• Cứu bất động sản là giải nợ xấu

    Ngày 18-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành đã làm việc với TP Hồ Chí Minh để bàn những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
    Giảm giá bán là cách các doanh nghiệp BĐS đang tự cứu mình (Ảnh minh họa.

    Ế ẩm 15.000 căn hộ

    Mở đầu cuộc làm việc, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, TP còn khoảng 15 nghìn căn hộ chung cư tồn kho. Ngoài ra, còn trên 300.000m2 đất nền, gần 60.000m2 văn phòng chưa giao dịch được với tổng giá trị 30.242 tỷ đồng. Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thẳng thắn, số liệu trên chưa phản ánh được tình hình thực tế, bởi hiện nay, nhiều dự án đã huy động vốn một phần cũng như đã GPMB nhưng phải dừng do không có thị trường. Các nhà đầu tư thứ phát đã mua hàng nhưng không bán được cho người tiêu dùng dẫn đến số vốn tồn đọng trong BĐS lớn hơn rất nhiều so với số liệu báo cáo. Đại đa số doanh nghiệp nợ BĐS khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

    Sở Xây dựng cũng phản ánh tình hình giá BĐS giảm rất mạnh. Có những dự án giảm tới 30% như, dự án Hoàng Anh River View (từ 28 triệu đồng/m2 xuống còn 18 triệu đồng/m2). Giá một số dự án chung cư có diện tích căn hộ nhỏ hiện đang được chào bán dưới 15 triệu đồng/m2 (xấp xỉ giá thành đầu tư)... nhưng giao dịch thành công vẫn rất ít.

    Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để vực dậy thị trường bất động sản (BĐS). Trước hết, phải tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, theo hướng tăng cường quản lý Nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với BĐS, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, theo quy hoạch, kế hoạch, cân đối cung cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp góp phần bảo đảm an sinh xã hội và điều tiết thị trường... Cùng với đó, phải nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và rà soát các dự án, phân loại để xử lý, kiên quyết dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương.

    Bộ Xây dựng cũng góp ý với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường BĐS, ưu tiên xử lý nợ xấu có bảo lãnh bằng BĐS. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần mở rộng hợp lý tín dụng cho lĩnh vực BĐS, nhất là sản phẩm dở dang và có khả năng thanh khoản, từng bước hạ lãi suất về mức bình thường (xấp xỉ 10%/năm).

    Nhà ở phải đến tay người tiêu dùng

    Liên quan tới chính sách tài khóa và thuế, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép thực hiện miễn, giảm thuế đối với một số loại hình BĐS, cụ thể giảm 50% thuế suất thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội. Chủ trương này vừa có lợi cho người mua nhà, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán. Bộ cũng kiến nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất với thuế suất 10% (hiện nay là 25%); giảm 50% thuế GTGT với những căn hộ dưới 70m2 sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2...

    Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc giải quyết khó khăn cho thị trường BĐS phải làm quyết liệt, đồng bộ; thực hiện tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường gắn với xử lý nợ xấu, giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng yêu cầu xem xét lại công tác quy hoạch bởi đây là một trong những bất cập lớn, điểm yếu nhất hiện nay. Thủ tướng đồng ý rà soát lại các quy định về kinh doanh BĐS, gia tăng kiểm soát việc phát triển đô thị, BĐS, nhà ở. Ngoài ra, phải cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.

    Đồng ý dừng các dự án chưa GPMB và không phù hợp quy hoạch, nhu cầu và kế hoạch phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh “cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật”. Cùng với hỗ trợ doanh nghiệp BĐS, phải gia tăng hoạt động sàng lọc doanh nghiệp. Những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính phải kiên quyết không cho tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS. Thủ tướng cũng lưu ý, các ngân hàng thương mại tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu liên quan đến BĐS theo hướng cơ cấu lại nợ, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường.

    Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng được bảo đảm bằng BĐS khoảng 1,24 triệu tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng hay 64,3% dư nợ tín dụng có bảo đảm bằng tài sản. Vì vậy, việc tập trung phục hồi và phát triển thị trường BĐS là giải pháp xử lý nợ xấu ít tốn kém nhất, đồng thời bảo đảm lợi ích của các bên liên quan.

    Theo ANTĐ
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê