Nếu hàng loạt dự án bất động sản đổ vỡ, nhiều khách hàng rơi vào bi kịch

    Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, luật sư Trương Chí Công - Văn phòng Luật sư C&M cho biết, nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở pháp luật để huy động vốn của người mua nhà, sau đó chây ỳ, không thực hiện dự án, nhằm chiếm đoạt hoặc hưởng lợi bất hợp pháp là dấu hiệu hành vi lừa đảo hình sự.

    Theo luật sư Công, thì đa số các vụ việc kiện cáo, khiếu nại đều chuyển qua tranh chấp dân sự. Mà đã tranh chấp dân sự, nếu có kiện ra tòa, những vụ kiện loại này nhanh nhất cũng phải mất từ 1 - 2 năm và có khi kéo dài hơn, nhưng chưa chắc khách hàng đã lấy được tiền. Cuối cùng khách hàng thiệt đủ đường trong khi chủ đầu tư thản nhiên lấy vốn đi làm việc khác…

    May mắn thì dự án chậm tiến độ và khách hàng có khả năng nhận được nhà, còn không may mắn thì mất toàn bộ các khoản tiền đã góp vốn do chủ đầu tư phá sản và không có khả năng thực hiện dự án. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu các dự án đồng loạt bị đổ vỡ sẽ gây ra hậu quả bất ổn xã hội và đẩy người mua nhà với số tiền vay mượn, dành dụm cả đời rơi vào bi kịch. Vì vậy, Luật Đất đai cần bổ sung điều khoản để kiểm soát chặt chẽ hoạt động huy động vốn của các chủ đầu tư đồng thời bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Ngoài ra, việc huy động vốn thông qua hợp đồng mua bán cần có thêm sự tham gia của ngân hàng trung gian.
    Theo Infonet
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê