• Hà Nội sẽ thế nào khi hàng loạt căn hộ được chia nhỏ?

    Chủ trương chia nhỏ căn hộ có thể được cái lợi trước mắt là tăng thanh khoản được một phần những dự án có căn hộ diện tích lớn đang tồn đọng hiện nay. Tuy nhiên, những hệ lụy của chủ trương này thì không thể lường trước được?
    Cách đây chưa lâu, Bộ Xây dựng cho phép chia nhỏ căn hộ để doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho. Và mới đây, UBND TP Hà Nội cũng cho biết đang xem xét điều chỉnh cơ cấu căn hộ của 14 dự án nhà ở thương mại với tổng số căn dự kiến điều chỉnh từ 4.051 thành 5.976 căn hộ.

    Như vậy là đã rõ việc chia nhỏ căn hộ có thể được thực thi đồng loạt trong tương lai gần mà mở đầu Dự án CT2 Trung Văn do Vinaconex 3 vừa được Hà Nội chấp thuận chia nhỏ diện tích căn hộ vào 17/10/2013.


    Nhà ở là hạ tầng xã hội nên phải vừa đáp ứng nhu cầu vật chất, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Vì vậy, cùng với chỗ ở, người dân còn có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hạ tầng đi kèm khác, chứ không phải chỉ là nơi "chui ra chui vào"

    Cũng theo Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ tồn kho hiện nay khoảng hơn 20.000 căn (hơn 4.000 căn nhà thấp tầng, 16.000 căn hộ chung cư), tổng giá trị khoảng 40.750 tỉ đồng. Như vậy, giữa lúc thị trường nhà đất đang rơi vào tình trạng “khát” vốn, tồn kho cao, dự án đình trệ thì việc Bộ Xây dựng cho phép chia nhỏ căn hộ được hy vọng là giải pháp để làm “tan băng” thị trường bất động sản hiện nay.

    Tuy nhiên, nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng việc chia nhỏ căn hộ từ những căn hộ có diện tích lớn hoàn toàn khác với việc xây mới căn hộ nhỏ. Việc chia nhỏ căn hộ dễ gây nên những hệ lụy về hạ tầng xã hội do dân số khu vực tăng cơ học đột xuất khi các dịch vụ hạ tầng, chỗ để xe, phòng chống hoả hoạn... không được đáp ứng.

    Một chuyên gia phân tích: “Ví dụ một dự án có quy mô 300 căn hộ với 1.200 người ở, nay muốn chia thành 600 căn hộ thì không phải đương nhiên dân số sẽ là 2.400 người”.

    Bên cạnh đó, khi duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000, cơ quan chức năng đã xác định rõ các chỉ tiêu về cây xanh, mật độ giao thông, diện tích công cộng. Nay các chỉ tiêu này không đổi mà dân số lại tăng cao, thậm chí gấp đôi thì sẽ dẫn tới tình trạng quá tải.

    Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thì khi chủ đầu tư muốn chuyển đổi, chia nhỏ căn hộ phải có sự nghiên cứu, tính toán kỹ càng chứ không được nhắm mắt "làm bừa". Việc chia nhỏ căn hộ sẽ không làm giá thành giảm, thậm chí còn làm giá thành đắt lên. Bởi một căn hộ xây xong rồi, muốn chia nhỏ ra thì phải phá cái nọ, phá cái kia, sau đó làm lại một số thứ, sẽ tốn thêm nhiều chứ không thể rẻ được. Nó chỉ có thể rẻ khi mà vẫn đang xây cột, chưa làm gì cả. Cho nên cái mà chủ đầu tư hạ ở đây là hạ giá bán, chứ không phải hạ giá thành. Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

    Theo TS-KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, mục tiêu của chúng ta là một hạ tầng xã hội văn minh chứ không phải là “cứu” một vài doanh nghiệp bất động sản. Nhà ở là hạ tầng xã hội nên phải vừa đáp ứng nhu cầu vật chất, vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Vì vậy, cùng với chỗ ở, người dân còn có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hạ tầng đi kèm khác, chứ không phải chỉ là nơi "chui ra chui vào".

    Còn ông Trần Ngọc Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng Phương Huy SJC cho rằng: Hình thức chia nhỏ căn hộ về lâu dài sẽ gây nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị. Thực tế, việc thiết kế căn hộ lớn rồi lại chia nhỏ sẽ gây thay đổi toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà và hậu quả là kết cấu sẽ khó đảm bảo an toàn. Đặc biệt, sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề phức tạp khác như điện, nước, nhà vệ sinh, lối đi độc lập, cảnh quan, mật độ dân số… Về lâu dài, những yếu tố này sẽ tạo áp lực lên hạ tầng xã hội xung quanh dự án.

    Tại cuộc họp với Bộ Xây dựng mới đây, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng việc chia nhỏ căn hộ, trên lý thuyết đơn giản nhưng đi vào thực tế không thể vội vàng. Bởi lẽ khi xây dựng một tòa nhà, những vấn đề như hạ tầng, kết cấu, số lượng người ở… đã được tính toán ở một mức độ nhất định. Xây lớn rồi lại chia nhỏ sẽ gây thay đổi toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà và hậu quả kết cấu sẽ không đảm bảo an toàn.

    Giờ đây chưa thể lường trước được cái hay của giải pháp tình thế này trong tương lai sẽ thế nào? Nhưng cái cần nhất bây giờ là các đơn vị chủ quản hãy khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp xây dựng đi đúng vào nhu cầu của người dân: căn hộ nhỏ, giá thành thấp mới là việc quan trọng mà cơ quan quản lý cần tính đến!

    Theo PetroTimes
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê