• Hàng loạt dự án nhà 100-300 triệu “chết yểu”

    Việc tung ra thị trường mẫu nhà lắp ghép container chỉ với giá từ 100-300 triệu đồng/căn đã từng gây được sự chú ý đặc biệt của người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, gần 2 năm nay mô hình dự án này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi.

    Căn hộ container tuy còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam nhưng tại nhiều nước trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển thì những “căn hộ container” rất được yêu thích. Đặc biệt, nhiều dự án nhà ở từ container đã được xây dựng trên thế giới như dự án All Terrain Cabin của Cty Bark Design Collective (Canada), dự án Cove Park Artists Retreat (Scotland), hay dự án Port-a-Bach (New Zealand)...

    Còn tại Việt Nam, đa phần mọi người chỉ nghĩ những chiếc container đơn thuần là những thùng hàng xuất khẩu. Tuy nhiên thời gian qua đã có một vài doanh nghiệp cho ra đời những mẫu nhà được làm từ container.

    Cuối năm 2010, Công ty Cổ phần Hưng Đạo Container đã tung ra mô hình nhà ở được xây dựng bằng container với số tiền từ 100 - 300 triệu đồng. Mỗi căn hộ sẽ rộng khoảng 30m2 bao gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, bếp, nhà ăn và phòng tắm với đầy đủ trang thiết bị.

    Theo tính toán, hiện nay, giá thành của một căn nhà container dao động trong khoảng 65 triệu đ/15m2, đủ cho 1 - 2 người sinh sống với các thiết bị sử dụng tối thiểu như điều hòa, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp… Mỗi căn nhà như vậy có thời gian sử dụng khoảng 30 năm và nếu có nhu cầu bán lại sau 10 năm sử dụng thì vẫn đảm bảo không dưới 60% giá trị nhà đã mua.

    Đó cũng là một phương án khả thi bởi giá thành của nhà container chỉ bằng một nửa giá xây dựng một căn nhà thông thường.

    Có thể nói, hầu hết những ưu điểm của loại nhà này đang phần nào thuyết phục những người thu nhập, người lao động, chưa có điều kiện mua nhà. Tuy nhiên, dưới con mắt của nhà quản lý mô hình này hiện đang vướng rất nhiều. Đơn cử, diện tích căn nhà cũng cần tính tới bởi theo Luật Nhà ở, diện tích tối thiểu đạt được của mỗi căn phải đạt từ 45m2 trở lên.

    Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc công ty BĐS Đất Lành cho rằng, mô hình nhà container hiện nay mới chỉ dừng ở mức thí điểm còn chưa phổ cập vì điểm bất lợi nhất của loại hình nhà ở này đó là chiếm diện tích đất rất lớn. Trong khi, giá đất ở các thành phố lớn không hề rẻ. Ngoài ra, về chất lượng của loại hình nhà ở này cũng cần phải tính đến như vấn đề tiếng ồn và nóng bức vào mùa hè do tính dẫn nhiệt và hấp thụ nhiệt của kim loại.... Mặc dù nhà sản xuất đã khắc phục bằng cách dùng các lớp cách nhiệt nhưng chắc chắn vẫn rất nóng bức. Hơn nữa, thông thường người dân lao động nói chung mua đất, làm nhà là tính an cư lâu dài, ít ai tính chuyện mua đi bán lại nên việc nhà container chỉ sử dụng được 20-30 năm sẽ không thuyết phục nhiều người. “Xây nhà gạch bình thường dù đắt hơn, nhưng có thể ở được mãi, mà lại mát mẻ dễ chịu.

    Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, việc phát triển các sản phẩm nhà bằng container hoàn toàn được phép phổ biến nếu tuân thủ đúng theo Luật Nhà ở với các tiêu chí về diện tích tối thiểu, về giấy phép xây dựng và các đảm bảo kỹ thuật cũng như quy hoạch tổng thể của khu vực, địa phương.

    Các DN sản xuất cũng nên tính toán kỹ lưỡng, vì thực tế do thói quen ổn định sẽ ít có khách hàng chọn lựa giải pháp “nhà tạm 30 năm”. Nếu phát triển loại hình nhà container, các DN nên hướng đến các dạng văn phòng, các khu nhà tạm cho công nhân KCX, KCN, các công trường ở những dự án đang xây dựng hoặc kết hợp với Ngành Du lịch để phát triển các dự án nhà lưu trú, khách sạn cho du khách trong và ngoài nước thì hiệu quả sẽ tốt hơn.

    Có thể thấy trong điều kiện hiện nay, các yếu tố của nhà container đã và đang dần tỏ ra ưu việt hơn những căn nhà truyền thống mà chúng ta vẫn sử dụng. Tuy nhiên, để tận dụng tối ưu những căn nhà này, yếu tố cảnh quan đô thị và khung pháp lý theo Luật Nhà ở là điều chắc chắn doanh nghiệp và cơ quan quản lý nên tính tới.

    Theo VnMedia
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê