• Tranh chấp chung cư: Cái sảy nảy cái ung

    Những tranh chấp, vướng mắc xung quanh quỹ bảo trì nóng lên ở nhiều chung cư ngay trong những ngày đầu năm 2014.
    Những chung cư không dịch vụ

    Theo quy định của Luật Nhà ở, sau khi hết thời gian bảo hành của chủ đầu tư dự án nhà chung cư, việc bảo trì diện tích sở hữu chung là trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Nguồn kinh phí trông chờ duy nhất là phí bảo trì 2% trên giá trị hợp đồng mà tất cả khách hàng đã đóng khi mua một căn hộ chung cư. Quy định là vậy nhưng trên thực tế nhiều chủ đầu tư đang “chây ì” trong việc bàn giao khiến cho cư dân “khóc dở” trong những chung cư không dịch vụ.

    Những tranh chấp, vướng mắc xung quanh quỹ bảo trì đã nóng lên ở nhiều chung cư ngay trong những ngày đầu năm 2014.

    Đúng vào ngày 1/1/2014, dịch vụ quản lý tại chung cư Richland Southern (Cầu Giấy – Hà Nội) bị dừng cung cấp. Theo đó, hơn 200 cư dân sống tại đây rơi vào tình trạng không có đơn vị vệ sinh, không có nhân viên trực kỹ thuật, không lễ tân…

    Khu vực lễ tân tại khu chung cư Richland Southern bỏ không (Chụp ngày 4/1/2013)

    Vốn được mệnh danh là “chung cư vàng” Richland Southern trở thành “chung cư không dịch vụ” vì hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa chủ đầu tư của tòa nhà - Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Lâm Viên với đơn vị quản lý tòa nhà đã hết hạn (ngày 31/12/2013) trong khi đó Trong khi đó chủ đầu tư lại chưa bàn giao quyền quản lý vận hành khu nhà trong đó có quỹ bảo trì cho Ban quản trị (BQT) nên BQT chưa đủ thẩm quyền để đứng ra ký kết với một đơn vị cung cấp dịch vụ nào.

    Ông Phạm Ngọc Dũng – Trưởng BQT trao đổi, từ ngày 1/1/2014 nhiều dịch vụ tại khu nhà bị ngừng cung cấp. Điều này khiến cho người dân rất hoang mang nhất là khi Tết nguyên đán đang đến dần lẽ ra công tác quản lý phải được siết chặt thì chủ đầu tư lại buông bỏ. Nhưng BQT chưa nhận được bàn giao quỹ bảo trì thì không thể làm gì được.

    Mới đây ngày 15/1, chung cư 102 Thái Thịnh cũng rơi vào cảnh “chung cư không dịch vụ”. Những tranh chấp kéo dài về việc sở hữu diện tích chung tại tòa nhà cùng với bài toán về quỹ bảo trì chưa được bàn giao cho BQT đã khiến hơn 1000 cư dân sống tại đây rơi vào cảnh “khát nước” ngay giữa thủ đô. Các hộ chật vật xách từng xô nước, mua từng chai nước để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày.

    Cái sảy nảy cái ung

    Căng thẳng “leo thang” tại chung cư 102 Thái Thịnh (Đống Đa – Hà Nội), đêm ngày 16/1/2014, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội - Đại biểu Quốc hội đã xuống kiểm tra trực tiếp tình hình chung cư 102 Thái Thịnh.

    Sang ngày 17/1, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan yêu cầu chủ đầu tư làm việc với BQT về việc bàn giao diện tích sử dụng chung và các hạng mục được xác định thuộc quyền quản lý của BQT.

    Sau những tranh chấp kéo dài với hàng loạt những văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng cũng như UBND TP Hà Nội căng thẳng tại chung cư 102 Thái Thịnh đã được tháo gỡ. Tranh chấp đã đi đến hồi kết.

    Căng thẳng "leo thang" khi cả nghìn người dân tại chung cư 102 Thái Thịnh khốn đốn sống trong cảnh "khát" nước (ảnh chụp ngày 15/1)

    Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong rất nhiều chung cư được “gỡ rối”. Thực tế, tình trạng tranh chấp “chây ì” quỹ bảo trì vẫn là vấn đề tại nhiều dự án. Mới đây cư dân sống tại một loạt các dự án như Keangnam, Sky City, Golden West Lake, hay The Manor đã gửi đơn kiến nghị tập thể lên Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội yêu cầu can thiệp, buộc chủ đầu tư phải hoàn trả lại phí bảo trì cho người dân.

    Từ câu chuyện quỹ bảo trì đến những “chung cư không dịch vụ” có thể khiến hàng ngàn cư dân rơi vào cảnh bị “đem con bỏ chợ”, cuộc sống bị đe dọa nghiêm trọng khi thiếu những điều kiện sống tối thiểu về điện nước, dịch vụ… Nếu không được giải quyết những căng thẳng cứ thế nối dài và khi “cái sảy” tích tụ ai có thể lường đến được những “cái ung” sau đó?
    Theo VLand
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê