• 'Siết cơ chế xin cho trong đầu tư đô thị'

    Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết sắp tới sẽ công khai danh mục đầu tư để hạn chế tối đa cơ chế cho nhận.
    Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng: "Không ai mong muốn cơ chế xin cho trong đầu tư phát triển đô thị".


    Bên lề buổi triển khai nghị định 11 Quản lý đầu tư phát triển đô thị ngày 14/5, ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng trao đổi với báo chí về việc phân lô bán nền, tình hình thị trường bất động sản và cơ chế xin cho trong quản lý phát triển đô thị.

    Ý kiến ông thế nào trước nguyện vọng của doanh nghiệp là được phân lô sau đó cho phép người dân tự xây thô để hạ giá thành bất động sản nhằm phá băng địa ốc?

    - Các khu vực quản lý về đô thị thì khó khăn nhất vẫn là quản lý về mặt kiến trúc cũng như không gian đô thị. Các khu tái định cư, giãn dân, nông thôn không phải kiểm tra chặt chẽ về mặt kiến trúc thì có thể để cho địa phương tự quyết nhưng với điều kiện phải phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt. Những khu vực nội thành nội thị, nằm trong các trục giao thông quan trọng, có không gian tầm nhìn lớn ảnh hưởng đến trật tự đô thị sẽ quản lý chặt chẽ, không có câu chuyện chia lô bán nền.

    Tất nhiên sẽ có khu vực để địa phương quyết định nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phù hợp với điều kiện người dân. Ví dụ như đất giãn dân, nông thôn, người dân có thể tự xây dựng nhưng không phải để cho muốn xây gì thì xây mà phải có mẫu thiết kế cụ thể để người ta căn cứ vào đó. Trong quá trình đầu tư, họ có thể xây trước phần này phân kia để phù hợp với thực tế.

    Nghị định 11 nêu rõ, Ủy ban Nhân dân sẽ cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha đến dưới 100 ha, điều này khiến chuyên gia lo ngại cơ chế xin cho sẽ tái diễn?

    - Xin cho là điều trong quản lý đầu tư phát triển đô thị mong muốn không bao giờ xảy ra. Nhưng làm thế nào để hạn chế thì không phải ngay một lúc chúng ta làm được. Trước khi địa phương quyết định chấp thuận đầu tư phải có ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ kiểm soát xem có đúng định hướng đã nêu không.

    Nghị định 11 nêu rõ phải hình thành danh mục đầu tư và công khai trên các phương tiện. Dự án đầu tư phải có phân khu được duyệt, không có phân khu được duyệt không có cơ sở để xác định dự án. Khi đã xác định được dự án thì phải đưa lên danh mục và phải công khai để các nhà đầu tư có thông tin để người ta đăng ký thay về việc không có thông tin đi giới thiệu địa điểm. "Giới thiệu" chính là câu chuyện xin cho. Khi Nghị định 11 đi vào thực tế cuộc sống sẽ hạn chế rất nhiều câu chuyện "giới thiệu địa điểm" đó.

    Quan điểm ông thế nào trước một số ý kiến cho rằng nên để người dân tự bỏ tiền xây biệt thự, đất nền tránh hàng tồn kho bất động sản. Số khác lo ngại, nếu để người mua nhà tự xây dựng đất phân lô bán nền sẽ phá vỡ cảnh quan gây lộn xộn trong việc quản lý phát triển đô thị?

    - Khu đất giãn dân không thể chạy ngần đó thủ tục xong lại bắt người ta xây thô trong khi tiền người ta không có. Khi chủ đầu tư bán nhà xây thô, giá thành sẽ cao hơn so với việc để người dân tự xây. Nhưng ngược lại khi để người dân tự xây, họ có tiền đến đâu xây đến đó và đáng lẽ cái phải làm trước họ lại triển khai sau, do đó, theo tôi cần phải có hướng dẫn. Ngay cả những khu vực địa phương quyết định, chuyển quyền sử dụng đất để người dân tự xây cũng vẫn phải có hướng dẫn thiết kế, tức là có mẫu để người ta tham khảo. Người dân phải xây trên cơ sở có hướng dẫn.

    Chính vì lo nên chúng tôi mới không thể buông một lúc tất cả các dạng chia lô bán nền để người mua tự quyết. Thực tế, mình đã giữ và kiểm soát việc phân lô bán nền trong suốt thời gian qua và nay cần cố gắng duy trì.

    Thị trường bất động sản đóng băng do quá nhiều dự án phát triển tràn lan, doanh nghiệp đầu tư dàn trải theo phong trào. Vậy Bộ Xây dựng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này thưa ông?

    - Nghị định 11 sẽ tham gia vào quá trình tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tất nhiên đây không phải là công cụ duy nhất. Nghị định 11 quy định chặt chẽ hơn để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, theo phong trào. Đây chính là nguyên nhân của câu chuyện dư thừa hiện nay giữa cung và cầu đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở. Tôi cho rằng, biện pháp khắc phục đó phải đồng bộ và sử dụng nhiều giải pháp khác, trong đó, nghị định 11 yêu cầu bắt buộc những doanh nghiệp đầu tư ở khu đô thị lớn phải xác định được khu vực đô thị để đầu tư có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải.

    Tôi có nêu một hình ảnh là trên nền quy hoạch chung định hướng 2030 tầm nhìn 2050 nhưng cứ rơi vào vết loang của đô thị là đánh dấu chéo, sau đó làm thủ tục để các nhà đầu tư vào xây dựng. Điều đó không đúng, cái người ta định hướng trong vòng 20-30 năm thì 10 năm tới lại làm. Đúng ra, trong vòng 10 năm đó cần có kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm, phải nêu cụ thể đầu tư mới "trúng".

    Theo Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị vừa ban hành, Thủ tướng quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với 2 trường hợp: Dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc thuộc địa giới của nhiều tỉnh, có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng...

    Nghị định cũng đưa ra yêu cầu mới về việc chuyển quyền sử dụng đất. Trước đây phần lớn ở các đô thị, chủ đầu tư phải thực hiện việc bán nhà đã xây thô, thậm chí phải hoàn thiện trước mặt ngoài, khiến tại nhiều tỉnh thành, giá bất động sản bị đẩy lên cao. Nghị định lần này cho phép Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở thực tế quy định những khu vực nào được thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng để người dân tự xây dựng.

    Theo VnExpress
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê