• Dân chung cư cũ: Sống trong “đọa đày”

    Nếu tận mắt chứng kiến cảnh sống trong các chung cư cũ, như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Q5, chung cư 251 Hoàng Văn Thụ, P2, Q.Tân Bình… không thể tin tại TPHCM lại có những nơi như thế.
    Chung cư 727 Trần Hưng Đạo bị mục nát

    Quá uất ức vì bị quy hoạch treo hàng chục năm mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời của chính quyền thành phố, bà Phạm Thị Lem - chủ căn hộ 615 chung cư 251 Hoàng Văn Thụ, P2QTB đã bật khóc, nói với chúng tôi trong tiếng nấc nghẹn: “Mấy chục năm rồi cháu ạ! Cô là công nhân của Xí nghiệp đồ hộp Q.Tân Bình, được phân về sống ở chung cư này từ những năm 1980 và là một trong những trường hợp hiếm hoi có hộ khẩu tại đây. Từ năm 1983 trở về sau thì không có một trường hợp nào được nhập khẩu vì mấy ổng nói chung cư này nằm trong diện giải tỏa. Vậy mà suốt từ năm 1983 đến nay, không một ai có trách nhiệm cho biết khi nào sẽ di dời, cứ quy hoạch treo suốt năm này qua năm khác. Hồi năm 2005, UBND phường cũng có thông báo sẽ di dời khiến dân ở đây mừng lắm vì thoát khỏi cái ổ chuột này sớm ngày nào hay ngày đó. Nhưng rồi suốt từ đó đến nay đã bảy tám năm rồi cũng không thấy ai đả động gì tới. Sống như thế này có gọi là sống hay không”. Miệng nói, tay bà Lem chỉ vào những xô, chậu... giăng khắp nơi để hứng nước từ trần nhỏ xuống nền nhà.

    Người dân chung cư 251 Hoàng Văn Thụ phải tận dụng nhà vệ sinh để làm bếp

    Theo bà Lem, những giọt nước nhỏ tong tong tại thời điểm chúng tôi có mặt chỉ bằng một chút nhỏ khi trời mưa. Mưa thì nước lênh láng khắp nơi, mọi đồ vật đều phải kê lên cao, phủ vải mưa để chống dột mặc dù trần nhà đã được hai mẹ con căng bạt chống nước nhiểu và dẫn ống để thoát nước. Gặp những ngày như thế, bà và con chỉ biết ngồi nhìn nhau khóc.

    Cũng tương tự, gia đình các bà Đỗ Thị Gái - chủ căn hộ 409, Nguyễn Thị Năm - chủ căn hộ 411... cũng phải sống trong cảnh bị đọa đày bởi bờ tường, trần nhà lúc nào cũng ri rỉ nước chảy từ trên xuống. Cư dân chung cư có sáng kiến căng bạt làm thành một cái trần nhà, sau đó làm van, lắp ống dẫn nước tại chỗ trũng nhất để đưa nước bẩn vào nhà tắm. Tại hành lang chung cư, để ngăn nước rỉ ra từ bờ tường, họ đục tường gắn miếng tole vào vị trí dòng nước rỉ ra để hứng vào xô, chậu rồi đem đổ. Nhiều tầng có sáng kiến xây gạch tạo thành lối đi giống như đi trên bờ ruộng ở giữa, đồng thời xây quây tại chỗ rỉ nước để nước không chảy lan từ nhà này sang nhà khác. Bởi vậy, đây là chung cư duy nhất có hành lang rất kỳ lạ và cũng là chung cư duy nhất các hộ dân phải sắm ủng để đi lại trong hành lang.

    Tại chung cư Tôn Thất Thuyết, Q4 người dân phải đẩy xe lên cầu thang

    Những người sinh sống tại đây còn khổ vì nhiều thứ. Chị Phạm Thị Thu Trang - ở căn hộ 409 - cho biết: “Gia đình em không được nhập khẩu nên đến khi thi tốt nghiệp em phải ra phường xin cấp một giấy chứng minh nhân dân tạm thời để đi thi. Hầu hết các hộ dân ở đây đều không có khẩu, chỉ có tạm trú hoặc cấp sổ KT3 nên mặc dù sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng mọi thứ giấy tờ đều phải về quê mới làm được. Do bị quy hoạch treo mấy chục năm nên không ai được mua nhà hóa giá theo Nghị định 61, đến nay vẫn phải đóng tiền thuê nhà mỗi tháng...”.

    Cuộc sống 180 hộ dân chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Q5 cũng đang trong tình trạng bị đọa đày. Họ là những hộ còn sót lại trong tổng số gần 700 hộ sống trong chung cư này. Có mặt tại chung cư trên, chúng tôi không khỏi giật mình vì môi trường sống tại đây quá nhếch nhác và nguy hiểm. Tại bãi để xe có một tấm bảng cảnh báo nguy hiểm đá rơi. Rác thải, nước thải tràn lan khắp mọi nơi. Cũng giống như ban công phía ngoài chung cư đã bị sập các kết cấu đà, kiềng bê-tông bên trong “cụ” chung cư này hiện đã mục, vỡ, nhiều chỗ lòi cả sắt thép bên trong. Tại những căn nhà hoang của các hộ đã dọn đi, không khí đặc mùi hôi thối, khai nồng và là nơi trú ẩn của muỗi mòng.

    Là một hộ vẫn đang trong quá trình chờ được thoát khỏi nơi đây, bà Bùi Thị Thu - phòng 215 - cho chúng tôi biết: “Tôi bị kẹt lại là do bị rơi vào trường hợp có hộ khẩu tỉnh. Trước đây, tôi cũng là người thành phố, sau năm 1975 đi về Sóc Trăng làm kinh tế mới. Khi con cái đi học, tôi lại trở về thành phố, nhận chuyển nhượng căn hộ này bằng giấy tay. Vợ chồng tôi ở đây mấy chục năm rồi nhưng bây giờ lại lấy việc tôi không có khẩu để làm khó dễ cho rằng tôi không thuộc diện được cấp nhà tái định cư. Cái chính là tôi đã ở đây từ xưa tới nay, nguồn gốc nhà là do tôi nhận chuyển nhượng. Tôi cũng là một công dân mà sao bị đối xử khác, cứ ngâm hoài không giải quyết? Ở đây bây giờ mỗi ngày là mỗi nguy hiểm vì môi trường sống quá tệ! Các chú cứ vô thử mấy phòng trống đó mà xem, phân, nước tiểu và cả kim tiêm đầy trong đó...”. Trong số 180 hộ còn lại tại đây, có rất nhiều trường hợp tương tự như bà Thu. Có người nhận chuyển nhượng một nửa căn hộ 40 mét và người chủ cũ đã nhận tái định cư với phần 20 mét, nhưng không giải quyết phần diện tích cho người ở lại...

    Ông Trần Văn Long - bảo vệ tại chung cư 727 - thừa nhận tình trạng trộm cắp vặt tại khu chung cư là có. Công an Q5 đã triệt phá băng nhóm đó. Hiện tại, chung cư không có ban quản trị, chỉ có hai bảo vệ và ba người khác do cư dân cử ra để thay mặt làm việc với chính quyền địa phương. Tại những căn phòng trống, tình trạng hôi thối rất phổ biến bởi nhiều người thiếu ý thức vào đó giải quyết nỗi buồn... “Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ không ổn” - ông Long chia sẻ.

    Tuy không đến nỗi quá khổ nhưng cuộc sống của người dân tại chung cư Tôn Thất Thuyết, Q4 (có kết cấu một trệt, hai tầng lầu) cũng không sung sướng gì khi nhiều hạng mục của chung cư đã xuống cấp khá rõ, nhiều đoạn bê tông bị bong tróc lòi cả sắt thép. Là chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 nên khu chung cư rất thiếu chỗ để xe. Phần lớn phải gởi tại những nhà tại tầng trệt với giá 120.000 đồng/tháng đối với xe số và 150 - 180 ngàn đồng/tháng với xe tay ga. Những ai không muốn mất tiền thì phải đẩy lên trên nhà theo lối hành lang. Quan sát một người đẩy xe lên hành lang tầng hai, chúng tôi không khỏi kinh hãi vì quá nguy hiểm. Có thể nói, cuộc sống tại các chung cư cũ xây dựng từ trước 1975 hiện nay chẳng khác nào sự đọa đày. Nhưng những người sinh sống trong đó chẳng còn sự chọn lựa nào khác.
    Theo ĐSCT
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê