• Đại gia địa ốc nào nợ thuế nhiều nhất?

    Thời gian gần đây, hàng loạt thông báo từ các cơ quan thuế liên quan đến việc nợ đọng thuế, chậm trễ nghĩa vụ với Nhà nước đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Trong đó, chiếm một số lượng không hề nhỏ là các “ông lớn” địa ốc.
    Tập đoàn Bitexco cũng khi nhắc nhở vì chưa nộp nghĩa vụ tài chính đầy đủ cho dự án khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì.

    Thời gian gần đây, hàng loạt thông báo từ các cơ quan thuế liên quan đến việc nợ đọng thuế, chậm trễ nghĩa vụ với Nhà nước đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Trong đó, chiếm một số lượng không hề nhỏ là các “ông lớn” địa ốc.

    Cụ thể, tháng 9 vừa qua, thành phố Hà Nội đã công bố danh sách 77 doanh nghiệp đang chây ỳ, nợ đọng tiền thuế tính đến hết ngày 15/9/2013 với tổng số nợ khoảng 1.800 tỷ đồng, phần lớn rơi vào các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản.

    Nhìn lướt qua bản danh sách này, không khó thấy đứng đầu danh sách là khá nhiều cái tên lừng lẫy trong lĩnh vực bất động sản những năm qua như: Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long, Công ty Cổ phần Cầu 12-Cienco 1, Công ty Cổ phần Viglacera Hà Nội...

    Danh sách các doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất. Ảnh: thanhnien.com.vn

    Mặt khác, trong bản thông báo số 1225/TB-STNMT-VPĐKĐĐ của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội công bố ngày 21/11/2013 vừa qua, 8 cái tên đã được nhắc đến về việc chậm trễ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Cho dù, bản thông báo không đưa ra số liệu nợ cụ thể của những công ty này.

    Đáng chú ý, 8 cái tên bị điểm danh nợ thuế đều là những cánh chim đầu đàn của thị trường bất động sản trong suốt thập niên vừa qua, với nhiều dự án đình đám.

    Đó là: Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) với hai dự án khu đô thị Việt Hưng và Pháp Vân - Tứ Hiệp, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco với khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), Công ty Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội - chủ đầu tư khu đô thị Yên Hòa, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Từ Liêm - chủ dự án khu đô thị Dịch Vọng, Công ty Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Viglacera - chủ đầu tư dự án Đại Mỗ, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Sài Đồng (thành viên của Vingroup) với dự án Khu đô thị sinh thái Vincom Village, quận Long Biên (đã đổi tên Vinhomes Riverside từ ngày 12/12/2013).

    Đối với Sudico, một nguồn tin trên báo Đầu tư Chứng khoán điện tử ngày 21/9/2013 cho hay, doanh nghiệp này đang nợ gần 283 tỷ đồng tiền thuế, đồng thời có hai vấn đề đang vướng phải: tình trạng thua lỗ mất hết vốn chủ sở hữu và mất thanh khoản kéo dài.

    Sudico được thành lập tháng 12/2006 với số vốn điều lệ chưa tới 150 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tiền nợ thuế đã gần gấp đôi số vốn điều lệ, do đó, việc khi nào công ty này có thể trả được nợ thuế là một câu hỏi khó tìm lời giải.

    Hàng tồn kho lớn, bị mất giá nhiều do thị trường bất động sản trầm lắng. Không có vốn để triển khai dự án, bán hàng, thì càng khó để thu hút dòng vốn triển khai tiếp các dự án dở dang, trả nợ. Cái vòng luẩn quẩn ấy đang bóp nghẹt Sudico.

    Trong khi đó, HUD đang nợ thuế, phí tại nhiều dự án. Theo lý giải của HUD, tại khu đô thị mới Việt Hưng và Pháp Vân - Tứ Hiệp, doanh nghiệp này chưa xác định được phần chênh lệch giữa giá thành xây dựng và giá bán với lần lượt 25% và 50% diện tích nhà biệt thự, nhà vườn để nộp ngân sách thành phố.

    Bên cạnh đó, HUD cũng còn nợ một phần nghĩa vụ tài chính tại tại dự án Vân Canh. Tổng công ty đã nộp hơn 438 tỷ đồng theo yêu cầu của thành phố, nhưng có một phần diện tích của dự án này vướng vào quy hoạch nên phải tạm dừng. Do đó, diện tích chính xác cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ được ông lớn này cho biết sẽ tính toán lại và báo cáo trong thời gian tới.

    Đối với Bitexco, chủ đầu tư khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì đã bàn giao nhà cho khách hàng từ năm 2007 với quy mô 684 căn, trong đó có 57 căn thấp tầng, còn lại là chung cư. Tuy nhiên, cho đến nay công ty vẫn chưa nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung theo yêu cầu của thành phố.

    Không những thế, trong số gần 700 khách hàng mua nhà tại dự án của Bitexco, đơn vị này mới nộp hồ sơ của 96 khách hàng để làm sổ đỏ. Việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho hơn 600 khách hàng còn lại vẫn chưa thấy doanh nghiệp này đả động gì. Trao đổi với báo giới, đại diện Bitexco cũng đã thừa nhận việc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, đồng thời cũng có hứa hẹn rằng sẽ gấp rút hoàn thành trong thời gian tới.

    Một cái tên đáng chú ý khác là Viglacera. Theo thông tin phản ánh từ báo giới, sự đóng băng của thị trường bất động sản đã khiến tình hình kinh doanh của Viglacera Hà Nội nói riêng và Tổng công ty Viglacera nói chung liên tục gặp nhiều khó khăn. Khoản nợ thuế trên 70 tỷ đồng là minh chứng rõ ràng nhất cho những vướng mắc mà Viglacera Hà Nội đang gặp phải.

    Đối với dự án Vincom Village của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng, theo văn bản của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội công bố ngày 21/11/2013, công ty chưa hoàn thành nộp tiền sử dụng đất theo Quyết định giao đất, do vậy chưa được cấp trích lục bản đồ. Bên bán đã tự nhận chuyển nhượng dự án, đứng tên ký hợp đồng bán nhà ở.

    "Chủ đầu tư đã tự nhận chuyển nhượng dự án mà không làm thủ tục nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, đứng tên ký hợp đồng bán nhà thì Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố Hà Nội làm thủ tục xem xét quyết định công nhận việc chuyển quyền sử dụng đất giữa các chủ đầu tư...", văn bản số 1255/TB-STNMT-VPĐKĐĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có đoạn.

    Theo kết quả khảo sát của kênh thông tin Mua Bán Nhà Đất vừa được thực hiện dựa trên các thông tin quan tâm của khách hàng khi tìm kiếm bất kỳ một bất động sản nào trên website này, tình trạng pháp lý của dự án và cả căn nhà dự định mua luôn chiếm sự quan tâm nhất của khách hàng với tỷ lệ lựa chọn lên đến 61%.

    Do đó, việc dự án còn nợ thuế thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    Theo một số phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ hoặc chây ỳ nộp thuế của các doanh nghiệp địa ốc cho Nhà nước. Yếu tố khách quan là việc thị trường bất động sản gặp khó trong một thời gian dài kéo theo nhiều hệ lụy đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá tính thuế, vướng mắc trong cách tính thuế ở một số hạng mục, xác định phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành xây dựng… cũng góp phần dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế kéo dài.

    Cũng có ý kiến lo ngại rằng, nếu bất động sản tiếp tục trầm lắng, nguồn vốn đầu tư eo hẹp dần, chắc chắn tình trạng nợ đọng hoặc chây ỳ không chịu nộp thuế sẽ còn nhức nhối hơn nữa, chiêu bài “mất mặt còn hơn mất tiền” sẽ được các doanh nghiệp sử dụng triệt để.

    Theo Bizlive
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê