• Đầu tư cầu vượt nhẹ: Cần tầm nhìn quy hoạch tổng thể

    Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở một số trục đường chính và khu vực nội thành, ngành giao thông TPHCM đã quyết định đầu tư xây dựng các cầu vượt bằng thép. Dù hiệu quả ban đầu tương đối khích lệ, nhưng giới chuyên môn cho rằng nếu không cẩn thận, việc đầu tư cầu vượt nhẹ sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể và gây lãng phí lớn.
    Nhân rộng điển hình

    2 cầu vượt đầu tiên mang lại kết quả khả quan trong việc giảm ùn tắc giao thông cục bộ là cầu vượt Thủ Đức và cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh, với tổng vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng. Đưa vào sử dụng hơn 2 tháng qua, giao thông ở cửa ngõ phía Đông TP khá thông thoáng, tình trạng kẹt xe kéo dài không còn.

    Hiện tại, TP đang xây dựng tiếp cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), tổng mức vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài 400m, rộng 6,5m, thiết kế dành cho xe 2 bánh và xe hơi từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe buýt lưu thông.

    Cầu vượt Lăng Cha Cả dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2013, kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực rất lớn lượng xe ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lượng xe từ cửa ngõ Tây Bắc ra vào thành phố và từ hướng đường Trường Chinh-Hoàng Văn Thụ.

    Theo kế hoạch trong năm 2013, TP sẽ tiếp tục lập dự án hàng chục cầu vượt bằng thép, với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 2.000 tỷ đồng. Các cầu vượt này dự kiến đặt tại các nút giao thông như: ngã sáu Công trường Dân Chủ; ngã sáu Nguyễn Tri Phương-Ngô Gia Tự; ngã sáu Nguyễn Tri Phương-3 Tháng 2; ngã bảy Điện Biên Phủ; ngã tư Hoàng Hoa Thám-Cộng Hòa; ngã ba Trường Chinh-Cộng Hòa; vòng xoay Cây Gõ và ngã tư Bốn Xã…

    Ưu điểm chung của các cây cầu vượt bằng thép là thời gian thi công nhanh (kể cả tháo dỡ), vốn đầu tư nhỏ, bước đầu phát huy hiệu quả giao thông.

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng xây các cây cầu vượt này chỉ là giải pháp tình thế, mà chưa phải là giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán phát triển giao thông nội đô một cách bền vững. Có thể thấy khu vực nội thành hiện nay đã quá chật chội, quỹ đất dành cho giao thông đô thị rất hạn chế, đặc biệt là những tuyến đường dự kiến xây cầu vượt nhẹ.

    Thử hình dung những con đường như Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, 3 Tháng 2, Ngô Gia Tự... nếu mọc lên 2-3 cầu vượt, xét về mặt mỹ quan đô thị chỉ làm tăng sự rối rắm, giao thông chia cắt hỗn độn.

    Quỹ đất dành cho một cây cầu vượt theo tính toán không hề nhỏ, thời gian thi công mất từ vài tháng đến cả năm sẽ ít nhiều làm xáo trộn đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân khi tiến hành “đại phẫu” đường phố.

    Để không “giật gấu vá vai”

    Vì vậy, có nhiều lý do để nói rằng, việc đầu tư hàng loạt cầu vượt trong khu vực nội thành thời gian tới cần phải xem xét cẩn trọng.

    Thứ nhất, với sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng xã hội và hạ tầng tầng kỹ thuật tại các quận huyện vùng ven, người dân bắt đầu chuyển ra quận 9, 2, 7, Tân Phú, huyện Nhà Bè, Bình Chánh để sinh sống và làm ăn thay vì tập trung ở nội thành. Đó là dấu hiệu tốt để giải tỏa áp lực dân số nội thành, đặc biệt là giao thông đi lại của người dân.

    Cầu vượt Hàng Xanh.

    Thứ hai, không thể lấy hiệu quả 2 cây cầu vượt ngoại thành (ngã tư Thủ Đức, vòng xoay Hàng Xanh) để áp dụng cho các tuyến đường nội thành.

    Thứ ba, xây dựng cầu vượt có nguy cơ phá vỡ cảnh quan đô thị và tác động xấu đến môi trường sống của người dân hiện hữu.

    Thứ tư, khi đã xác định xây cầu vượt là giải pháp tình thế, không quy hoạch bài bản, việc đầu tư không phát huy hiệu quả phải tháo dỡ sẽ gây lãng phí vài trăm tỷ đồng/cây cầu.

    Thứ năm, trong một không gian dân cư tập trung kín mít, nghẹt thở như hiện nay, nếu chôn thêm những cây cầu bằng sắt đồ sộ vô cảm sẽ làm cho tình hình càng xấu hơn...
    Do đó, một trong những vấn đề đặt ra khi tiến hành xây dựng cầu vượt đại trà, bên cạnh công tác đánh giá hiệu quả về giao thông, kinh tế, tác động xã hội, cần xem xét đến yếu tố thẩm mỹ và văn hóa.

    Về cơ bản, TP hiện nay cũng đã vẽ ra một bức tranh giao thông sáng sủa, trong đó có đường cao tốc, đường vành đai, đường xuyên tâm; hệ thống vận tải công cộng như metro, buýt nhanh; khai thác không gian ngầm làm bãi đỗ xe…

    Thế nhưng, xuất phát từ những khó khăn cố hữu như thiếu vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng; quỹ đất giao thông ít; năng lực chủ đầu tư yếu kém… nên thường sa vào những phương án đầu tư ngắn hạn mang tính đối phó tình thế, hay nói cách khác là “giật gấu vá vai”, nên hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng.

    Theo ĐTTC
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê