• Biệt thự cổ Hà Nội: Sự phá hoại mang danh "cải tạo"

    Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là hồi chuông cáo chung cho sự đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam. Tháng 10/1954, những người Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên trong tâm thế của kẻ bại trận. Tuy nhiên, họ đã để lại cho Hà Nội những kiến trúc tuyệt đẹp, trong đó có 1.586 ngôi biệt thự cổ nằm trên những con phố rợp bóng cây xanh.
    Nét đặc trưng của Hà Nội

    Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 1.586 biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc, trong đó có 562 biệt thự tư nhân đang sử dụng, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 42 biệt thự ở trung tâm quận Ba Đình không được phép tư nhân hoá nằm trên một số tuyến phố như: Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng... Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phân biệt thự ra làm 4 loại. Loại 1: các biệt thự giá trị đặc biệt, quy mô lớn, có vị trí đẹp, sân vườn còn nguyên vẹn, giữ được tính nguyên bản và các đặc trưng về phong cách kiến trúc để ưu tiên bảo tồn. Loại 2: các biệt thự có giá trị, vị trí đẹp, ít nhiều đã bị biến dạng hoặc hư hại cần được khôi phục, bảo tồn. Loại 3: các biệt thự có giá trị trung bình, còn giữ được hình dạng ban đầu, nhưng đã bị sửa chữa, lấn chiếm hoặc cải tạo một phần, có thể xem xét một số biệt thự để chỉnh trang, bảo tồn. Loại 4: các biệt thự đã bị phá bỏ, xây mới, hư hại nghiêm trọng hoặc đã bị biến dạng hoàn toàn về kiến trúc. Cụ thể, trong số hơn 1.586 biệt thự, loại 1 có 228 biệt thự, loại 2: 431 biệt thự, loại 3: 646 biệt thự, loại 4: 235 biệt thự. Theo điều tra mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội thì hầu hết biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng trăm biệt thự bị cơi nới, lấn chiếm, thậm chí bị làm biến dạng, tình trạng tranh chấp tại đây rất phức tạp. Biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cũng do hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Đặc biệt, việc sử dụng, cải tạo tùy tiện nhiều biệt thự trong quá trình sử dụng, đã không những không tận dụng được những nét đẹp đặc thù của biệt thự mà còn phá vỡ kiến trúc cảnh quan, ảnh hưởng đến kết cấu của biệt thự. Có thể nói, những hành vi dù cố ý hay vô tình này đều là một sự phá hoại văn hóa nghiêm trọng, nó đang hủy diệt đi một trong những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Điều đáng lo ngại hơn là nó đã và đang diễn ra với một mức độ ngày càng quyết liệt hơn và dường như có một cuộc chạy đua ngầm giữa chủ nhân của các ngôi biệt thự khi mà Đề án bảo tồn các ngôi biệt thự cổ của Hà Nội sắp được các cơ quan chức năng chính thức thông qua.

    Và nguy cơ biến mất

    Cánh cổng 100 năm lịch sử bị đập bỏ trong đêm.

    Số nhà 37, phố Quang Trung đang nằm trong danh sách biệt thự cần được bảo tồn và giữ nguyên kiến trúc. Trước đây, nó là khu tập thể của cán bộ công nhân viên chức Thành ủy ở. Năm 1983, Thành ủy bàn giao lại cho Xí nghiệp nhà quận Hoàn Kiếm quản lý. Từ năm 2005, các hộ dân đã mua lại theo Nghị định 61/CP. Ngoài diện tích sử dụng riêng còn lại 203,5m2 là diện tích sử dụng chung đường và khu phụ chung hoạch định phân bổ cho từng hộ. Theo hồ sơ mới lập tháng 7/2013, ngôi biệt thự này mang phong cách địa phương Pháp thuần túy rất có giá trị về kiến trúc với cổng sắt, hàng rào gạch đẹp, điểm nhìn tốt. Hồ sơ cũng đánh giá, ngôi biệt thự này còn khá nguyên vẹn với số điểm 70/100, công năng sở hữu là hành chính, nhà nước, kiến nghị xếp loại 1 (bảo tồn có giá trị đặc biệt), trong biệt thự này hiện có 7 hộ gia đình cùng sinh sống. Trong 7 hộ này, hộ ông Bùi Mạnh Kiên sở hữu phần nhà chính lớn nhất của biệt thự, nhìn thẳng ra bức tường rào ngăn cách với hè đường, có cổng ra vào chung với các hộ trong số nhà. Mới đây, gia đình ông Kiên cho thuê toàn bộ phần diện tích sở hữu của mình để đi nơi khác ở, người thuê nhà đã thuê thợ tiến hành sửa chữa với mục đích mở nhà hàng kinh doanh ăn uống. Theo phản ánh của các hộ dân sống cùng số nhà: Vào hồi 9 giờ 30 phút ngày 10/10/2013, nhóm thợ đã mang dụng cụ đến đập phá tường rào bao quanh phía trước mặt nhà và tháo dỡ cửa cổng số nhà 37 Quang Trung. Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân trong số nhà đã báo với UBND phường xuống lập biên bản tháo dỡ. Tuy nhiên, vào khoảng 22 giờ cùng ngày, nhóm thợ lại tiếp tục đập phá lần 2 nhưng bị các hộ dân ở đây ngăn cản quyết liệt nên không thể thực hiện. Sự coi thường pháp luật, phá hoại di tích văn hóa này không chỉ dừng lại ở bức tường rào khi hàng chục thợ tiến vào đập đi những công trình phụ trợ trong khuôn viên biệt thự rồi dựng những khung nhà sắt có hình thù kì quái, tự tiện nâng hạ cốt nền, đục đi sân gạch cổ làm ống thoát nước, đập cả khu nhà vệ sinh chung của dân trong khu biệt thự. Sau sự việc, liên tiếp các ngày 14, 23/10/2013, UBND phường Trần Hưng Đạo đã tổ chức cuộc họp với các hộ dân trong số nhà để giải quyết. Theo kết luận của cuộc họp, gia đình ông Kiên phải chịu trách nhiệm và phối hợp với bên thuê nhà khôi phục xây lại tường rào như nguyên trạng, ông Kiên cũng đã ký vào một trong số các Biên bản, thừa nhận vi phạm và cam kết sẽ xây lại cổng nguyên trạng trước ngày 8/11/2013. Biên bản chưa ráo mực, bức tường rào 100 năm lịch sử và cánh cổng sắt tuyệt đẹp đã bị đập vụn hoàn toàn vào lúc 4 giờ sáng ngày 26/10/2013 dù trước đó, những hộ dân đã động viên nhau thức canh đến 3 giờ sáng.

    Những khung nhà sắt kỳ quái phá vỡ kiến trúc của biệt thự cổ.

    Đối diện gần biệt thự 37 này là biệt thự số nhà 36, nằm ngay góc ngã tư Trần Quốc Toản, Quang Trung. Đây cũng là một ngôi biệt thự xếp loại 2 (Bảo tồn có giá trị cao) được đánh giá điểm 69/100 với kiến trúc Đông Dương đặc sắc. Tuy căn biệt thự này chỉ có 1 chủ sở hữu nhưng cũng như biệt thự 37, nó cũng đã bị biến dạng hoàn toàn trong tháng 10 vừa qua. Đến nay, ngôi biệt thự này đã bị cải tạo thành một khối bê tông kì quái, mang phong cách tu tạo của thành nhà Mạc tại Tuyên Quang.

    Chính quyền “ủng hộ”?

    Hai ngôi biệt thự đang bị phá hoại nghiêm trọng trên đều cách trụ sở UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (29 Quang Trung) chỉ vài bước chân. Chủ tịch Phạm Ngọc Long và Phó Chủ tịch Phạm Sơn Hà đều biết rõ Đề án bảo tồn các ngôi biệt thự cổ Hà Nội vì chính UBND phường đã cùng Sở Xây dựng đi đánh giá, chụp ảnh, lập hồ sơ các ngôi biệt thự trên địa bàn phường để phục vụ cho Đề án vào tháng 7/2013. Thế nhưng, hành động ngăn chặn các hành vi phá hoại này của lãnh đạo UBND phường thì rất chậm chạp, chậm đến nỗi các công dân phường không thể không đặt dấu hỏi về những hành động có như không này của UBND phường Trần Hưng Đạo. Ngày 10/10/2013, nhóm thợ đầu tiên đập phá cổng, tường rào biệt thự 37, người dân đã báo tin ngay, nhưng Biên bản đình chỉ thi công đầu tiên được lập là ngày 08/11/2013. Tận dụng khoảng thời gian quý giá này, hàng chục thợ thi công ngày đêm đã kịp biến ngôi biệt thự này thành một mớ hỗn độn mang phong cách kiến trúc chẳng giống ai. Khi được hỏi về việc tại sao không tiến hành các biện pháp ngăn chặn thuộc thẩm quyền như: cắt điện, nước… theo quy định tại Nghị định 180 thì Phó Chủ tịch phạm Sơn Hà trả lời: “Hành vi của họ chưa đủ để áp dụng biện pháp cắt điện nước. Mà cắt điện nước thì ảnh hưởng đến đời sống nhân dân lắm, hơn nữa họ đã xin giấy phép thi công rồi…”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về giấy tờ chứng minh họ đã xin giấy phép hay không thì được trả lời là chủ nhà đến báo… mồm. Sự việc qua lời ông Phó chủ tịch Phạm Sơn Hà còn nhuốm màu tâm linh khi ông nhiệt tình lí giải nguyên nhân đập đi tường rào trăm năm tuổi hộ ông Kiên: “Sở dĩ chủ nhà họ đập cổng vì cái cổng đâm thẳng vào cửa nhà họ, kiêng kị lắm”, ông còn tự tay vẽ một sơ đồ cho chúng tôi xem để chứng minh chi tiết rất Liêu Trai này.

    Hai trường hợp điển hình trên đây đã cho thấy một thực trạng đáng buồn của các ngôi biệt thự cổ ở TP. Hà Nội. Những kiến trúc xinh đẹp này bất lực trước những hành vi thô bạo của con người. Phải chăng đó là một hành vi “giàu tiền bạc, nghèo ý thức” được các cơ quan chức năng vô tình tiếp tay? Hay đó là sự xung đột ý thức hệ của một lớp người đi trước muốn bảo tồn di sản cho con cháu đời sau và lớp người kế cận nặng lòng với cơm ăn, áo mặc?

    Theo BVPL
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê