• Chính sách tác động lớn đến thị trường bất động sản

    Năm 2013, thị trường bất động sản đón nhận hàng loạt các chính sách có tầm ảnh hưởng lớn như Luật đất đai được thông qua, chính sách miễn giảm thuế theo nghị quyết 02, các nghị định về quản lý và phát triển đô thị...
    Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

    Sau 3 kỳ họp, ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật đất đai (sửa đổi), gồm 14 chương, 212 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

    Tuy nhiên, bên cạnh những sửa đổi bổ sung về thu hồi, trưng dụng, quy hoạch sử dụng đất, khung giá đất…, Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn tiếp tục khẳng định quyền sở hữu đất đai toàn dân, do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, đồng thời tái khẳng định việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

    Nhiều ý kiến lo ngại, với sự khẳng định về hình thức sở hữu và lý do thu hồi đất nói trên về cơ bản không thay đổi so với Luật Đất đai 2003, nhiều khả năng tình trạng tranh chấp, khiếu kiện cũng như sự thiếu công bằng, minh bạch trong lĩnh vực đất đai sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.


    3 Bộ Luật quan trọng của ngành Xây dựng được thay đổi

    Năm 2013, Bộ Xây dựng đã soạn thảo, sửa đổi căn bản hệ thống chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị và nhà ở, đó là luật Xây dựng, luật Nhà ở, luật kinh doanh bất động sản.

    Cùng với đó, năm 2013 Bộ Xây dựng cũng hoàn thành những Nghị định rất quan trọng như Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị và các thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa Nghị định này; Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định 188 về phát triển nhà ở xã hội.

    Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng không chỉ kiểm soát chất lượng để bảo đảm an toàn công trình mà còn nhằm bịt lỗ hổng làm mất vốn nhà nước, trong đó yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Nghị định đặt ra vấn đề tiền kiểm đối với thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước. Khi có quy định này, thay vì trước đây, việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán đều giao cho chủ đầu tư thì giờ, công việc đó phải do cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm.

    Tính sơ bộ từ tháng 4 đến nay, riêng phần chi phí, mới chỉ 46/63 tỉnh thành phố đã có 3.048 công trình vốn ngân sách nhà nước với tổng số vốn dự toán 27.443 tỷ đồng được kiểm tra từ đầu, cắt giảm được 2.305 tỷ đồng (tương đương 8,4%). Nếu tính mức trung bình 8,4% này thì mỗi năm, trong 200.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách có thể cắt giảm được ít nhất 16.000 tỷ đồng. Khoản này chắc cũng làm được thêm rất nhiều việc khác.

    Gói 30.000 tỷ đồng: Không như kỳ vọng

    Từ ngày 1/6/2013, gói cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu được tung ra và có giá trị trong 3 năm, với lãi suất được ấn định là 6%. Tuy nhiên, sau 6 tháng triển khai, gói hỗ trợ này đã khiến không chỉ các đối tượng hưởng thụ mà ngay cả chính những người làm chính sách và các ngân hàng tham gia chương trình thất vọng khi tốc độ giải ngân quá ì ạch.

    Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 12/2013, giá trị giải ngân gói 30.000 tỷ mới chỉ đạt 555 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 2% tổng giá trị.

    Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ông Lê Hoàng Châu đánh giá, dù gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ nhắm đến người tiêu dùng có thu nhập khiêm tốn song đối tượng này lại khó có thể tiếp cận vì không có tài sản để thế chấp.

    Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư cho rằng gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà vẫn còn quá ít ỏi, chưa thấm vào đâu so với thị phần nhà ở thương mại giá rẻ còn rất mênh mông.

    Cởi trói nhà ở xã hội

    Cùng với việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua, thuê nhà, cuối tháng 11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 188/CP về phát triển nhà ở xã hội với nhiều nội dung đáng chú ý theo hướng có lợi cho người thu nhập thấp đã và đang sở hữu nhà ở xã hội.

    Theo đó, thay vì được bán và cho thuê lại sau 10 năm, người mua nhà ở xã hội sẽ được chuyển nhượng sau 5 năm sử dụng, kể từ thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư. Ngay cả trong thời gian 5 năm, nếu cần chuyển nhượng thì người dân vẫn có thể bán lại cho nhà nước, chủ đầu tư hoặc đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định.

    Giảm thuế VAT để kích cầu

    Những người có nhu cầu mua nhà sẽ vui hơn khi giá bán căn hộ thương mại sẽ giảm thêm chút nữa nhờ thuế giá trị gia tăng được giảm 50%.

    Theo Thông tư 141/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 16/10 vừa qua, các căn hộ thương mại có diện tích dưới 70 mét vuông và giá bán dưới 15 triệu đồng/mét vuông sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 50%, tương ứng mức giảm 5% giá trị căn hộ. Trong trường hợp mua nhà trả góp với hợp đồng đã ký trước ngày 1/7/2013, những đợt thanh toán sau này nằm trong khoảng thời gian trên vẫn được giảm thuế VAT.

    Mặc dù nhận định là có lợi cho thị trường nhưng giới chủ đầu tư đang băn khoăn về số tiền thuế VAT được khấu trừ khi bán hàng.

    Từ Liêm thành hai quận

    Vào thời điểm cuối năm 2013, việc thành lập 2 quận mới trên cơ sở chia tách huyện Từ Liêm đã chính thức được thông qua. Tuy nhiên, cái tên Nam Từ Liêm – Bắc Từ Liêm dù đã được Hà Nội lựa chọn, song lại không được sự ủng hộ của.

    Còn với thị trường bất động sản, việc Từ Liêm lên quận dường như không tác động nhiều đến thanh khoản và giá cả trước và sau khi đề án được thành phố thông qua.

    Theo VnMedia
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê