• Sức lan tỏa của gói 30 nghìn tỷ đồng

    Gói 30 nghìn tỷ đồng sẽ là vốn "mồi" để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp, của người dân.
    Ngày 1/6, Ngân hàng nhà nước đã chính thức giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà. Để hiểu rõ hơn về sức lan tỏa của gói tín dụng này, PV đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.

    Phóng viên: Có ý kiến cho rằng gói hỗ trợ 30.000 tỷ là quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

    - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, các giải pháp và định hướng chính thực hiện tập trung chủ yếu trước tiên về hoàn thiện cơ chế, chính sách chứ không dung nguồn tiền. Trong Nghị quyết 02 đã đề cập các cơ chế, chính sách, giải pháp, như rà soát lại các dự án thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Với dự án phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, năng lực chủ đầu tư và nhu cầu người tiêu dùng sẽ tiếp tục triển khai. Dự án chưa phù hợp thì điều chỉnh. Dự án đang dở dang, năng lực chủ đầu tư yếu kém, nguồn lực thực hiện cũng như nhu cầu không phù hợp thì đình hoãn, giãn tiến độ…


    Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: “Nhà nước lo chỗ ở, không lo sở hữu nhà cho dân”

    Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ là một chương trình dài hạn, hướng tới số đông người dân có thu nhập trung bình, thấp và có nhu cầu thực về nhà ở. Nếu nhìn vào nhu cầu về nhà ở xã hội, so sánh với gói 30.000 tỷ thì rõ ràng gói hỗ trợ tín dụng là nhỏ. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ.

    Cụ thể, trong điều kiện hiện tại, khoảng 30% sẽ được cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực. Mặt khác, dùng phần lớn nguồn lực gói 30.000 tỷ đồng để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp 6% hoặc thấp hơn nếu có điều chỉnh. Có thể thấy, vốn cho vay doanh nghiệp và người dân sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp, hay đang tiềm ẩn của người dân. Ngoài 5 ngân hàng tham gia vào gói hỗ trợ, các ngân hàng thương mại cũng phải cạnh tranh, hạ lãi suất, các doanh nghiệp xây lắp, sản xuất VLXD cũng sẽ ứng vốn và hàng hóa vào các dự án.

    - Có thể thấy với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và chính sách đi kèm, người dân đang rất kỳ vọng vào cơ hội một chốn ở mới. Vậy nhu cầu nhà ở xã hội sẽ được giải quyết như thế nào qua gói hỗ trợ này, thưa ông?

    Chúng ta không thể hy vọng gói 30.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân mà là để tạo cú hích ban đầu, còn lâu dài, phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân… Thực tế, hiện nhà ở cho sinh viên, công nhân ở khu công nghiệp do người dân tự xây chiếm tới 70-80%. Vì vậy, việc xây nhà ở xã hội sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp từng thời kỳ để giải quyết dần dần từng bước…

    Trên thực tế, có những hộ gia đình thu nhập thấp không thể có tích lũy và khả năng trả nợ bên cạnh những hộ có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Chúng ta giải quyết bài toán này thế nào, thưa ông?

    Chúng ta phải có nhiều giải pháp và nhiều gói cũng như nhiều loại hình sản phẩm để các đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị ở các mức khác nhau đều có thể giải quyết được vấn đề nhà ở của mình. Thứ nhất, với những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Ví dụ tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30 m2- 70m2.

    Sắp tới có thể có các căn hộ nhỏ hơn đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc thân hoặc những người có thu nhập quá thấp. Có ý kiến lo ngại rằng đây sẽ là những khu ổ chuột trong tương lai, nhưng thực tế ngay tại thành phố lớn như Hồ Chí Minh, có những hộ gia đình 24 người chen chúc trong diện tích vỏn vẹn 30m2, vì vậy chúng ta cần thực tế, cần cân đo đong đếm từ nhu cầu đến khả năng của người dân một cách hợp lý.

    Với những đối tượng chưa có khả năng mua nhà thu nhập thấp dù với căn hộ có diện tích nhỏ nhất, chúng ta cần có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đ/tháng. Các chính sách này đã được thể hiện trong nội dung Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã được trình Chính phủ, hiện đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ.

    Theo đó, Nghị định có riêng một chương về chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở cho thuê. Bên cạnh đó có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê gói, tức là có thể thuê một hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Nói cách khác, sở hữu nhà ở có thời hạn. Trong thời gian đi thuê nhà đó coi như nhà của người thuê, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng nhưng giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm.

    Tóm lại, mặc dù nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế, nhưng chúng ta vẫn cố gắng đảm bảo an sinh xã hội, tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu của những người từ nghèo nhất cho tới những người có khả năng thanh toán với các hình thức thích hợp, quy mô sản phẩm khác nhau, hình thức thuê hoặc mua. Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm.

    Xin trân trọng cảm ơn ông!
    Theo VnMedia
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê