• Nhà đầu tư châu Á "săn" BĐS Việt Nam

    Mức độ đầu cơ vào BĐS ở thị trường phát triển ở châu Á giảm do giá đã quá cao. Vì thế, dòng vốn đang có xu hướng chảy ra ngoài lãnh thổ, lan sang các khu vực đang phát triển, trong đó, Việt Nam là mối quan tâm hàng đầu.

    Từ năm 2010, nhiều tập đoàn BĐS khu vực châu Á
    đã có xu hướng quay trở lại Việt Nam.
    Dòng vốn chuyển dịch sang Việt Nam

    Đó là nhận định của ông William Young, Giám đốc Dự án Cấp cao MIPIM ASIA tại buổi họp báo giới thiệu Hội nghị thượng đỉnh thường niên Bất động sản (BĐS) cao cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hội chợ triển lãm BĐS Quốc tế MIPIM ASIA 2011 mới đây tại Hà Nội.

    Là người có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong các quỹ về vốn cổ phần tư nhân liên quan đến đầu tư BĐS, đồng thời có mối quan hệ rộng khắp với các doanh nghiệp, mạng lưới nhà đầu tư BĐS khu vực, ông William Young - đến từ Hong Kong - cho rằng, một trong những lý do khiến Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư BĐS phù hợp năm 2011, đó là tính thanh khoản.

    "Khi xem xét thị trường nợ còn khó khăn và khá chặt chẽ của Việt Nam, ta thấy có rất nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia; hứa hẹn có nhiều lợi nhuận, doanh thu tốt cho họ. Tôi nghĩ 5 năm hoặc thậm chí 2 năm nữa thôi, thị trường này sẽ thể hiện rõ tính hấp dẫn của nó về mặt thanh khoản.

    Trong ngắn hạn có rất nhiều khách hàng quan tâm đến việc đầu tư vào ngành BĐS Việt Nam ở rất nhiều phân khúc như, nhà ở, trung tâm thương mại, bán lẻ, khách sạn. Ngoài ra, dự án xây dựng một sòng bạc, casino tại Việt Nam vừa qua, sẽ có tác động tích cực trong thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào thị trường này".

    Vị giám đốc Dự án Cấp cao MIPIM ASIA đã đưa ra phân tích như vậy trong bối cảnh tình hình tại các thị trường BĐS phát triển như HongKong, Trung Quốc đại lục, Singapore một hai năm trở lại đây phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc sụp đổ của đại gia Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers trong cơn khủng hoảng năm 2008.

    Điều này khiến cho giá BĐS tại các thị trường đó quá đắt đỏ, dẫn đến trầm lắng. Dòng tiền có xu hướng chuyển dịch ra các nước láng giềng, thậm chí sang cả châu Âu, châu Mỹ. Trong đó, thị trường đang phát triển như Việt Nam, cơ hội đầu tư rất tích cực.

    "Nhìn nhận các đánh giá của nhà đầu tư châu Á, tôi thấy họ quan tâm rất nhiều đến thị trường Việt Nam. Do đó, cần giúp họ hiểu thêm hiện trạng của thị trường này. Sự kiện MIPIM ASIA diễn ra tại Hong Kong giữa tháng 11-2011, nơi các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với khoảng 200 nhà đầu tư lớn ở khu vực và thế giới chính cơ hội giao lưu, quảng bá, xúc tiến làm ăn đáng chú ý" - ông William Young cho hay.

    Cuộc chơi của những vận động viên marathon

    Một bản báo cáo mới nhất của hãng tư vấn và tiếp thị CBRE Việt Nam đưa ra cho thấy, đám mây đen bao phủ hầu hết các phân khúc BĐS ở hiện tại không có nghĩa rằng ai tham gia ở thời điểm này cũng đều chịu thiệt. Ngược lại, thị trường còn rất nhiều cơ hội được ví như hình ảnh "trong đá vẫn có ngọc".

    Ông Richard Leech - Giám đốc Điều hành CBRE cho rằng, tại Hà Nội các dự án thiếu vốn, ngưng trệ triển khai đang tại điều kiện cho các dự án khác mà chủ đầu tư có tiềm lực hơn. Bởi lẽ, mặc dù dự bán năm 2011 có đến hơn 30.000 căn hộ sẽ được chủ đầu tư đưa ra thị trường nhưng về dài hạn, nguồn cung sẽ trở nên thiếu hụt ở các phân khúc căn hộ hạng sang, căn hộ dịch vụ cho thuê, văn phòng cao cấp và khách sạn.

    Một yếu tố khác nữa theo ghi nhận của CBRE, tại thị trường BĐS Việt Nam đã và đang xuất hiện tỷ lệ lợi nhuận cao, có thể đứng hàng cao nhất ở châu Á mà tiền thuê lại được thanh toán bằng đôla. Khó khăn hiện tại sẽ không có chỗ cho các nhà đầu tư ngắn hạn, nhỏ lẻ mà sẽ là cuộc thay thế dần của các đại gia, các "vận động viên chạy marathon".

    Trong một phân tích dự báo về tình hình đầu tư nước ngoài vào BĐS năm 2011, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc của CBRE từng cho rằng, nếu như nhiều năm về trước, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaysia... dường như chỉ "ngồi ghế sau" so với các nhà phát triển dự án trong nước, thì từ năm 2010, nhiều tập đoàn BĐS khu vực châu Á đã có xu hướng quay trở lại Việt Nam. Một phần của câu chuyện này là tại các thị trường như Philippine, Thái Lan, Singapore, Hong Kong đang trở nên không còn hấp dẫn.

    Lấy ví dụ một số tòa nhà được xây dựng trên đường Robinson ở Singapore, nếu nhà đầu tư phải chi phí 15.000 đôla/m2 để xây nhà ở bán hoặc cho thuê mà chỉ kiếm được lợi nhuận là 3% - một tỷ lệ quá thấp, thì việc họ đầu tư vào các địa điểm tốt ở VN thì tỷ lệ tăng trưởng sẽ rất cao, có thể hơn 20%.

    "Ở VN, vấn đề các dự án sẽ sinh lời sau 6-10 năm chứ không chỉ có 6 tháng như các quốc gia khác" - ông Marc Townsend đúc kết.

    Giới nghiên cứu của CBRE đánh giá, đằng sau những khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường vẫn được hỗ trợ mạnh mẽ từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ.

    Đây được xem là yếu tố hỗ trợ tốt nhất cho thị trường bất động sản trong thời gian tới như việc hoàn thành QL32 đoạn Diễn - Nhổn vào tháng 8 năm 2011, hoàn thành GPMB giai đoạn 1 đoạn Cầu Chui - Cầu Đuống, khánh thành nhà ga mới sân bay Nội Bài trong quý 3/2011, xây dựng đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài...

    Nói về triển vọng của thị trường trong tương lai, ông Richard Leech ví von: "không bao giờ có cầu vồng mà trước đó lại không có mưa giông, hiện chúng ta đang ở trong giai đoạn mây đen kéo đến, nhưng hy vọng thị trường sẽ trở lại thời hoàng kim trong thời gian ngắn".

    Một tia sáng mà CBRE bắt đầu ghi nhận thấy thông qua các chỉ số như: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tỷ giá tiền đồng ổn định, lãi suất và lạm phát dự kiến sẽ giảm vào quý IV/2011, đơn vị này đánh giá sẽ góp phần vực dậy thị trường ra khỏi giai đoạn đen tối.

    Theo VEF
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê