• TGĐ CBRE Việt Nam bắt mạch bất động sản Việt Nam 2012

    Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend, đã đưa ra những dự báo được nhấn mạnh là táo bạo về thị trường bất động sản năm nay.

    Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend

    Tiếp sau cuộc gặp gỡ giới đầu tư và báo chí tại TP.HCM hồi tháng 1 đến giữa tháng 2, ông Marc Townsend lại đưa ra dự báo cập nhật cho thị trường Hà Nội. Ông mở đầu câu chuyện tháng 2 với một chia sẻ, lần đầu tiên trong 9 năm qua, tại cuộc họp định kỳ của CBRE khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam không hề được nhắc đến và mọi sự tập trung chỉ chú trọng vào Indonesia - đất nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt trong năm trước. Đây là tín hiệu buồn cho việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam. Những nhà đầu tư sẽ thực sự cảm nhận được mức độ khắc nghiệt của thị trường trong năm 2012, nhưng cũng chính khủng hoảng tạo nên cơ hội, ông Marc Townsend khẳng định.

    Thay các chiêu PR, marketing bằng giảm giá

    Phân khúc thị trường nhà ở để bán được ông Marc Townsend gọi tên là "cơn ác mộng", với những dự báo về chênh lệch cán cân cung cầu quá lớn. Chỉ đơn cử mảng căn hộ để bán, theo kết quả nghiên cứu của CBRE, trong năm 2012, tổng nguồn cung là 38.500 căn. "Ít nhất phải mất 3 năm thị trường mới tiêu thụ hết được số lượng căn hộ trên", ông Marc Townsend nhận định. Như vậy áp lực cần phải nhanh chóng giải quyết lượng hàng tồn cũng như bán được hàng mới của các chủ đầu tư trong năm 2012 sẽ tiếp tục tăng lên. Trong bối cảnh hiện nay, khi các nhà đầu tư thứ cấp đang ở vào giai đoạn đuối sức thì đây là cơ hội dành cho chủ đầu tư đưa những sản phẩm giá gốc ra thị trường. Người mua sẽ có nhiều lựa chọn để mua hàng trực tiếp với giá hợp lý chứ không bị rơi vào tình trạng thổi phồng, đẩy giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực như trước nữa. Để bán hàng, thay vì tung ra các chiêu marketing và PR, giải pháp khôn ngoan của các chủ đầu tư là giảm giá. Chỉ khi mức giá giảm thật sự, đáp ứng được nhu cầu của số đông, mới chấm dứt được cảnh người mua đứng ngoài thị trường như hiện nay. Trả lời mức giá nào sẽ là "đáp ứng nhu cầu người mua", ông Marc cho rằng, những sản phẩm nhà ở có giá dưới 21 triệu đồng/m2 sẽ có "đất sống".


    Liên quan đến những chủ dự án đang mắc kẹt, ông Marc cho rằng, nếu chưa đủ sức triển khai, không nên nôn nóng mà tạm dừng lại, tạm thời dùng đất trống để khai thác cho những mục đích kinh doanh dịch vụ khác. Khi dùng cụm từ "cơn ác mộng" để gọi tên, ông Marc cũng ngụ ý sẽ có những câu chuyện buồn hơn về phá sản có thể xảy ra trong năm nay. Nhưng đồng thời, ông cũng lại dự đoán, năm 2012 sẽ ghi nhận có nhiều tòa nhà, dự án được mang ra rao bán. Điểm khác biệt so với năm trước là quá trình này sẽ diễn ra công khai.

    Khối ngoại e ngại, khối nội mạnh tay

    Thay vì tung ra các chiêu marketing và PR, giải pháp khôn ngoan của các chủ đầu tư là giảm giá

    CBRE dẫn ra con số vốn FDI đăng ký vào bất động sản của năm 2011 chỉ còn 6%, thấp hơn nhiều so với mức 37% của năm trước đó. Ông Marc cho rằng, để hút được nguồn vốn đầu tư này vào bất động sản là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc có vào Việt Nam hay không thì lúc này vẫn có cơ hội cho các chủ đầu tư trong nước khai thác ở một số phân khúc khác. Dẫn ra kết quả khảo sát của ECA International về việc Việt Nam là điểm đến ưa thích thứ 11 của các công ty đa quốc gia luân chuyển nhân sự vào năm 2013, ông Marc phân tích, điều này sẽ giúp phân khúc căn hộ cho thuê tăng nhu cầu thực tế trong vòng 3 năm tới. Gợi ý đưa ra là loại căn hộ studio/1 phòng ngủ/2 phòng ngủ, với ngân sách 2.500 USD/tháng. Hiện công suất cho thuê của khu vực phía Tây Hà Nội còn dưới 50% (quý 4/2011), nhưng ở các khu vực khác lại đạt tới 90%. Đây là cơ sở để ông Marc dự đoán trong thời gian tới sẽ diễn ra xu hướng các tòa nhà căn hộ bán sẽ được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ thành căn hộ dịch vụ cho thuê.

    Dẫn ra con số ô tô tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trong năm qua vẫn ở mức cao, ông Marc dí dỏm cho rằng, nguồn tiền trong nước vẫn còn nhiều. Và lúc này chính là cơ hội để các nhà đầu tư trong nước săn tìm cơ hội. Ông thậm chí còn cho rằng, với phân khúc thị trường khách sạn, năm 2012 sẽ là năm của các chủ đầu tư trong nước với việc các thương vụ mua bán lại khách sạn của chủ đầu tư trong nước từ các đối tác nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Nhà quản lý trong nước cũng quyết liệt hơn trong việc mở rộng thị phần cao cấp. Ngoài ra, cũng có nhiều thương hiệu quốc tế mới đang tích cực đàm phán với chủ đầu tư nhằm tìm kiếm cơ hội gia nhập phân khúc cao cấp tại Hà Nội.

    Đối với phân khúc thị trường bán lẻ, trung tâm thương mại, cũng chính các thương hiệu trong nước sẽ tạo sự sôi động khi tiếp tục mở rộng mặt bằng thuê ở các khu phố thương mại, đi đôi với đó là các thương hiệu quốc tế phát triển mạnh ở các khu phố trung tâm. Chuyển động này khiến tỷ lệ diện tích trống của các trung tâm thương mại cho thuê ở khu vực trung tâm thành phố giảm xuống mức 0% thay vì 6% của năm 2011. Nhưng lượng cung ở khu vực ngoài trung tâm gia tăng sẽ khiến cho diện tích trống tăng từ mức 12% của năm trước lên 30% của năm nay, đạt 110.000 m2. Điều này cũng tạo áp lực đáng kể buộc các chủ đầu tư phải cân nhắc đến cơ chế "cùng sống, cùng chết" giữa mình và khách thuê. Theo ông Marc, câu chuyện sẽ là làm sao để thu hút được những khách thuê lớn đang theo đuổi mục tiêu dài hạn.

    Một chi tiết nữa khiến cho dự báo của ông Marc thêm phần "táo bạo" , ấy là sau 2 năm không hề đề cập đến phân khúc dự án hạng sang, giờ đây ông và CBRE đủ tự tin đưa trở lại cụm từ này với khẳng định: những dự án chung cư hạng sang ở trung tâm thành phố vẫn bán tốt.

    Năm 2012 sẽ là năm đầy kịch tính, có kẻ thắng, người thua. Các cuộc tiếp xúc với giới đầu tư trong và ngoài nước được ông Marc kỳ vọng sẽ phần nào giúp các chủ đầu tư có cái nhìn thực tế và bình tĩnh hơn. Ngay trong "cơn ác mộng" vẫn có cơ hội!

    Một số dự báo của CBRE về thị trường Hà Nội năm 2012

    Văn phòng: Sẽ tiếp tục gặp khó. Ngân hàng là khách thuê lớn nhất, tạo nên thị trường. Khu vực phía Tây tiếp tục được lấp đầy, nhưng giá thuê sẽ giảm. Tại khu vực trung tâm, các tòa nhà văn phòng cao cấp vẫn không tích cực cạnh tranh bằng giá. Năm 2012, khách thuê sẽ thắng cuộc.

    Nhà ở: Các dự án đã chào bán giảm giá bán để thu hồi vốn. Lợi nhuận kỳ vọng của chủ đầu tư giảm 15-25%. Chỉ các dự án nhà đất mà cộng đồng dân cư khép kín mới bán được tốt. Các dự án căn hộ hạng sang trong trung tâm thành phố vẫn tiếp tục bán tốt.

    Thị trường bán lẻ: Tỷ lệ diện tích trống tăng lên. Các khách thuê nhỏ thu hẹp quy mô. Các khách thuê lớn theo đuổi mục tiêu phát triển dài hạn.

    Khu vực phía Đông Hà Nội sẽ được mở ra. "Bên kia sông" không còn là rào cản tâm lý.

    Vốn FDI đăng ký vào bất động sản tăng gấp 3 lần do Việt Nam đón chào thêm 20 nhà đầu tư nước ngoài mới.

    Các giao dịch M&A lớn sẽ được thực hiện bởi các chủ đầu tư trong nước.

    Theo DDDN
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê