• Các ‘thành phố ma’ sẽ ám ảnh Trung Quốc?

    Hồi tháng Bảy, Nhật báo Thanh niên Trung Quốc (China Youth Daily) đưa tin có ít nhất 12 ‘thành phố ma’ tại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia và phương tiện truyền thông cho rằng đây là một biểu tượng, một dấu hiệu cho sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.
    Zhang Weixin, một tài xế taxi tại Thường Châu trong 10 năm qua, chưa bao giờ nghĩ nơi đây sẽ trở thành một "thành phố ma". Trong mắt ông, thành phố này dường như đang phát triển tốt hơn bao giờ hết.

    Nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Trường Giang, thành phố ven biển miền đông 2.500 năm tuổi Thường Châu này đã từng được gọi là Thành phố Rồng (Dragon City) vì sự thịnh vượng và sự giàu có. Tuy nhiên, gần đây Thường Châu đã phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt khi một số phương tiện truyền thông gọi đây là ‘thành phố ma’.

    Một tòa nhà cao 'chọc trời' vừa mới hoàn thành ở Thường Châu.

    Theo báo cáo của tờ báo kinh doanh National Business Daily có trụ sở tại Thượng Hải hồi tháng Giêng, hầu hết các khu dân cư mới được xây dựng ở Đường Vũ (Wuyi Road) đều trống rỗng và gần như không có ánh đèn vào buổi tối . Tuy nhiên, ngay sau đó, chính quyền Thường Châu đã nhanh chóng đưa ra thông báo chính thức bác bỏ những thông tin trên và cho rằng thật vô lý khi chỉ dựa vào việc thành phố này thiếu ánh đèn vào buổi tối để gọi nó là ‘thành phố ma’.

    Wu Haiyong, Phó Giám đốc Cục Quản lý Nhà ở Thường Châu cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng Hai: "Hầu hết các khu nhà này chỉ mới hoàn thành hoặc vẫn đang trong quá trình xây dựng, thật vô lý khi đánh giá tỷ lệ còn trống khi nó vẫn đang trong giai đoạn chuyển giao”.

    Tuy nhiên, lời giải thích này không làm thỏa mãn giới truyền thông và công chúng. Ngày càng có nhiều ‘thành phố ma’ xuất hiệu trên toàn đất nước Trung Quốc.

    Một trong những thành phố nổi tiếng nhất là Ordos ở khu tự trị Nội Mông ở Miền Bắc Trung Quốc, Thường Châu ở Giang Tô, khu đô thị mới Zhengdong ở tỉnh Hà Nam, Thập Yển ở Hồ Bắc và Quận Chenggong của Côn Minh ở Vân Nam.

    Mặc dù ở những vùng địa lý khác nhau và có các mức độ phát triển kinh tế khác nhau nhưng những thành bố này có một đặc điểm chung: chính quyền địa phương đầu tư rất lớn vào việc xây dựng các khu dân cư mới. Tuy nhiên, chúng bị thiếu một thứ, đó là con người.

    Thành phố Rồng hay thành phố ma?

    Theo truyền thông Trung Quốc, Thường Châu hiện có rất nhiều những tòa nhà cao chọc trời.

    Zhang Weixin cho biết, các dự án bất động sản lớn “ở khắp mọi nơi. Bạn có thể thấy, các dự án bất động sản mới có ở tất cả các con đường, có quá nhiều đến nỗi tôi không biết được cái nào mới nhất và cái nào to nhất.

    Một khu phố ở Trấn Giang, Giang Tô không một bóng người

    Một người dân sống ở Injoy Plaza, trung tâm mua sắm lớn nhất và khu căn hộ tại Đường Vũ (Wuyi Road) mở cửa từ tháng 5/2012, cho hay chỉ có một phần ba tòa nhà này là có người ở.

    Wang nói với Global Times, cách dễ dàng để biết số gia đình sống trong một tòa nhà là đếm số điều hòa, phần không thể thiếu tại thành phố có khí hậu nóng bức này. Và không có nhiều điều hòa ở trong các khu phức hợp với hàng chục tòa nhà, mỗi tòa nhà 30 tầng này.

    Một nhân viên của siêu thị Tesco gần đó cho biết việc kinh doanh ở đây không tốt, có rất ít khách hàng.

    Bong bóng bất động sản ‘vỡ’

    Đường Vũ chỉ là hình ảnh thu nhỏ của Thường Châu về phát triển bất động sản trong những năm gần đây. Chính quyền địa phương đã đưa ra một loạt các chính sách khuyến khích xây dựng và người mua nhà. Đường tàu điện ngầm đầu tiên của Thường Châu sẽ khởi công vào năm tới. Các nhà phát triển bất động sản cho biết chính quyền địa phương đã đầu tư 8 tỷ nhân dân tệ (1,3048 tỷ USD) để cải tạo môi trường xung quanh của Đường Vũ.

    Đường phố trống trơn, dù cơ sở hạ tầng rất đầy đủ.

    Một nhà quản lý từ Czfcw.com, công ty bất động sản lớn nhất của thành phố cho biết hiện thành phố này vẫn còn 100 dự án bất động sản vẫn còn đang xây dựng.

    Dân số Thường Châu đã tăng vọt lên 4,5 triệu người vào năm 2012, tăng gần 20% so với 10 năm trước. Tuy nhiên, hầu hết đều là những người lao động nhập cư, tới đây để làm việc trong các công trình đang xây dựng và họ không có đủ tiền để mua nhà.

    So với các thành phố lân cận như Tô Châu và Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, Thường Châu ít hấp dẫn hơn đối với tầng lớp trung lưu vì thiếu trường học, các tổ chức và doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại tỏ ra lạc quan. Theo Lu Jingfeng, giám đốc giám sát bất động sản tại Cục Quản lý Nhà ở Thường Châu, khối lượng giao dịch nhà ở thương mại tại Thường Châu tăng 29% trong nửa đầu năm nay. Năm ngoái, khối lượng giao dịch nhà ở thương mại trong thành phố đạt 6,58 triệu m2 (62.093) căn hộ, chỉ đứng sau Nam Kinh và Tô Châu ở tỉnh Giang Tô.

    Dấu hiệu suy thoái kinh tế?

    Hiện tượng ‘thành phố ma’ đã thu hút được sự chú ý rộng rãi trong và ngoài nước, khi một số phương tiện truyền thông cho rằng những thành phố này đã trở thành một biểu tượng, một dấu hiệu cho sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. Thành phố ma nổi tiếng nhất là Ordos, từng được cho là một trong những thành phố giàu nhất ở đại lục và được mệnh danh là "Dubai của Trung Quốc", nhưng hiện nay kinh tế của Ordos đang ‘rơi tự do’.

    Trước đó, GDP của thành phố này tăng trưởng nhanh chóng do ngành công nghiệp khai thác than. Một phần lớn của cải tích lũy bằng ngành công nghiệp than sau đó được ‘đổ’ vào lĩnh vực bất động sản. Tiền thu được từ đầu tư bất động sản lại quay trở lại ngành than hoặc lại được tái đầu tư vào các dự án bất động sản, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

    Tuy nhiên, ngành công nghiệp than sớm bị sụt giảm khi nhu cầu giảm cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ than nhập khẩu giá rẻ hơn.

    Nhận được bài học từ Ordos, nhiều chính quyền địa phương khác hiện đang nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp thực sự chứ không chỉ phụ thuộc vào một nền kinh tế ‘theo định hướng bất động sản’.

    Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần suy nghĩ về mô hình đô thị hóa hiện nay.

    Li Zhanjun, giám đốc của Viện Nghiên cứu và Phát triển tại E-house China nói: "Trung Quốc quá lớn và các thành phố rất khác nhau do những điều kiện cụ thể khác nhau. Bài học về những thành phố như Ordos đối với chính quyền địa phương là một thành phố muốn phát triển tốt đầu tiên cần tăng cường một dây chuyền công nghiệp phát triển tốt và một cơ cấu công nghiệp cân bằng. Nếu chiến lược của chính quyền địa phương là thu hút dân cư chỉ bằng cách xây dựng một thành phố, thì sẽ phải chấp nhập một rủi ro lớn đối với tương lai của nền kinh tế”.

    Trong khi đó, Liu Yuan, giám đốc của công ty bất động sản Centaline nhận đinh, giá cả là một yếu tố quan trọng đối với bong bóng bất động sản. Nếu giá cả quá cao, người dân sẽ không có đủ tiền để mua nhà.
    Theo Infonet
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê