• "Chưa nhìn thấy dấu hiệu đi lên của thị trường BĐS"

    “Thời điểm này bất động sản đã chạm đáy?”, “Bao lâu để giải quyết hậu quả của bong bóng bất động sản?”… là những câu hỏi hóc đặt ra trong tọa đàm gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành xây dựng, bất động sản do UB Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 5/9.

    Bong bóng bất động sản - 10 năm trả giá

    TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế TƯ nêu câu hỏi, khủng hoảng kinh tế đã xuống đáy, thị trường bất động sản đã chạm đáy? Nếu đã xuống đáy rồi, thị trường sẽ đi lên hay “nằm đáy” luôn?

    Phân tích nhiều yếu tố, ông Cung lắc đầu: “Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu đi lên của thị trường”. Hiện có rất nhiều rào cản với doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, trong đó, khó khăn hàng đầu là vấn đề tiếp cận vốn khi lãi suất quá cao và các dấu hiệu giảm cầu, suy giảm sức mua của nội bộ nền kinh tế. Ông Cung cho rằng, đây là 2 yếu tố liên quan chặt chẽ đối với ngành xây dựng.

    TS Nguyễn Đình Cung: "Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu đi lên của thị trường".

    Trong khi đó, các giải pháp gỡ khó khăn thường được nhắc tới như nới lỏng tiền tệ, tăng cầu, tăng vốn đầu tư công theo ông Cung đều rất truyền thống, không còn hiệu lực hoặc dư địa rất nhỏ. Nếu “mở” quá, tác dụng rất ngắn hạn và lại làm lạm phát quay lại; nếu “mở” nhỏ như đã làm lại không có tác dụng, trừ trường hợp xử lý được khoản 200.000 tỷ đồng nợ xấu.

    Việc giãn, giảm thuế cũng chỉ giúp tháo bỏ một phần nào đó khó khăn về chi phí đầu vào và đầu ra cho DN, tính chất rất tạm thời. Như vậy, đến lúc nào đó, khó khăn lại đến dồn dập với DN.

    Trưởng tiểu ban thương mại và dịch vụ - UB Kinh tế Mai Xuân Hùng cũng đưa nhận định tình hình hiện tại vẫn chưa phải là “đáy” khó khăn. Ông Hùng dẫn câu chuyện của Nhật Bản rơi vào tình trạng bong bóng bất động sản giai đoạn 1990-1995, đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết xong hậu quả với mức tăng trưởng chỉ đến 1%/năm, thậm chí “âm” nhiều năm liền.

    Ông Hùng cho rằng, khoảng 2014, khủng hoảng của thị trường bất động sản mới đến đáy. Còn thời điểm nào có thể thoát khỏi tình trạng bong bóng cũng như khắc phục được những hậu quả khi “vỡ” thị trường, ông Hùng lắc đầu, khó có thể trả lời.

    Đại diện của UB Kinh tế chỉ nêu kiến nghị giải quyết việc dư thừa, tồn đọng sản phẩm của ngành xây dựng như xi măng, sắt thép bằng cách đổ tiền đầu tư làm đường bê tông thay cho đường nhựa. Việc này có thể “cứu” được cả ngành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đường bê tông không đảm bảo tiêu chuẩn làm cao tốc.

    Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Phạm Chí Cường ca thán tình hình khó khăn đối với ngành vì bất động sản đóng băng, cầu tiêu dùng giảm mạnh, hàng tồn đọng lớn. Ông Cường phân tích, bất động sản liên quan đến 78 ngành nghề, với số lượng nhân công lớn. Trong khi đó, thị trường bất động sản chiếm tới 80% số nợ xấu. Các dự án không được triển khai đang “chôn” hàng nghìn tỷ đồng. Tồn đọng sắt thép, xi măng cũng là ở đó.

    Thắt đầu tư, sao bàn chuyện xây trụ sở nghìn tỷ?

    Ông Trần Ngọc Hùng: "Dự án dở dang là điểm đen đọng vốn nguy hiểm".

    Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng quả quyết, đánh giá của ông về tình hình thậm chí “bi quan” hơn nhận định của TS Nguyễn Đình Cung. Ông Hùng lo sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng như Thái Lan năm 1990.

    “Bong bóng bất động sản nếu vỡ, hàng vạn dự án nhà ở, khu đô thị khắp trong nam ngoài bắc không bán được sẽ rất nguy cơ. Vì phong trào nhà nhà, ngành ngành, người người đầu tư kinh doanh bất động sản, thị trường hiện đang dư thừa quá nhiều nhà trung, cao cấp” - ông Hùng dẫn chứng, có DN ở TPHCM vay đến hàng chục nghìn tỷ đồng (tương đương hàng tỷ USD) làm dự án khu đô thị mới mà không có người mua. Ở Hà Nội, chạy xe một vòng đã đếm được mấy trăm dự án không triển khai, đất bỏ không, trong đó không ít những khu đất vàng vẫn nhiều năm quây tôn để đấy.

    Ông Hùng cảnh báo, đây là những “điểm đen” đọng vốn nguy hiểm. Chủ tịch Tổng hội xây dựng đề nghị không tiếp tục giao dự án cho các doanh nghiệp. Mỗi dự án, nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng “sạch”, bỏ vốn đầu tư làm hạ tầng xong mới bán để chặn cửa “ăn” chênh lệch địa tô của một nhóm cá nhân trong khi nhà nước không thu được bao nhiều từ tiền sử dụng đất, người dân mất đất lại quá thiệt thòi.

    Ông Hùng cũng hiến kế hạn chế rót vốn cho doanh nghiệp bất động sản mà nới cửa cho vay đối với người mua, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà cho thuê, thuê mua. Các dự án nhà tái định cư, để tránh tiếng xấu về chất lượng kém, cần làm với mức giá bán cao nhưng phải thực hiện đền bù cho người dân bị lấy đất theo giá thị trường. Loại nhà có giá 19-12 triệu đồng/m2, theo ông Hùng, nhà nước có thể bỏ tiền mua làm nhà tái định cư sẽ khả thi.

    Đối với chính sách “thắt lưng buộc bụng” đang áp dụng, ông Hùng chỉ ra nghịch lý, chính sách đề ra vậy nhưng các cơ quan nhà nước vẫn liên tiếp bàn chuyện xây dựng trụ sở, mua sắm xe công. Đại biểu đề nghị UB Kinh tế thẩm tra các dự án xây dựng trụ sở mới trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng của một số bộ ngành nếu tiến hành, cả nước có thực hiện dược chính sách giảm đầu tư công như đã định?

    Chủ tịch HĐQT Saigon Coop Nguyễn Ngọc Hòa lo lắng, bối cảnh khó khăn, các DN xây dựng, bất động sản Việt Nam co cụm, thu hẹp lại là cơ hội vàng cho nhà đầu tư nước ngoài đổ vào mua bán, sáp nhập, “thôn tính” các thương hiệu người Việt đã dày công xây dựng.

    Ông Hòa đề xuất giải pháp cho ngành tương tự ngành ngân hàng “khoanh nợ cũ”. “Cần khoanh những dự án có chi phí đầu vào quá cao, mở nhanh những dự án mới có giá thấp để kéo giá nhà đất xuống. Nhu cầu mua nhà giá vừa phải trong dân rõ ràng vẫn lớn, kéo được giá thấp xuống sẽ có thêm cơ hội kích cầu. Có vậy xi măng sắt thép mới có đầu ra” - ông Hòa phân tích.
    Theo Dân trí
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê