• Phòng trọ sinh viên ế ẩm thời kinh tế khó khăn

    Đã từng một thời phòng trọ cho sinh viên ở Hà Nội rất “sốt”, người có nhà cho thuê hoàn toàn có thể sống bằng nghề này - “nghề cho thuê phòng trọ”. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn đã phủ lên một không khí u ám trên thị trường cho thuê nhà phân khúc bình dân này, nhiều phòng trọ tại thời điểm này đang rơi vào tình trạng ế ẩm.
    Các khu nhà trọ thi nhau xây mới trong khi các phòng trống còn khá nhiều

    Từng một thời rất “sốt”

    Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) là một cái tên khá quen thuộc với nhiều thế hệ sinh viên với rất nhiều phòng trọ. Là một địa điểm tương đối thuận lợi và là nơi có cả chục trường đại học lân cận (ĐH Hà Nội, Kiến Trúc, Quân Y, Học viện Bưu Chính, Học viện Kỹ thuật mật mã,…), khu Triều Khúc tập trung rất nhiều sinh viên. Từ một làng nghề truyền thống, người dân tại đây chuyển sang sống chủ yếu bằng nghề cho thuê phòng trọ. Hầu hết các nhà trong làng đều xây khu trọ, từ khu bình dân sang khu chung cư mini. Dù nhiều phòng là vậy, song trước đây không phải lúc nào cũng tìm được phòng trọ tại khu này bởi rất nhiều sinh viên, người đi làm tìm tới thuê. Cô Tuyên - chủ của 21 phòng trọ tại số nhà 52 - Triều Khúc, với thu nhập hằng tháng có thể lên tới 27 triệu đồng, cho biết trước đây chưa bao giờ phải lo lắng về chuyện ế ẩm phòng trọ. Theo đó, phòng của cô lúc nào cũng có người đến tìm, người vừa chuyển đi buổi sáng , ngay buổi chiều đã có người tới ở, thậm chí có người còn phải liên tục gọi điện đến đặt phòng.

    Những khu nhà trọ có giá bình dân từ 800 – 1 triệu đồng


    … đến những khu chung cư mini bình dân có giá khoảng từ 1,8 – 2 triệu đồng

    Thấy việc kiếm tiền từ các khu nhà cho sinh viên thuê khá dễ và “không bao giờ” hết việc, nhiều nhà đua nhau xây dựng. Những năm gần đây, các khu chung cư bình dân 4-5 tầng ra đời khá nhiều, giá một phòng 18m2 khoảng 1,8 -2 triệu đồng.

    Tương tự, ở khu vực Phùng Khoang (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) cũng khá “sốt” với nghề cho thuê trọ. Giá phòng cũng chỉ dao động ở mức 900-1,2 triệu/phòng 10 m2, 1,5-1,8 triệu với phòng chung cư sinh viên.

    “Cô từng khá đau đầu với việc cho người nào thuê. Có lần, tận 3, 4 người cùng vào đặt phòng cho cô, chọn ai cũng khó xử, đó đều là mấy đứa sinh viên, tìm nhà cũng đâu có dễ”, cô Nguyễn Thị Minh có khu nhà 5 tầng cho thuê tại đây kể về thời phòng trọ của cô rất “sốt”.

    Thời “ế ẩm”

    Tuy nhiên, thời gian gần đây, phòng trọ tại các khu này không còn thời “vàng son” như trước. Khắp các khu đông sinh viên như Triều Khúc, Phùng Khoang, Thanh Liệt, Cầu Giấy,… thấy nhan nhản biển cho thuê phòng, thậm chí tờ rơi còn dán đầy khắp tường nơi công cộng.



    Nhan nhản tờ rơi quảng cáo cho thuê phòng

    Khác với tình trạng kín phòng như trước đây, hầu như xóm trọ nào cũng còn phòng trống, có nơi trống tới 4-5 phòng.

    Xóm trọ nhà cô Tuyên có 21 phòng thì hiện còn tới 4 phòng trống. Nếu trước đây, giá phòng thường nhích theo sự biến đổi giá cả, thậm chí chỉ là cách vin vào giá xăng, giá điện… để tăng giá, có nơi tăng theo chu kì 1 tháng/ tăng 1 lần, thì với tình trạng ế ẩm như bây giờ, các chủ trọ muốn tăng giá cũng phải dè chừng.

    Hầu hết nhà nào cũng còn phòng trống

    “Lâu lắm rồi cô không dám tăng giá phòng. Sắp tới tiền điện tăng nhưng chắc cô cũng không tăng giá phòng, giờ phòng trọ ế ẩm lắm, tăng rồi lại không có người thuê lại khổ”, cô Tuyên chia sẻ.

    Thực chất nhu cầu nhà ở không giảm. Việc phòng trọ còn trống nhiều không phản ánh việc ít người đi thuê chỗ trọ hơn. Số lượng các phòng trọ, khu trọ được xây dựng ngày càng nhiều. Miếng bánh bị chia nhỏ hơn tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người cho thuê phòng trọ.

    Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều người phải tính toán kĩ lưỡng trong việc đi thuê trọ.

    “Những người trả phòng là sinh viên vừa tốt nghiệp, họ về quê ngay vì ở trên này mãi mà không xin được việc. Có người nộp đơn xin việc khắp thành phố rồi trả phòng về quê đợi. Tránh được tiền nhà tháng nào là hay tháng đấy”, chủ phòng trọ tại Thanh Liệt, Thanh Trì phân tích.

    Bên cạnh đó, đây là thời điểm nghỉ hè, lại thêm việc sinh viên bây giờ muốn tìm phòng lúc nào cũng có sẵn nên các em về nghỉ hè 1,5 - 2 tháng là tranh thủ trả phòng ngay. Một số có xu hướng ở ghép với nhau nhằm hạn chế tối đa chi phí tiền phòng.

    “Giờ phòng trọ cũng nhiều, bọn mình đang tính chuyển ra ngoại thành ở, xa trường một chút nhưng quan trọng là sẽ giảm được rất nhiều tiền trọ, điện, nước, tiết kiệm được tiền cho bố mẹ ở quê, chứ ở quê mà tiêu như vậy thì xót lắm”, bạn Nguyễn Hoa, sinh viên đại học Hà Nội nói.

    Giảm giá để giữ chân người thuê

    Trước tình trạng trên, nhiều chủ nhà trọ tính đến phương án giảm tiền phòng nhằm giữ chân người đi thuê.

    Anh Quân - chuyên môi giới thuê phòng trọ tại khu vực Cầu Giấy cho biết: “Bây giờ phòng trọ trống nhiều lắm, đi xem thoải mái nhưng ở được hay không thì còn tùy túi tiền mỗi người. Nếu chủ nhà trọ cho thuê giá mềm hơn một chút, trung bình giảm 200- 300 nghìn đồng/ phòng mới hi vọng không bị ế phòng!”.

    Khi được hỏi, nhiều chủ phòng trọ tại Triều Khúc cũng cho biết đang tính sẽ giảm tiền phòng khoảng 1 đến 200 nghìn trong thời gian tới đây. “Bởi hai tháng nay, vì không có người thuê phòng, đã mất không gần 5 triệu đồng, thà cho thuê rẻ hơn một chút cũng vẫn lợi hơn nhiều”, cô Tuyên nhẩm tính.

    Như vậy, kinh tế khó khăn cộng với nguồn cung bất động sản dư thừa đã khiến mọi phân khúc, từ nhà biệt thự triệu đô cho tới những căn phòng trọ sinh viên chỉ triệu bạc mỗi tháng cùng chung một sự ế ẩm, chợ chiều.
    Theo SM Online
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê