• Ông Đặng Hùng Võ: “Tôi đã có thiếu sót”

    Chiều 8.11, tại trụ sở bộ Tài nguyên và môi trường, cá nhân ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, người ký tờ trình đề nghị Thủ tướng thu hồi và giao đất cho dự án làm đường tại khu đô thị Văn Giang) đã có buổi đối thoại với người dân Văn Giang, Hưng Yên.
    Lý do của cuộc đối thoại này là mới đây, một số người dân Văn Giang đã có thư ngỏ “tố cáo” ông Võ về việc tám năm trước, khi đương chức thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, ông đã ký hai tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất thu hồi đất để xây dựng con đường cao tốc nối Hưng Yên và Hà Nội qua cầu Thanh Trì và khu đô thị nhà vườn Ecopark (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

    Ông Đặng Hùng Võ tại buổi đối thoại chiều 8.11.

    Không đúng thẩm quyền

    Cụ thể, ngày 29.6.2004, bộ Tài nguyên và môi trường do ông Võ thừa lệnh bộ trưởng ký tờ trình 99 lên Thủ tướng Chính phủ, chỉ sau một ngày nhận được tờ trình UBND tỉnh Hưng Yên về giao đất, và cũng chỉ một ngày sau đó, ngày 30.6.2004, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Cũng chính vì thế mà người dân Văn Giang cho rằng, trong khi đất của họ chưa bị thu hồi thì đã giao cho người (nhà đầu tư) khác.

    Tại buổi đối thoại, ông Võ chủ động “đính chính”: đây là tờ trình về thu hồi đất chứ không phải giao đất, tôi đã thiếu sót. “Vì lúc đó cơ chế là không có giao đất (chỉ trừ trường hợp có một nhà đầu tư duy nhất, không qua đấu thầu) mà là đấu thầu, nên đáng ra đây là quyết định thu hồi đất để đấu giá”, ông Võ nói.

    Trên cơ sở tờ trình này, ngay hôm sau (30.6), phó Thủ tướng thay Thủ tướng đã ký quyết định 742 về giao đất để thực hiện dự án đường từ Văn Giang đi thị xã Hưng Yên. Tuy nhiên, theo luật sư Trần Vũ Hải (đại diện cho các hộ dân), bộ Tài nguyên và môi trường đã tham mưu sai, dẫn đến Thủ tướng ra quyết định không đúng thẩm quyền. “Theo nghị định, thẩm định quy hoạch sử dụng đất phải là Chính phủ. Và Chính phủ phải ra quyết định thu hồi đất, nên bộ phải trình Chính phủ, chứ trình Thủ tướng là sai”, luật sư dẫn nghị định nhấn mạnh.

    Cho rằng “vì phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đều là quyết định, mà Chính phủ không có hình thức quyết định nên mới giao cho Thủ tướng”, ông Võ nói rằng điều này là “thông lệ”. Tuy nhiên, khi bị luật sư phản bác: “Nếu làm theo thông lệ mà bỏ qua quy định của luật thì sai lầm”, ông Võ đã phải thừa nhận “tham mưu không đúng thẩm quyền”.

    Sai lệch về thời hạn

    Giải thích thêm vì sao dự án từ lúc tỉnh trình đến Thủ tướng ký chỉ mất ba ngày, ông Võ nói rằng ba ngày cuối cùng là “cái gánh” của quá trình trước đó, như ý kiến thường vụ tỉnh Hưng Yên từ cuối năm 2003, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất mà bộ trình Chính phủ vào tháng 4, rồi các bộ ngành cho ý kiến trong tháng 5.2004… Ông nói: “Khi ký trình tôi cũng có cân nhắc ký hay không ký. Nếu dừng lại dự án phải chậm một năm rưỡi đến hai năm, vì làm lại từ đầu (theo luật mới có hiệu lực sau đó một ngày – PV). Ký thì chắc chắn có điều tiếng. Nhưng nếu phân tích lịch trình toàn bộ như trên thì thấy hợp lý thôi”.

    Liên quan đến việc các cơ quan chức năng nói dự án được triển khai từ năm 2003 nhưng theo người dân, mãi đến năm 2006 chủ tịch xã còn xác nhận chưa hay biết, ông Võ thừa nhận, dù dự án khu đô thị không có trong quy hoạch sử dụng đất 2002 và cũng không có trong kế hoạch sử dụng đất (năm năm), nhưng vào năm 2004 đã được bổ sung trong “điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm” của tỉnh Hưng Yên.

    Nhưng theo các luật sư, việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm, theo nghị định lúc bấy giờ phải được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1.7 - 15.9 của năm 2003, chứ không thể điều chỉnh vào năm 2004 như ông Võ nói. Sau khi các luật sư đưa cho xem nghị định lẫn thông tư của tổng cục Địa chính, ông Võ thừa nhận: “Đúng là sai lệch về thời hạn”.

    Ngoài ra, ông Võ cũng dẫn văn bản ngày 20.6.2004 của sở Tài nguyên và môi trường chủ trì về thẩm định hồ sơ thu hồi đất, để chứng minh có tất cả các chủ tịch xã có liên quan tham gia chứ không phải đến năm 2006 xã mới biết. Song biên bản ông Võ đưa ra lại không có chữ ký của các thành viên tham gia ký tên, cũng không có dấu của đơn vị chủ trì.

    Theo SGTT
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê