• “Đáp áp” gói 30.000 tỷ đồng

    Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đi kiểm tra, đôn đốc giải đáp và tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, đáp ứng được kỳ vọng của người dân và xã hội.

    Tiến độ giải ngân “rùa bò”

    Theo NHNN, sau hơn 2 tháng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền là 65,57 tỷ đồng theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở. Trong đó, đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng.

    Tính đến thời điểm này, tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn diễn ra chậm và hiệu quả chưa cao, do gặp nhiều “rào cản” chưa được tháo gỡ như: việc xác nhận của chính quyền địa phương về nhu cầu nhà ở của khách hàng, hoặc các ngân hàng đều yêu cầu người dân phải chứng minh được khả năng trả nợ nhằm bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng và điều kiện để vay vốn phải là các hợp đồng mua nhà được ký sau ngày 7/1/2013 - Thời điểm Nghị quyết số 02/NQ-CP có hiệu lực. Trong khi số dự án thuộc dạng này trên địa bàn cả nước dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

    Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân gói tín dụng này chậm là do chưa có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2, để người dân lựa chọn ký hợp đồng mua và thỏa mãn điều kiện vay.

    Bên cạnh đó, việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay lại đang rất chậm do vướng nhiều thủ tục, đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

    Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) khẳng định, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chậm là đúng do một số thủ tục, điều kiện vẫn chưa được “khơi thông”.

    “Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm kéo dài trong 10 năm là gói chưa từng có trong tiền lệ. Việc cho vay kéo dài từ 10 đến 15 năm phụ thuộc vào tình hình tài chính của khách hàng. Nếu khách hàng đảm bảo khả năng trả trong 7 năm thì cũng có thể vay trong 7 năm”, ông Mạnh nói.

    “Ấn nút” tháo gỡ “barrie”

    Để tháo gỡ những “rào cản” dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, bằng cách giảm nguồn cung nhà ở thương mại; đốc thúc các địa phương quyết liệt rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định để các chủ đầu tư xây dựng đưa sản phẩm ra thị trường bán cho người dân.

    Cùng với đó, cần tập trung vốn của gói 30.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án, tạo ra sản phẩm. Đồng thời, thành lập tổ công tác giữa Bộ Xây dựng và NHNN kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện giải ngân để kịp thời giải quyết vướng mắc.

    Hơn nữa, đại diện NHNN cho rằng, muốn giải ngân gói tín dụng này nhanh trước hết phải tháo gỡ những rào cản vướng mắc và phụ thuộc vào nguồn cung nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội trên thị trường.

    “NHNN cam kết gói tín dụng này được giải ngân trong 3 năm, lãi suất và thời hạn vay luôn luôn sẵn sàng, đầy đủ cho chương trình này, chỉ phụ thuộc vào có hay không có các sản phẩm dự án nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Viết Mạnh thẳng thắn.

    Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả khi NHNN và Bộ Xây dựng tiến hành tháo gỡ những rào cản trên “hoàn hảo”, thì những đối tượng “soi” vào diện đủ tiêu chuẩn và đủ điều kiện được vay vốn từ gói tín dụng này để mua nhà ở từ các dự án nhà ở thương mại (dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2), các dự án nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội là không nhiều.

    Ở khía cạnh khác, dù nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp còn rất lớn nhưng thực tế nhiều dự án vẫn không bán được nhà là do câu chuyện giá nhà ở xã hội còn cao hơn giá nhà ở thương mại giá thấp (giá nhà ở thương mại tại các dự án đang chào bán ở Hà Đông, Hà Nội cũng chỉ dao động từ 13 -15 triệu đồng/m2).

    Giải thích tình trạng trên, GS.,TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, nguyên nhân cơ chế quản lý đối với nhà ở xã hội còn có nhiều yếu tố giống với thời kỳ bao cấp, chưa sát với những quy luật về giá trị và cạnh tranh của thị trường, trong khi giá nhà ở thương mại luôn luôn có xu hướng giảm vì quá trình cạnh tranh giữa các chủ đầu tư.

    “Chúng tôi hy vọng, khi một số dự án đủ điều kiện bán hàng, số tiền giải ngân từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này sẽ tăng mạnh trong quý IV/2013”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định.
    Theo Tạp chí tài chính
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê