• Dân bức xúc vì đường “nghìn tỷ ” bị bẻ cong

    Thời gian gần đây, Báo GĐ&XH liên tục nhận được đơn khiếu nại của người dân tổ 40 (phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) phản ánh về việc đường Trường Chinh đã bị nắn cong có chủ ý...
    Đường Trường Chinh bất ngờ... đổi hướng. Ảnh:T.G

    Vì sao đường bị cong?

    Dự án mở rộng đường Trường Chinh được khởi công vào tháng 10/2013 với tổng số tiền đầu tư là 2.560 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 2.022 tỷ đồng. Dự án này được người dân địa phương đồng tình ủng hộ, coi đây là giải pháp hữu hiệu để giảm ách tắc giao thông. Thế nhưng khi được triển khai, người dân thuộc tổ 40 vô cùng bức xúc vì cho rằng nó đã bị “nắn” một cách có chủ ý. Theo đó, đường được nối từ phía Ngã Tư Sở tới đường Giải Phóng đang chạy thẳng tăm tắp, nhưng khi đến khu vực ngõ 150 đường Trường Chinh (đoạn qua các đơn vị trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân), bỗng bị uốn lượn, lấy đi toàn bộ nhà, đất của 38 hộ dân ở khu vực này.

    Bức xúc vì điều này, người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng của Hà Nội, đề nghị giải thích rõ nguyên nhân con đường bị uốn lượn nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được hồi âm. Trong lá đơn kiến nghị gửi Báo GĐ&XH, bà Nguyễn Thị Huệ (trú tại số 144, đường Trường Chinh) cho rằng, việc bẻ đường Trường Chinh sẽ tạo ra nhiều đường gấp khúc, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc bẻ đường còn khiến nhiều công trình công cộng bị phá hủy, tăng đền bù giải tỏa, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng tiền ngân sách.

    Bà Huệ cho biết: “Bằng mắt thường như chúng tôi cũng thấy con đường quá vô lý. Không hiểu sao nó đang chạy thẳng nhưng khi đến ngõ 150 bất ngờ chuyển hướng đột ngột, đi chéo vào trong ngõ khoảng 15 m rồi kéo dọc lên phía trên? Cũng chính vì hướng đi bất thường này mà toàn bộ nhà, đất của gia đình tôi và hàng chục hộ dân khác bất ngờ bị “nuốt chửng”. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhưng đều rơi vào im lặng”.

    Đại tá Phan Văn Toản, nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân cho rằng, việc tuyến đường đổi hướng sẽ ảnh hưởng đến an toàn, giảm tốc độ lưu thông trên toàn tuyến, gây thiệt hại lớn vì phải tháo dỡ hạ tầng, tăng kinh phí giải phóng mặt bằng. Theo ông Toản, năm 2000, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Hà Nội (nay là Sở Quy hoạch -Kiến trúc Hà Nội) đã giới thiệu “phương án dự kiến mở rộng đường Trường Chinh”. Sau khi có sự trao đổi với Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân, ngày 3/4/2001, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Hà Nội đã chấp thuận “chỉ giới đỏ” đường Trường Chinh (đoạn qua khu vực Học viện Phòng không- Không quân) do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác lập.

    Thống nhất một đường, vẽ một nẻo?

    Đại tá Phan Văn Toản cho biết, trên cơ sở này, ngày 28/12/2006, UBND TP Hà Nội đã có công văn Số 6057/UBND-XDĐT gửi Bộ Quốc phòng xin thỏa thuận chỉ giới đường Trường Chinh (đoạn từ Hồ Mẻ đến cống Chéo- sông Lừ). Ngày 12/2/2007, Bộ Quốc phòng đã có công văn Số 762/BQP-TM đồng ý với chỉ giới đỏ do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập theo hướng đường Trường Chinh mở rộng chủ yếu về phía Nam. Cụ thể, phía Bắc đường Trường Chinh lấy từ mép đường hiện trạng sâu vào khoảng 7m; phía Nam sẽ phát triển cho đủ mặt cắt ngang đường là 53,5m.

    Vụ việc vẫn đang theo chiều hướng đồng thuận thì ngày 31/3/2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 19/2008-UBND về “chỉ giới đường đỏ đường vành đai II”. Quyết định này đã gây ra phản ứng từ người dân bởi hướng mở rộng chủ yếu lại được chuyển sang phía Bắc. Điều này đồng nghĩa gần 40 hộ dân đang sinh sống ổn định bị thu hồi toàn bộ nhà cửa.

    Cụ thể, theo Quyết định 19/2008 UBND thì điểm E và F trên bản vẽ đối chiếu với thực địa thì điểm E nằm về phía Bắc ngõ 150 đường Trường Chinh; điểm F thì nằm về phía Bắc bên kia cầu sông Lừ (cạnh nhà khách Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, ngày 31/8/2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có công văn 2308/QH-KT-P7 cho rằng điểm E và F đều nằm phía Nam (điều này phù hợp với công văn 762 của Bộ Quốc phòng, tức chỉ lấy vào phần đất của các hộ dân phía Bắc khoảng 7 m).

    Trước sự việc này, người dân đã không bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Để làm rõ vấn đề, ngày 26/2/2014, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội xin ý kiến xác nhận của Bộ Quốc phòng về vấn đề này.
    Theo GĐ&XH
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê