• Biệt thự bỏ hoang: Giá vẫn cao

    Trong khi hầu hết phân khúc của thị trường bất động sản như căn hộ chung cư, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ… đều phải giảm giá, thì những căn biệt thự bỏ hoang nhiều năm nay lại không xuống giá.
    Trong vai “cò” đất tìm mua một căn biệt thự giúp người anh làm doanh nghiệp ở tỉnh xa, tôi phát hoảng khi gọi cho một thuê bao di động 0902080xxx viết nguệch ngoạc trên tường một căn biệt thự bỏ hoang Khu đô thị Mỹ Đình II. Mức giá mà người môi giới này đưa ra cho căn biệt thự xây thô rộng 150 m2 là 165 triệu đồng/m2, không thương lượng! Khi được yêu cầu xem giấy tờ để xác định danh tính chủ nhân ngôi biệt thự, người môi giới yêu cầu đặt cọc 500 triệu đồng mới cho xem giấy tờ.


    Nhiều ngôi biệt thự tại khu vực Mỹ Đình đều có mức giá dao động trong khoảng 145 - 160 triệu đồng/m2. (Ảnh minh họa)

    Hiện tại, nhiều ngôi biệt thự tại khu vực Mỹ Đình đều có mức giá dao động trong khoảng 145 - 160 triệu đồng/m2. Như vậy, để sở hữu ngôi nhà bỏ hoang gần chục năm, rêu mốc loang lổ tại Mỹ Đình, người mua vẫn phải bỏ ra 25 - 40 tỷ đồng (1,2 - 2 triệu USD).

    Cách đây hơn 1 năm, tháng 1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội thống kê, xử lý các biệt thự bỏ hoang tại cụm nhà ở An Sinh (Khu đô thị Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm). 3 tháng sau, UBND TP. Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành việc “xử lý” các biệt thự bỏ hoang. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại Khu đô thị Mỹ Đình II, vẫn có hàng chục căn biệt thự bỏ hoang.

    Tại các khu vực lân cận như Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Dịch Vọng (Cầu Giấy), Văn Quán (Hà Đông), số biệt thự bỏ hoang lên tới hàng trăm căn. Mức giá mà chủ nhân các căn biệt thự bỏ hoang này đưa ra là 130 - 180 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.

    Theo báo cáo do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành năm 2011, khi kiểm tra 16 dự án của 11 chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội với số lượng 2.684 căn biệt thự, có 698 căn (chiếm tỷ lệ gần 35%) chưa đưa vào sử dụng. Điều đáng ngạc nhiên là, chủ nhân các ngôi biệt thự này sẵn sàng bỏ hoang nhiều năm nay, chứ không chấp nhận giảm giá hay bán tháo như các nhà đầu tư phân khúc căn hộ chung cư đang làm.

    Và cũng không chỉ trong khu vực nội thành Hà Nội mới có biệt thự bỏ hoang. Dọc các tuyến Quốc lộ 1B (Hà Nội - Lạng Sơn), 2B (Hà Nội - Việt Trì), cao tốc Láng - Hòa Lạc... có thể bắt gặp hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị mới xây thô hoặc đã hoàn thiện. Nhưng, sau nhiều năm xây dựng, đa số các biệt thự, nhà vườn tại các khu đô thị này đều bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

    Điển hình như Dự án Chung cư, biệt thự nhà vườn dịch vụ du lịch giải trí Quang Minh nằm trên địa bàn xã Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội), nằm cạnh đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài hoàn thành xây dựng gần 10 năm nay, nhưng hầu hết các ngôi nhà đều bỏ không. Với diện tích 63,3 ha, Khu đô thị Quang Minh có hàng chục dãy nhà liền kề với hàng trăm ngôi nhà. Theo một cán bộ phòng kinh doanh của Công ty TNHH đầu tư xây dựng Long Việt, đơn vị chủ đầu tư dự án, hiện có khoảng 30 chủ nhà chuyển về ở trong khu đô thị này. Tuy nhiên, thực tế tại khu đô thị mới này, số chủ nhà chuyển về sinh sống tại đây còn ít hơn con số đó. Hầu hết các biệt thự sau khi xây thô xong (đã có chủ hoặc chưa) đều chưa hoàn thiện nội thất. Phía trong các biệt thự chỉ có cỏ dại, lau lách mọc um tùm. Nếu mức giá 5 - 7 tỷ đồng/căn như chủ đầu tư đang rao bán, thì đã có hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư được “chôn” vào những biệt thự bỏ không này.

    Đa số các chủ sở hữu biệt thự bỏ hoang là những người có “vai vế”, việc sở hữu biệt thự với họ như “của để dành”

    Trong một nỗ lực nhằm giảm tình trạng các cá nhân sở hữu biệt thự rồi bỏ hoang, tháng 7/2011, Bộ Tài chính đã lên tiếng với 3 phương án tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang.

    Cụ thể, với phương án 1, Bộ Tài chính sẽ dự thảo, trình Chính phủ xin ý kiến Thường vụ Quốc hội ban hành một nghị định về đánh thuế với biệt thự bỏ hoang. Sau khi xác định biệt thự nào bị bỏ hoang, không sử dụng, thì thu thuế theo tỷ lệ tùy thuộc vào thời gian bị bỏ hoang.

    Với phương án 2, sau khi Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị. Cuối cùng, căn cứ vào quy định xử lý vi phạm Luật Đất đai, người nào lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất, hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt hành chính.

    Tuy nhiên, các phương án này đã không được thông qua, với lập luận cho rằng, khoản tiền mà người mua nhà có được đã phải đóng thuế thu nhập. Nếu đánh thuế biệt thự bỏ hoang là “thuế chồng lên thuế”.

    Theo những người làm môi giới bất động sản, đa số các chủ sở hữu biệt thự bỏ hoang là những người có “vai vế”, việc sở hữu biệt thự với họ như “của để dành”. Được giá thì bán, không được giá thì thôi, nên phân khúc thị trường cao cấp này dù ế khách, nhưng vẫn cao giá.

    Theo Báo đầu tư
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê