• Đặt ga metro sát Hồ Gươm: Quy hoạch phải có tầm nhìn

    Hồ Gươm là khu vực đặc biệt của Thủ đô và cả nước. Do vậy, khi quy hoạch phải nghiên cứu kỹ.
    Đây là ý kiến của TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam về việc nhà ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) sẽ được đặt trên đường Đinh tiên Hoàng, ngay sát Hồ Gươm.

    Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm

    TS Phạm Sỹ Liêm nói: Ga tàu điện thường ở dưới đất, chỉ nhô lên trên mặt đất ít thôi. Nhưng điều quan trọng, nhà ga thường là điểm cuối hoặc là nơi tụ lại của nhiều tuyến giao thông, kể cả nhiều tuyến tàu điện khác đi vào trung tâm, vì các ga tàu điện cũng như tuyến xe buýt.. . tất cả đều có sự phối hợp với nhau. Chẳng hạn khách đi xe buýt đến họ sẽ lên tàu điện ngầm và ngược lại khách từ tàu điện ngầm đi ra và lên xe buýt… Tức là nó là một đầu mối giao thông lớn, thậm chí có nhiều tầng ngầm chứ không chỉ một tầng.

    Tôi đã đi tàu điện ngầm ở Tokyo và thấy tại đó còn có nhiều tuyến đường xe lửa nữa. Như vậy, nhà ga phải được đặt ở nơi nào có không gian rộng rãi trên mặt đất để các phương tiện và người đi bộ qua nhà ga đó.

    PV: Như ông phân tích thì xem ra việc đặt nhà ga tại khu vực gần Hồ Gươm không khả thi lắm?

    TS Phạm Sỹ Liêm: Khu vực đặt nhà ga ở chỗ nào phải do các nhà quy hoạch cân nhắc. Nhưng lâu riêng tôi suy nghĩ những chỗ như: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quảng trường Nhà hát lớn, quảng trường Ngân hàng Nhà nước… tương đối rộng lớn và cũng gần khu vực Hồ Gươm có thể đặt nhà ga tàu điện ngầm.

    Ngoài ra, tôi cũng suy nghĩ ô phố một bên là Hàng Bài, bên kia là Quang Trung, đường Hai Bà Tưng và Tràng Thi, tốt nhất biến thành Quảng trường, vì Hồ Gươm quý lắm, không nên để những công trình nhỏ ảnh hưởng đến cảnh quan Hồ Gươm, mà nên có quảng trưởng tương đối rộng để bảo tồn. Đó cũng là cách để xem xét phương án quy hoạch.

    Tôi còn nhớ trong kỳ thi của Hội kiến trúc sư về quy hoạch lại khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm có nhiều phương án từ Nhà Thờ lớn mở thẳng một quảng trường đến hồ Hoàn Kiếm.

    Tóm lại, các nhà quy hoạch phải nghiên cứu chứ không chỉ nhìn hiện tại để đặt công trình chỗ nào phù hợp với hiện tại mà thôi. Vì các nhà quy hoạch phải có tầm nhìn.

    PV: Theo ông, việc đặt nhà ga gần Hồ Hoàn Kiếm như vậy, còn để lại những hậu quả gì?

    TS Phạm Sỹ Liêm: Tôi thấy hiện tại chúng ta cứ nhìn cái trước mắt, giải quyết theo tình thế, sau này lại vướng. Một ví dụ điện hình cho thực tế này là cầu vượt trên đường vành đai 3, đi từ cầu Thanh Trì lên, qua đường trên cao lại đi xuống, rồi đi qua cầu vượt lên cao rồi lại đi xuống để vào đường Phạm Văn Đồng. Về nguyên lý giao thông, không ai quy hoạch đi trên cao rồi lại xuống theo hình thức đó.

    Nói tóm lại, toàn phải giải quyết tình thế, gặp đâu nghĩ đó. Như vậy cần gì chuyên gia quy hoạch nữa.Quy hoạch là phải nhìn thấy trước.

    Cho nên, ý của tôi giải quyết điểm dừng nhà ga là một khúc mắc và nên nghiên cứu kỹ và lấy ý kiến nhân dân đã.

    PV: Một nhà ga thường ít khi được xây dựng riêng lẻ, mà thường có công trình đi kém, như trung tâm thương mại. Vậy đặt nhà ga gần Hồ Gươm, liệu điều này có thực hiện được?

    TS Phạm Sỹ Liêm: Một nhà ga điện ngầm bao giờ cũng cần liên kết với một trung tâm thương mại ngầm. Ở TP. Hồ Chí Minh, họ đã thiết kế như vậy ở nhà ga ngầm và họ cũng tính đến một siêu thị ngầm gắn liền với nhà ga tàu điện đó. Ở Hà Nội có nên như thế? Theo tôi thấy, chắc chắn ở trung tâm Hà Nội sẽ cần nhiều trung tâm thương mại, mà công trình ngầm là rất tốt vì người tham gia giao thông từ tàu điện ngầm ra là ghé ngay vào siêu thị, trung tâm thương mại để mua bán rồi đi tiếp hoặc ngược lại, trước khi xuống tàu điện, họ mau bán ở siêu thị trước khi về nhà. Như vậy sẽ giảm được thời gian và cũng bớt lượng người tham gia giao thông trên mặt đất và rất tiện cho người dân.

    Còn ở Hàn Quốc, một số ga điện ngầm có từ ngày xưa thì bây giờ họ làm thêm siêu thị, nhưng là siêu thị ảo, trên tường có đầy đủ hàng hóa, giá cả để người dân gọi điện đặt hàng.

    Tóm lại, công trình ngầm, nhất là ga tàu điện không phải công trình đơn độc, mà cần nhiều công trình ngầm gắn liền với nó. Cho nên, vấn đề quy hoạch không thể tách bạch đơn lẻ chỉ có tàu điện ngầm vì dù sao chủ đầu tư công trình là UBND TP. Hà Nội chứ không phải đơn vị xây dựng tàu điện ngầm. Nghĩa là phải có tính toán quy hoạch rất kỹ chứ không phải tiện đâu thì làm đó.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    Tuyến metro số 2 xuất phát từ Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng qua khu vực phố cổ (Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào) tới phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc ở đường Trần Hưng Đạo. Toàn tuyến có tổng chiều dài 11,5km, trong đó có 8,5km ngầm và 3km trên cao. Trong đó nhà ga C9 đi qua đường Đinh Tiên Hoàng được tính toán đặt ngay sát Hồ Gươm (đoạn trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội).

    Dự kiến năm 2017 tuyến sẽ có 4 toa, sau năm 2017 sẽ tăng lên 6 toa, tới năm 2020 tàu sẽ vận chuyển khoảng 535 lượt hành khách mỗi ngày.
    Theo VOV
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê