• BĐS cuối tháng 5: Ồ ạt chuyển sang nhà ở xã hội

    Kể từ khi gói hỗ trợ giải cứu bất động sản 30.000 tỷ chính thức được tung ra, các doanh nghiệp ồ ạt xin chuyển đổi dự án thành nhà ở xã hội để giải quyết hàng tồn.
    Hà Nội duyệt dự án đầu tiên chuyển sang nhà ở xã hội

    Ngày 27/5, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề xuất chuyển đổi dự án tại 143 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.


    Trong công văn gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) ngày 27/5, UBND Thành phố cho biết, sau khi nhận được đề xuất xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang mục đích kinh doanh nhà ở xã hội của SDU đối với toà nhà SDU - 134 Trần Phú, Hà Đông, UBND Thành phố đã xem xét và chấp thuận đề nghị trên.

    Như vậy, với quyết định này, công trình SDU 143 Trần Phú, Hà Đông là dự án đầu tiên của Hà Nội được chính thức chấp thuận chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Ngoài dự án này, hiện còn có 2 dự án khác là khu nhà ở Trung Văn mở rộng tại Từ Liêm và tổ hợp chung cư AZ Thăng Long cũng đã được Thành phố chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi.

    Sẽ bùng nổ nguồn cung nhà ở xã hội

    Đến 2015, nhu cầu về nhà ở xã hội ước tính cần 700.000 căn, hiện nay tại Hà Nội và Tp.HCM đã có gần 40 dự án nhà thương mại xin chuyển sang nhà xã hội với quy mô khoảng 20.000 căn.


    Làn sóng đầu tư nhà ở xã hội đã bắt đầu khi những quyết sách ưu đãi đã được Chính phủ thông qua, và sẽ có hiệu lực trong thời gian ngắn sắp tới. Đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng đang là hướng đi “cứu cánh” cho nhiều DN kinh doanh BĐS khi dự án nhà ở thương mại gặp vấn đề về thanh khoản.

    Theo con số thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (trong đó có 58 dự án dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô 35.500 căn hộ, tổng mức đầu tư 9000 tỷ).

    “Hóa kiếp” nhà ở thương mại

    Trước cơn suy thoái của thị trường, đặc biệt sau khi có gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà với lãi suất thấp, hàng loạt dự án căn hộ thương mại tại TP.HCM đã làm thủ tục “hóa kiếp” sang nhà ở xã hội (NoXH).


    Theo kế hoạch, ngày 31-5, Sở Xây dựng sẽ họp với UBND TP.HCM để trình lãnh đạo TP xem xét cho phép chuyển đổi một số dự án nhà ở chung cư thương mại sang NoXH.

    Theo thống kê của UBND TP, đến cuối năm 2012 TP còn tồn gần 14.500 căn hộ và hơn 300.000m2 đất nền, ước tính trị giá hơn 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, do khó khăn về tài chính, rất nhiều doanh nghiệp phải hoãn tiến độ triển khai dự án, thậm chí đang triển khai phải dừng hẳn.

    Do vậy, xin chuyển sang NoXH hiện nay như là một cứu cánh của các doanh nghiệp, đặc biệt các dự án đang triển khai dở dang. Bởi khi được chuyển sang dự án NoXH, chủ đầu tư sẽ nhận được nhiều ưu đãi cũng như tài chính từ ngân sách nhà nước để tiếp tục hoàn thiện dự án.

    Nhan nhản rao bán đất 2.000 đồng/m2

    Đất trang trại ở một số nơi như Sóc Sơn, Lương Sơn (Hà Nội) được các “cò” đất chào với giá rẻ như rau, chỉ từ 3.000 – 4.000 đồng/m2.

    Anh Hải, chủ một lô đất trang trại 13ha ở Lương Sơn (Hòa Bình) cho biết, đây là lô đất gia đình anh mua cách đây khoảng 10 năm. Hiện trên lô đất đã có sẵn 2 nhà sàn, 1 nhà sàn dành cho khách và 1 nhà sàn dành cho người làm ở. Khúc suối cũng được ngăn thành một cái ao nhỏ, có thể nuôi thả cá để câu.


    Vị trí khu trang trại của anh cũng khá đẹp, cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 – 50 km. Đường đi vào trang trại là đường trên 6m, nên ô tô có thể đi vào tận nơi.

    Do gia đình anh đang cần tiền gấp nên bán rẻ để thu hồi vốn. Mức giá anh Hải đưa ra chào khách là 1,3 tỷ đồng cho 13ha đất, tức là chỉ 10.000 đồng/m2.

    Không chỉ anh Hải, hiện nay nhiều chủ đất trang trại cũng đang chào bán với mức giá siêu rẻ, giá chỉ bằng... 1 mớ rau.

    Chung cư mini khó cấp sổ đỏ: Vì sao?

    UBND TP Hà Nội đã có quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân mua căn hộ chung cư mini tại Hà Nội.

    Tuy nhiên, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội thừa nhận, hầu hết các chung cư mini hiện nay đều không đạt tiêu chuẩn, nên rất khó có thể cấp sổ đỏ cho người dân.


    Cách đây vài năm, tại Hà Nội, phân khúc chung cư mini đã "khuấy đảo" thị trường BĐS. Ưu điểm của chung cư mini là giá thành không quá cao, nguồn cung không nhiều, người có thu nhập trung bình có thể mua được. Bên cạnh đó, vị trí của các chung cư mini khá thuận lợi, bởi nằm trong khu vực nội thành.

    Theo lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội, trước đây, TP đã từng cấp sổ đỏ cho các căn hộ chung cư mini đủ điều kiện. "Thực tế, các trường hợp chung cư mini trên địa bàn Hà Nội đều xin xây dựng theo dạng nhà ở cá nhân, sau đó bán trao tay. Do đó, đề nghị cấp sổ đỏ khó thực hiện bởi đây là giao dịch dân sự, không báo cáo qua cơ quan có thẩm quyền. Để được cấp sổ đỏ, chung cư mini phải đảm bảo các điều kiện: Có cơ quan thẩm định dự án, có giấy phép xây dựng, đảm bảo quy chuẩn xây dựng theo quy hoạch 1/500, có hạ tầng đồng bộ, hạ tầng giao thông, có điều lệ quản lý chung cư, phòng chống cháy nổ... và phải được cơ quan thẩm định thiết kế hoàn công. Đa số chung cư mini hiện nay đều không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Quyết định 13 của UBND TP Hà Nội có hiệu lực từ ngày 4/5/2013 sẽ góp phần đưa ra hướng giải quyết cấp sổ đỏ cho chung cư mini đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định" - ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội chia sẻ.

    Theo Vland
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê