• Doanh nghiệp BĐS: Gian nan cầm cự

    Dù thị trường bất động sản (BĐS) được đánh giá đã có nhiều khởi sắc nhưng nhìn chung các doanh nghiệp (DN) BĐS vẫn đang trong tình cảnh cầm cự rất gian nan. Không chỉ các DN nhỏ và vừa mới gặp khó, mà các “ông lớn” có truyền thống lâu đời cũng lao đao.
    Nhiều DN giải thể

    Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2012, thị trường BĐS tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa có niềm tin vào thị trường, tình hình giao dịch BĐS qua sàn giao dịch hay không qua sàn đều rất ảm đạm.

    Cụ thể, theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, giao dịch địa ốc tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đều trầm lắng. Hà Nội chỉ có giao dịch tại những dự án sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào sử dụng. Khách hàng phần lớn chỉ quan tâm tới căn hộ nhỏ 60-100m2, giá 1,5-2,5 tỷ đồng, chung cư lớn vô cùng ế ẩm.

    Giá căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề tiếp tục hạ nhiệt, có trường hợp giảm 50% so với năm 2010 nhưng vẫn rất ít giao dịch. Tại TPHCM, nhiều DN không dám mở bán dự án mới.


    Nhiều dự án tại TPHCM phải tạm ngưng thi công.

    Đặc biệt, tại TPHCM, toàn thành phố có 860 dự án hầu hết đều chậm tiến độ. 50% số dự án chưa khởi công hoặc tạm dừng do thiếu vốn, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Tiêu biểu như quận 9 có 85 dự án trong tổng số 153 dự án chưa triển khai, quận 12 có 42/81 và quận 2 có 56/252 dự án. T

    heo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Đỗ Phi Hùng, thị trường BĐS khó khăn ở hàng loạt phân khúc, khiến tồn tới 20.000 căn hộ. Mặc dù chủ đầu tư giảm giá, hoãn tiến độ thu tiền để kích cầu nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình.

    Nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hạn chế, vốn tự có quá nhỏ, thậm chí nhiều DN phải vay tới 70-80% tổng vốn đầu tư trong thời gian 10-15 năm khiến tiến độ đầu tư bị ảnh hưởng.

    Những khó khăn của thị trường BĐS cũng khiến các DN BĐS khốn đốn. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 4-2012 đã có 3.123 DN xây dựng, 247 DN kinh doanh BĐS phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi một số DN chấp nhận tình trạng ra đi “không kèn không trống”.

    Ngay cả các tập đoàn lớn cũng lao đao. Theo ông Dương Khánh Toàn, Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, các chủ đầu tư đều đang gặp khó khăn về vốn do lãi vay ngân hàng cao. Năm 2010, công nợ của Sông Đà khoảng 3.000 tỷ đồng, năm 2011 khoảng 6.500 tỷ đồng và đến nay, con số này đã lên tới 21.000 tỷ đồng, trong đó công trình trọng điểm chiếm tới 7.500 tỷ đồng.

    Tập đoàn này bắt buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch năm 2012 và hạ thấp lợi nhuận. Đặc biệt, đối với việc đầu tư BĐS, nhiều DN đã thể hiện sự đuối sức thực sự như Lilama chỉ đạt 12,9%, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng 13,2%... Hầu hết các dự án đều phải hoãn, giãn tiến độ hoặc đầu tư cầm chừng.

    Ảnh hưởng dây chuyền

    Tình hình bi đát của DN BĐS được dự báo còn tiếp diễn khi theo công bố của Bộ Xây dựng, vấn đề tài chính của các DN thực sự rất đáng lo ngại khi tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của các DN đạt thấp, một số DN chỉ đạt dưới 10%, thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng. Một số DN còn rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài và mất cân đối tài chính.

    Thị trường BĐS đình trệ không chỉ khiến các DN BĐS khốn đốn mà còn kéo theo những hệ lụy cho thị trường liên thông thân cận nhất: thị trường vật liệu xây dựng (VLXD). 6 tháng đầu năm, do tác động tiêu cực từ sự đóng băng của thị trường BĐS nên sản lượng sản xuất và nhu cầu sử dụng VLXD như gạch ốp lát, kính xây dựng đều giảm đáng kể.

    40 dây chuyền - tương đương 30% năng lực sản xuất của toàn ngành - đã phải ngừng hoạt động từ 1-2 tháng. Lượng VLXD tồn kho không ngừng tăng lên. Cả nước có 9 nhà máy sản xuất gạch bê tông thì chỉ còn 2 nhà máy sản xuất cầm chừng, 7 trường hợp còn lại dừng sản xuất vì không tiêu thụ được, tồn kho hơn 1 tỷ viên gạch.

    Kính xây dựng tồn kho 12 triệu m2, gạch ốp lát tồn kho khoảng 2,6 triệu m2, xi măng tồn kho 0,4 triệu tấn… Điều này dẫn đến hàng loạt DN bắt buộc phải tạm ngừng hoạt động như nhà máy cán thép Sông Hồng, nhà máy gạch ốp lát Hà Nội, một số nhà máy xi măng thuộc tập đoàn Sông Đà, dây chuyền 8 triệu m2/năm tại nhà máy kính Đáp Cầu…

    Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), năm 2012 lợi nhuận của Vicem dự kiến đạt 331 tỷ đồng, nhưng giá điện tăng nên với mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn từ nay đến cuối năm, lợi nhuận sẽ sụt giảm 7-8%.

    Nhiều DN gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng… cũng thừa nhận lợi nhuận năm 2012 sẽ tụt dốc do phải ngừng hoạt động để “cầm hơi”. Điều này sẽ làm giảm khả năng thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng và từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khác khi cũng giống như các DN BĐS, DN VLXD không thể đạt được chuẩn tín dụng để có thể vay vốn tái sản xuất.

    Theo Đầu tư tài chính
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê