• Tiếp tục tháo gỡ khó khăn gói 30 nghìn tỷ đồng

    Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) Nguyễn Viết Mạnh trao đổi về các chương trình tín dụng cho thị trường BĐS.
    Ông có thể cho biết tình hình giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng?


    Tìm giải pháp cho nhà ở xã hội - hình minh họa
    Đến ngày 31/3/2014, các NH đã cam kết cho vay 3.489 khách hàng với tổng số tiền đạt 3.094 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 3.463 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.441 tỷ đồng. Riêng số khách hàng cá nhân được các NH cam kết cho vay là 3.470 người với số tiền 1.304 tỷ đồng. Còn đối với khách hàng DN, hiện NHNN đã xác nhận các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng với 19 DN với 21 dự án…

    Tốc độ giải ngân của gói tín dụng này chưa được như kỳ vọng, thưa ông?


    Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN
    Việc triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng chưa mạnh mẽ, bởi vì đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện một chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở quy mô lớn. Mặt khác, các tiêu chí đối tượng tham gia khá chặt chẽ, nên thời gian đầu các NH khá thận trọng vì e ngại cho vay không đúng đối tượng sẽ vi phạm quy định. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất tác động đến tiến độ giải ngân của gói tín dụng này là thiếu nguồn cung, mà để khởi động các dự án nhà ở xã hội mới không thể nhanh chóng.

    Trong xây dựng cơ bản, từ lúc bắt đầu làm thủ tục xin chuyển đổi hoặc xây dựng mới có khi phải mất hàng năm trời mới hoàn tất để có thể khởi công. Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã công bố 84 dự án đủ điều kiện. Tuy nhiên, sau khi NH thẩm định, chỉ có 21 dự án của 19 DN đáp ứng được. Tôi nghĩ rằng để có sản phẩm hoàn thiện từ 21 dự án này, thì chúng ta phải chờ đợi thêm vài tháng nữa. Nhưng dù sao đây cũng là kết quả khả quan. Theo thời gian, khi nút thắt nguồn cung được gỡ dần, tình hình giải ngân sẽ được cải thiện.

    Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận là tốc độ giải ngân của gói này tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Nếu như cuối năm 2013 có khoảng 3.000 khách hàng được thụ hưởng chính sách ưu đãi này, thì đến thời điểm hiện nay con số này tăng lên 3.400 khách hàng. Thực tế phân khúc nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập trung bình đang có tín hiệu hồng hào trở lại. Và đây cũng là mục tiêu của gói tín dụng này, vừa hỗ trợ những người có thu nhập thấp, trung bình mua được nhà ở, vừa tác động tích cực đến thị trường BĐS. Do đó, tôi cho rằng, không nên chỉ chú trọng đến những con số, mà quan tâm đến tác động của nó đến thị trường như thế nào.

    Nhưng, dư luận vẫn tỏ ra sốt ruột, NHNN có giải pháp gì thêm để thúc đẩy tiến độ giải ngân gói tín dụng này?


    Dư luận tỏ ra sốt ruột trước sự lúng túng của gói tín dụng
    NHNN đã điều chỉnh lãi suất cho khách hàng vay theo chương trình này từ 6%/năm xuống còn 5%/năm để phù hợp với chỉ số lạm phát theo điều hành của Chính phủ, NHNN. Thời gian tới, để cho nhiều đối tượng được tiếp cận với gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, NHNN có một số đề xuất với Chính phủ: bổ sung thêm các TCTD khác tham gia cho vay. NHNN cũng đang cân nhắc, sau khi tìm hiểu thực tế và cũng là đề xuất của nhiều địa phương, là về việc kéo dài thời gian ưu đãi cho người vay mua nhà lên tới 15 năm. NHNN cũng đề xuất không nên khống chế diện tích nhà ở, mà có thể thay bằng tiền.

    Theo quy định tại Thông tư 07 của Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phải dưới 70 m2 và dưới 15 triệu đồng/m2. Nếu quy ra giá trị bằng tiền, mỗi căn hộ khoảng 1,05 tỷ đồng. Trong khi đó đang có không ít nhà diện tích nhỉnh hơn một chút so với quy định khoảng 75 – 80 m2. Nếu được đưa vào sử dụng sẽ tăng nguồn cung cho thị trường. Chưa kể có những căn hộ rộng hơn, nhưng mức giá có thể thấp hơn 1 tỷ đồng/căn. Do đó, NHNN kiến nghị với Chính phủ không nên khống chế diện tích nhà ở, mà có thể khống chế giá trị tiền không vượt quá 1,05 tỷ đồng/căn. Như vậy, vẫn phù hợp với quy định cũ mà linh hoạt hơn trong quá trình triển khai. Và một kiến nghị nữa của NHNN là nên bổ sung những khách hàng có hợp đồng trước 7/1/2013 được tham gia vào gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.

    Nếu những kiến nghị, đề xuất trên của NHNN được chấp thuận, dòng vốn sẽ được khơi thông, thêm nhiều đối tượng khách hàng được thụ hưởng. Nhưng, dù nhanh hay chậm, điều quan trọng nhất đối với NHTM là ngoài đạt mục tiêu giải ngân gói tín dụng nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn vốn. Vì NHNN chỉ hỗ trợ NHTM nguồn vốn, lãi suất, còn khoản vay này là vay thương mại không phải ngân sách cấp. Các NHTM vay tái cấp vốn và phải trả lại NHNN.

    Và tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở chỉ là một trong những chính sách sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS. Nhưng để phục hồi được thị trường này thì phải cần có thêm nhiều chính sách khác nữa.

    Đơn cử như chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng và mô hình cho vay chuỗi liên kết 4 nhà được nhắc đến gần đây, thưa ông?

    Như thông báo gần đây của NHNN, chương trình tín dụng liên kết 4 nhà không phải do VNBC chủ trì. Việc VNBC đi tiên phong cùng một số NH khác triển khai chương trình này thể hiện quyết tâm và cũng là mong muốn được đẩy mạnh lĩnh vực xây dựng, BĐS của VNBC. Như ở Trung Quốc, trong hoạt động của Ngân hàng Xây dựng thì tín dụng tập trung ngành nghề chính chiếm chủ yếu trên tổng dư nợ.

    Tôi cũng lưu ý một điều rằng, chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng là xuất phát từ nhu cầu thực tế của các NH, vừa muốn hỗ trợ thị trường BĐS, đồng thời quản lý dòng tiền tốt hơn, nên đã phối hợp với nhau trên cơ sở tôn trọng các thỏa thuận liên kết. Trong quá trình thực hiện, nếu đơn vị nào có dấu hiệu độc quyền sẽ bị chấn chỉnh ngay. Nên về bản chất thì vai trò, vị trí của các bên tham gia đều như nhau.

    Còn đối với chương trình cho vay theo chuỗi liên kết mà NHNN nghiên cứu đang đi những bước đi đầu tiên. Cụ thể, NHNN giao cho BIDV là người đứng ra thiết kế “mẫu” cam kết, thỏa thuận. NHNN chọn BIDV là vì NH này đã có kinh nghiệm cho vay theo mô hình liên kết 4 nhà trong nội bộ. Và trong các chương trình quy mô lớn như vậy, cần có người đứng ra để làm đầu mối thống nhất, tránh trường hợp mỗi NH lại đưa ra một sản phẩm riêng sẽ dẫn đến chồng chéo. 7 NHTM đã họp lần đầu để góp ý. Nếu tại các cuộc gặp tiếp theo, các bên đạt được thỏa thuận sẽ ký kết. Vai trò của NHNN đối với chương trình này là giám sát hoạt động các bên tham gia có vi phạm hay không để yêu cầu phải điều chỉnh.

    Theo TBNH
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê