• Triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Thêm lời giải để tăng hiệu quả

    Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến hết 30/9, mới có 590 khách hàng được vay với số tiền 142,5 tỷ đồng từ gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiến độ và số lượng giải ngân quá chậm.
    Là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đã đưa ra những kiến giải để việc triển khai gói hỗ trợ thêm hiệu quả.

    Chia nhóm đối tượng để hỗ trợ

    Vấn đề đâu là đối tượng để giải ngân vẫn gây tranh cãi, bởi các ngân hàng cho rằng, để tránh nợ xấu, chỉ những người có thu nhập 8 - 9 triệu đồng/tháng mới có khả năng trả nợ và được vay vốn từ gói hỗ trợ. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người tại đô thị năm 2010 cũng mới chỉ gần 26 triệu đồng/năm - ngưỡng tạm đủ ăn và tiêu dùng cá nhân chứ chưa thể có tích luỹ để mua nhà giá 10 - 15 triệu đồng/m2. Ngay cả mức cao nhất 70 triệu đồng cũng phải mất hơn 20 năm hoặc mất hơn 5 năm nếu gia đình 4 người thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng không tiêu gì, mới đủ để mua nhà trị giá 1,5 - 2 tỷ đồng. Trong khi, GDP bình quân đầu người năm 2012 mới chỉ đạt chưa đầy 3 triệu đồng/tháng/người.

    Bên cạnh đó, những người thu nhập thấp, không đủ khả năng tiếp cận nhà ở bình thường thậm chí chỉ có khả năng thuê, hoặc thuê mua trong thời gian dài mới cần đến nhà ở xã hội. Vì thế, loại hình này nên tách làm 2 nhóm: Nhóm thu nhập quá thấp không thể mua nhà, kể cả giá 300 - 500 triệu đồng/căn. Nhà nước nên hỗ trợ xây nhà cho họ thuê với giá rẻ. Nhóm đối tượng thu nhập thấp nhưng tiền tích lũy chưa đủ mua nhà. Đối tượng này cần có mô tả cụ thể để từ đó đưa ra các chính sách hợp lý, sản phẩm giá cả, vị trí và chất lượng phù hợp với nhu cầu của họ cũng như hoàn thiện quy trình thủ tục giúp tiếp cận được nguồn vốn vay từ gói hỗ trợ.

    Cần giảm bớt quy trình thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Trong ảnh: Khu đô thị Linh Đàm.

    Siết trách nhiệm các bên

    Khuyến khích chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức, đơn vị công tác của người đi vay tạo điều kiện xác nhận nhu cầu mua nhà ở. Song các bên phải có trách nhiệm với xác nhận của mình nếu xác nhận sai sẽ chịu hình thức kỷ luật hành chính đi đôi với chế tài kinh tế. Đồng thời, người đi vay cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác trong thủ tục của mình, nếu phát hiện sai phạm sẽ đình chỉ mua hoặc tịch thu nhà đã mua mà không đền bù. Người đi vay cũng nên có khoản tích lũy của bản thân, để chỉ vay thêm khoảng 500 triệu đồng là có thể mua căn hộ 1 tỷ đồng. Như vậy, với 70% của 30.000 tỷ đồng sẽ có tới 42.000 người tiếp cận và từng đó nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng.

    Quá trình thực hiện không thể tránh khỏi xảy ra mâu thuẫn giữa các bên: Ngân hàng, người dân và đơn vị cung cấp nhà. Để giải quyết mâu thuẫn này, đồng thời thực thi các chế tài đối với bên vi phạm (nếu có) cần một cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra. Thường ở các nước do hệ thống Toà án, song ở Việt Nam nên giao việc giám sát thực thi, xử lý vi phạm này cho UBND các cấp hoặc thành lập cơ quan liên ngành đảm trách và cơ quan này sẽ chấm dứt hoạt động khi triển khai xong gói hỗ trợ.

    Lãi suất nên linh động

    Mức lãi suất ưu đãi từ gói hỗ trợ 6%/năm chỉ nên quy định trong năm 2013, sau đó, nên điều chỉnh theo từng năm để tạo sự công bằng. Bởi khi chưa có lạm phát mức 6% là ưu đãi, hợp lý, nhưng khi biến động sẽ khiến người đi vay thiệt thòi. Hơn nữa, nó tạo tâm lý không yên tâm cho người dân. Cần quy định lãi suất cho vay từ gói hỗ trợ tỷ lệ theo lãi suất thị trường hoặc lãi suất tái cấp vốn của ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ đó có thể là 1/2; 2/3 hay 3/4 tuỳ theo khả năng và chủ trương của Nhà nước trong từng thời kỳ.

    Triển khai gói hỗ trợ giúp an sinh xã hội, cung cấp nhà ở cho hàng vạn hộ gia đình. Đồng thời, góp phần kích hoạt thị trường BĐS, khơi thông nguồn vốn, phục hồi nền kinh tế. Vì vậy, quy trình thủ tục thực hiện gói hỗ trợ cần hết sức đơn giản, khả thi, công khai minh bạch và đúng đối tượng.
    TS Vũ Đình Ánh

    Theo KTĐT
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê