• Cứu bất động sản: Trọng tài đang cân nhắc

    Rắc rối lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay lại nằm ở đống hàng tồn kho cao cấp chưa tìm được người mua. Để giải quyết vấn đề này, chìa khóa vẫn là giá cả.

    Xung quanh những tranh cãi về việc “giải cứu” hay “không giải cứu” thị trường bất động sản hiện ai cũng hiểu rằng tất cả những ý kiến này đều dừng lại ở mức độ “tham khảo” và người đưa ra được phán xét cuối cùng sẽ là Nhà nước.

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính lại cho rằngNhà nước lại đang trong thế lưỡng nan. Bởi lẽ, nếu không giải cứu thị trường bất động sản, mà hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ và thất nghiệp gia tăng, Nhà nước sẽ có lỗi với những người dân bị thất nghiệp. Ngược lại, nếu cứu thị trường bất động sản, mà để lạm phát cao quay trở lại, Nhà nước cũng bị “ném đá” vì như thế là đã lấy tiền của người nghèo để giúp cho người giàu.

    Và trong lúc chờ đợi quyết định cuối cùng tất cả mọi người đều nhận thức được những hậu quả tiêu cực của việc để thị trường bất động sản rơi tự do. Nhưng câu hỏi “cứu bất động sản như thế nào?” cho đến nay vẫn chưa tìm được câu trả lời thuyết phục.

    Trông mong ở những người “có của ăn của để”?

    Nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp như phát triển nhà ở xã hội, chia nhỏ căn hộ, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính… Các giải pháp này đều hợp lý, nhưng có lẽ chỉ giúp được những dự án đang chuẩn bị thi công.

    Trong khi đó, rắc rối lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay lại nằm ở đống hàng tồn kho cao cấp chưa tìm được người mua. Để giải quyết vấn đề này, chìa khóa vẫn là giá cả.

    Hiện nay, có một sự đồng thuận tương đối cao trong giới kinh doanh cũng như giới chuyên gia rằng, những vấn đề của thị trường bất động sản chỉ có thể được giải quyết một cách triệt để khi giá nhà hạ xuống mức mà những người “có của ăn của để” sẵn sàng mua, bởi phần lớn trong nhóm này có tiền và nhu cầu thật về nhà ở.

    Nếu có ai đó mua bất động sản với mức giá cao hơn mức giá mà nhóm người “có của ăn của để” muốn mua, thì sau đó vẫn phải bán lại cho nhóm này với giá rẻ hơn, bởi thời gian ủng hộ họ.

    Tuy nhiên, vấn đề là nếu bán nhà với giá mà nhóm người này này muốn mua và có thể mua, thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ bị phá sản.

    Như vậy, các doanh nghiệp bất động sản sẽ không dại gì đi bán nhà với giá rẻ, để sau đó họ vẫn bị phá sản? Chính vì vậy, 2 bên vẫn đang giằng co. Và chỉ có Nhà nước mới có thể thúc đẩy quá trình cung gặp cầu diễn ra một cách nhanh chóng.

    Không thể in tiền để cứu bất động sản

    In tiền để mua bất động sản của các doanh nghiệp BĐS với giá cao rồi bán lại cho những người đang có nhu cầu về nhà ở với giá thấp hơn, tức là trợ giá cho người mua bất động sản, là một trong những giải pháp như vậy. Tuy nhiên, giải pháp này gặp một thách thức to lớn, nhưng duy nhất - lạm phát.

    Có lẽ câu hỏi “in tiền có dẫn đến lạm phát cao hay không?” là một trong những câu hỏi đáng trả lời nhất trong giai đoạn hiện nay.

    Nếu câu trả lời là “có”, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục ở trong tình trạng như hiện nay. Còn nếu câu trả lời là “không”, người ta có thể nghĩ đến một giải pháp “win – win”, tức là tất cả mọi người đều được hưởng lợi, chỉ có người được lợi ít và người được lợi nhiều mà thôi. Chừng nào, câu hỏi nói trên chưa có lời giải đáp, tất cả sẽ vẫn chờ đợi.

    Đó là điều đã diễn ra trong suốt thời gian qua, khi cả xã hội vẫn còn đang nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu lạm phát 6% của Chính phủ.

    Chính vì vậy, mong muốn của Nhà nước là làm sao vừa giải cứu được thị trường bất động sản, vừa duy trì được việc làm cho người lao động mà vẫn không để lạm phát cao quay trở lại vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

    Nhưng chờ đợi cũng là một giải pháp, bởi thời gian vẫn trôi và mọi người vẫn phải sống, “nợ vẫn cứ nở ra và tài sản thì vẫn cứ co lại”, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm, thất nghiệp sẽ tăng và lạm phát cũng sẽ giảm.

    Đến một thời điểm nào đó, khi sức mua bước vào giai đoạn cạn kiệt, thì việc in tiền sẽ không còn dẫn đến lạm phát cao nữa, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó. Như vậy, NHNN vẫn có cơ hội thu lại tiền trong tương lai để kiềm chế lạm phát. Trong lịch sử kinh tế Việt Nam, những năm đầu thập kỷ 2000 là một giai đoạn như vậy.

    Vậy trong giai đoạn hiện nay, khi nào thì thời điểm “vàng” đó sẽ xuất hiện? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó có lẽ mãi là một viễn tưởng!

    Theo TTVN
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê