• Mô hình tiết kiệm nhà ở: Liệu có thật sự khả thi?

    Tại hội thảo về mô hình tiết kiệm nhà ở do Bộ Xây dựng và Ngân hàng Schwabisch Hall (Đức) tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ phương án thành lập thí điểm Quỹ tiết kiệm nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, mô hình tiết kiệm nhà ở được nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua năm 2014.
    Ý tưởng của mô hình tiết kiệm nhà ở là huy động vốn nhàn rỗi của người dân, kêu gọi mọi người hỗ trợ nhau xây dựng nhà ở thông qua gửi tiết kiệm. Ví dụ có 10 người muốn xây hoặc mua nhà nhưng không có vốn riêng và họ phải tiết kiệm để có căn nhà của riêng mình. Nếu mỗi năm tiết kiệm được 1/10 số tiền cần thiết thì phải 10 năm mỗi cá nhân mới tích lũy đủ số vốn cần thiết. Nhưng nếu cả 10 người cùng gom tiết kiệm chung một quỹ thì chỉ sau 1 năm, người đầu tiên đã có đủ tiền xây hoặc mua nhà nhờ sử dụng khoản tiết kiệm của 9 người kia. Bằng cách đó, cả 10 người đều đạt được mục đích và trung bình thời gian được rút ngắn 4-5 năm so với trường hợp mỗi người chỉ tiết kiệm cho mình.

    Mô hình tiết kiệm nhà ở là huy động vốn nhàn rỗi của người dân, cùng tham gia hỗ trợ giúp nhau xây dựng nhà ở thông qua gửi tiết kiệm. Ảnh: Phương An

    Đức - một nước phát triển ở Châu Âu, trong 60 năm qua, các ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã giải ngân hơn 1.000 tỷ EURO cho các dự án nhà ở. Với khoản tiền này, hơn 13 triệu gia đình có thể xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở của mình. Hiện nay, cứ hai gia đình ở Đức thì có một gia đình có hợp đồng tiết kiệm nhà ở, nhờ đó gánh nặng của nhà nước trong việc cung cấp nhà ở cho người dân được giảm bớt. Thêm vào đó cách làm này đã thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng, vốn là đầu tàu của nền kinh tế, góp phần quan trọng tạo nên phép màu kinh tế Đức. Tại nhiều nước khác như Séc, Trung Quốc, Hungary, Rumani, Slovakia… mô hình tiết kiệm nhà ở cũng đã giúp nhiều người có được ngôi nhà của mình.

    Tiết kiệm nhà ở được ví như ốc đảo của sự ổn định và an toàn, bởi theo luật định, mô hình này chỉ được cấp vốn cho dự án nhà ở. Nó hoạt động khép kín từ tiết kiệm đến cho vay, nhờ đó không chịu tác động của thị trường vốn do không phụ thuộc vào hoạt động tái cấp vốn từ thị trường tài chính. Cũng nhờ đó, tiết kiệm nhà ở có thể tồn tại cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và khách hàng thực sự được hưởng lợi trên nhiều phương diện. Thứ nhất, các hộ thường khó được chấp nhận vay tín dụng ngân hàng hoặc nếu được thì lãi suất cao. Còn ngân hàng thì khó kiểm tra liệu khách hàng có đủ khả năng hoàn trả khoản vay không. Tiết kiệm nhà ở có thể giải quyết vấn đề này, vì uy tín của người tham gia thể hiện qua việc đều đặn chi trả các khoản tiết kiệm theo quy định. Thứ hai, lãi tiết kiệm và lãi vay được ấn định trong suốt thời hạn hợp đồng, thường thấp hơn lãi thị trường, vì vậy người tham gia không phải chịu rủi ro lãi suất, trong khi lãi suất tín dụng có thể biến động bất thường do phụ thuộc vào thị trường vốn. Thứ ba, ngân hàng tiết kiệm chỉ được đầu tư vào trái phiếu tín nhiệm cao, không được tham gia đầu cơ trên thị trường quốc tế, cũng không đặt mục đích kinh doanh với tiền huy động từ tiết kiệm nhà ở của người dân, do đó không chịu rủi ro về tiền tệ. Thông qua tiết kiệm nhà ở, việc sở hữu nhà cá nhân liên tục phát triển, nhờ đó ngành xây dựng cũng phát triển bền vững. Ngay cả trong giai đoạn lãi suất vay thị trường tăng cao, tiền vẫn được rót vào xây dựng nhà ở, giúp giảm khủng hoảng, bảo đảm việc làm cho người lao động.

    Mô hình tiết kiệm nhà ở nói trên liệu có phù hợp với Việt Nam không? Bộ Xây dựng khẳng định mô hình này hoàn toàn khả thi với Việt Nam, phù hợp với chính sách an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu người nghèo, người thu nhập thấp, người làm công hưởng lương có nhà ở. Thậm chí, Bộ Xây dựng còn kỳ vọng, mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ góp phần kiểm soát hoạt động đầu cơ trên thị trường nhà ở dựa vào nguồn vốn tín dụng, vốn đã gây ra các đợt biến động bất thường về lãi suất và giá cả trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại, người thu nhập thấp Việt Nam khó có đủ tiền tham gia mô hình này.

    TS Trần Kim Chung, Viện Kinh tế trung ương, tính toán, với thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng của gia đình trẻ, đối tượng chính đang cần nhà ở, nếu để dành được 5-6 triệu đồng phải mất 60 tháng mới mua được căn hộ giá thấp nhất hiện nay là 300 triệu đồng. Song, điều kiện vô cùng quan trọng là trong thời gian đó, giá căn hộ phải giữ ổn định, không tăng gấp đôi, gấp ba như giai đoạn vừa qua. Nếu không, người tiết kiệm cứ tiết kiệm mà chẳng bao giờ mua nổi căn hộ. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, mô hình tiết kiệm nhà ở, nói là hướng tới người thu nhập thấp nhưng thực tế những người có thu nhập trung bình và cao trong xã hội mới "chạm" tới được. Hơn nữa, với điều kiện khác biệt về địa lý, mức sống, thu nhập và cả điều kiện nhà ở khác nhau giữa các địa phương hiện nay, khó có thể buộc một người ở tận Sơn La đóng tiền tiết kiệm nhà ở để một người ở Hà Nội mua nhà…

    Quả thật, với tình trạng lãi suất ngân hàng tăng có lúc lên tới gần 30%/năm, việc có ý kiến lo ngại cũng dễ hiểu. Vì nếu lãi suất ngân hàng tăng cao, chắc chắc những người có tiền tiết kiệm sẽ muốn gửi vào ngân hàng thương mại, hơn là gửi vào tiết kiệm nhà ở "một mình một sân". Lúc đó, tiết kiệm nhà ở khó huy động được nguồn lực xã hội, mà chỉ có những người chưa có nhà ở gửi tiền mà thôi. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng tiếp thu các trao đổi, thảo luận và xây dựng thành quy định trong Luật Nhà ở sửa đổi. Ý nghĩa của mô hình đã rõ, vấn đề là tìm ra mô hình tiết kiệm nhà ở phù hợp điều kiện Việt Nam.
    Theo Hà Nội Mới
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê