• Căn hộ 14 triệu/m2: Mua nhà giá đắt trên giấy

    Nhiều chủ đầu tư dự án căn hộ trên địa bàn Hà Nội đang chào hàng ở mức 14 triệu đồng/m2 khiến người dân có nhu cầu hết sức quan tâm. Tuy nhiên, những người có nhu cầu ở thực vẫn còn rất nhiều băn khoăn trước khi quyết định xuống tiền mua căn hộ lúc này.
    Một số dự án căn hộ trên địa bàn Hà Đông, Hà Nội đang được chủ đầu tư, đơn vị bán hàng chào ở mức giá 14 triệu đồng/m2 như các dự án ở Phùng Hưng - Hà Đông và Đại Thanh - Thanh Trì.

    Căn hộ có diện tích nhỏ từ khoảng 40-60m2 tính ra, giá trị chỉ vào khoảng 1 tỷ đồng. Nhiều người dân đã khấp khởi mừng và đổ xô tìm hiểu, tuy nhiên tìm hiểu xong thì lại phải tần ngần suy tính.

    Biết vợ chồng anh Trọng Hải - Phó Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ tại Hà Nội vẫn ở nhà thuê gần khu Linh Đàm, một nhân viên môi giới nhà đất gọi điện giới thiệu về ở Đại Thanh giá chỉ 14 triệu đồng/m2. Anh Hải từ chỗ không quan tâm, bắt đầu để ý và dần trở nên sốt sắng về cơ hội sở hữu căn hộ kể từ đợt mở bán của dự án này mới đây.

    Theo anh Hải, mức giá 14 triệu/m2 có thể nói là hấp dẫn và diện tích căn hộ lại rất phù hợp, tối đa 66m2/căn. Vì thế anh đang thuyết phục vợ cố gắng mua nhà để ở. Trước mắt, khoản tiền dành dụm của hai vợ chồng có thể đóng được 20% tiến độ, các giai đoạn sau, cả hai sẽ cố gắng vay mượn thêm.

    Tuy nhiên, qua theo dõi trên mạng mấy ngày nay, anh Hải cũng hơi chột dạ vì thấy dự án đang được giới kinh doanh, trung gian đẩy giá lên, mức chênh một căn thường từ 10-15 triệu đồng. Nghĩ thời buổi thị trường eo xèo hiện nay, hiện tượng đẩy giá lên cũng chỉ như muối bỏ bể, anh Hải đinh ninh rằng, ước mong có một căn hộ tốt để ở thì dù dự án có hơi xa trung tâm một chút hay giá có nhích lên chút đỉnh thì những người như vợ chồng anh cũng không quản ngại và có thể chấp nhận. Còn nếu giá bị đẩy lên cao quá thì khả năng vợ chồng anh sẽ không mua nữa.


    Ngoài mức giá chênh, cái băn khoăn, lo lắng nhất của người mua nhà lúc này là dự án có được triển khai đúng tiến độ và cam kết bàn giao nhà hay không. "Tôi rất lo trong bối cảnh các chủ đầu tư đều thiếu vốn, năng lực tài chính hạn chế, việc họ huy động vốn từ khách hàng xong lại "ngâm tôm", dự án đóng cửa quây tôn chưa biết đến bao giờ hoàn thành thì mình chết dở" - anh Hải bày tỏ.

    Ky cóp dành dụm mãi mới được vài trăm triệu, chị Thanh Thảo, vợ anh Hải cũng rụt rè: "hàng loạt chủ đầu tư dự án lớn không có tiền triển khai, lại nợ đọng tiền thuế đất, bị phạt nộp chậm đến hàng tỷ đồng. Những dự án mà nợ tiền đất thì không được cấp sổ đỏ. Vì thế tôi cũng rất lo sợ bị rơi vào cảnh "mất tiền đi ở nhờ" - chị nói.

    Tương tự, nghe tin dự án ở Phùng Hưng, Hà Đông vừa được chủ đầu tư tung hàng ra thị trường với mức giá từ 14-16 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), diện tích căn hộ dao động từ 67-103m2, anh Trần Anh - một nhân viên văn phòng tại Trung Hòa Nhân Chính đã nhanh chóng tìm đến sàn đang chào bán để lấy thông tin và đến chân công trình để tận mắt chứng kiến.

    Ở nhà thuê hơn chục năm nay, mức giá khoảng 14 triệu đồng/m2 (giá trị căn hộ dao động từ 951 triệu đồng đến 1,46 tỷ đồng/căn (chưa thuế), được anh Trần Anh đánh giá là cơ hội để có nhà. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu hồ sơ, anh đành rẽ lối đứng ngoài thị trường làm quan sát viên trong trước mắt.

    Theo phân tích của anh, mới nghe thì mức tối thiểu 14,2 triệu đồng/m2 có vẻ ngon ăn, tuy nhiên, dự án này hiện tại mới chỉ nằm trên giấy. Quảng cáo là 14 triệu nhưng công trình chưa được xây dựng. Thông tin từ chủ đầu tư, dự kiến dự án khởi công vào quý 2/2012 và bàn giao cuối 2014. Do đó, bối cảnh hiện nay phần đông khách hàng từ chỗ háo hức đều chuyển thành so đo tính toán, ngần ngại trong việc ra quyết định mua.

    Trần Anh cho biết, hiện nay dự án mới chỉ đóng được vài chiếc cọc, theo quy định dự án phải hoàn thành xong móng thì chủ đầu tư mới được phép huy động vốn từ khách hàng, nhưng chủ đầu tư đã lách cái này bằng cách ra hợp đồng đặt cọc.

    Thời hạn đặt cọc là 6 tháng kể từ khi các bên ký kết hợp đồng đặt cọc. Trường hợp thời hạn đặt cọc đã kết thúc mà các bên chưa ký được hợp đồng mua bán căn hộ thì sẽ tự động gia hạn thêm một thời gian là 3 tháng... Như vậy, với thỏa thuận dân sự này, chủ đầu tư đã có đến 9 tháng sử dụng vốn của khách hàng trước khi ra được hợp đồng mua bán căn hộ.

    "Lẽ ra phải 6 tháng nữa, chủ đầu tư mới được nhận tiền của khách hàng nhưng với cách làm này của chủ đầu tư, đến lúc ấy, giá trị căn hộ theo lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng không còn dừng ở mức giá tối thiểu khoảng 14 triệu đồng nữa mà sẽ nhích lên cao hơn" - khách hàng này căn cơ.

    Trên nhiều diễn đàn, không thiếu các ý kiến của người muốn mua nhà cho rằng, mức giá 14-16 triệu đồng/m2 mà chưa VAT vẫn còn cao. Mức giá này chỉ phù hợp để các bác "dân buôn" thuận tay ôm vào. Còn người dân, trước bối cảnh thị trường BĐS Hà Nội nói riêng vẫn chưa nhìn thấy điểm lên thì cứ bình tĩnh lựa chọn, đừng nên nóng vội.

    "Thử đếm xem một dự án BĐS có bao nhiêu tòa chung cư, mà mỗi toàn ít nhất cũng gần 300 căn, thì riêng một khu cũng có cỡ trên 3.000 căn hộ. Thời buổi này bán được ngần ấy căn hộ thì... còn khướt. Chẳng qua chủ đầu tư chỉ bán thăm dò kiểu nhỏ giọt, mỗi lần vài chục căn hoặc hơn. Người dân mình sẵn có nhu cầu, tưởng hết đến nơi nên cứ cuống cả lên. Nói thật, chủ đầu tư luôn biết liên kết với "cò" để tạo sự khan hiếm, PR. Để bán trực tiếp cho dân tôi e không khó, nhưng mà mở ra chắc chả tạo được làn sóng trên thị trường như vậy" - thành viên một diễn đàn có tên Hải Anh tâm sự.

    Xem ra, với nhiều chiêu thức khác nhau của chủ đầu tư và giới bán hàng, việc người dân tại Hà Nội có thể được mua căn hộ có giá 14 triệu đồng/m2, vẫn chưa hoàn toàn đúng với nghĩa đen của nó.
    Theo VEF
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê