• Bồi thường đất khó sát giá thị trường

    Một trong những điểm mới mang tính đột phá trong quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở Hà Nội là thông qua các đơn vị tư vấn thẩm định giá độc lập nhằm bảo đảm giá đền bù sát với giá thị trường. Thế nhưng, nhiều địa phương lại đang lúng túng khi triển khai quy định này.
    GPMB “sa lầy” vì quận, huyện chưa hiểu thấu quy định mới về giá thị trường

    Hơn 140.000 hộ “dính líu” GPMB

    Theo ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, số lượng dự án liên quan đến thu hồi đất - GPMB ở Hà Nội lên tới 1.080, với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 9.855,8ha. Vì thế, số hộ gia đình, cá nhân và tổ chức có liên quan tới GPMB là rất lớn, 140.383 trường hợp. Trong đó, có 14.746 hộ dân phải bố trí tái định cư. Ông Trương Quang Thiều thừa nhận, năm 2013, GPMB vẫn là lĩnh vực “khó khăn, phức tạp và nhạy cảm”.

    Tổng hợp mới nhất từ các quận, huyện cho biết, đến cuối tháng 4-2013, TP đã phê duyệt phương án và chi trả hơn 2.100 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 7.598 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho 955 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở; đã nhận bàn giao mặt bằng gần 293 ha của 40 dự án. Với cụm 37 công trình, dự án trọng điểm của TP và các dự án trọng điểm của Bộ, ngành Trung ương, thời gian qua, TP đã và đang giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách để các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh công tác thu hồi đất, GPMB. Tính đến thời điểm báo cáo, tại các dự án trọng điểm, TP đã hoàn thành, bàn giao 2.500/4.313ha đất phải thu hồi.

    Nói về triển khai quy định mới về bồi thường cho hộ dân bị thu hồi đất theo Quyết định 02/2013/QĐ-UBND, một số quận, huyện vẫn tỏ ra lúng túng. Trong đó, nhiều nơi than khó khi thực hiện quy định xác định giá bồi thường đất ở của hộ gia đình, cá nhân thông qua các đơn vị tư vấn thẩm định giá độc lập nhằm bảo đảm giá đền bù sát với giá thị trường.

    Các địa phương đồng tình việc bồi thường theo giá thị trường là phù hợp nhưng cho rằng quá trình thẩm định giá đang “ngốn” rất nhiều thời gian. Một số quận, huyện đã thuê tư vấn nhưng đến nay vẫn chưa lập được chứng thư thẩm định giá. Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, ông Nguyễn Kim Vinh dẫn chứng: “Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đi qua địa bàn huyện Từ Liêm đang vướng ở khâu xác định giá đất sát giá thị trường. Chúng tôi đã thuê tư vấn thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá gửi về Sở Tài chính nhưng mãi chưa được chấp thuận...”. Cũng vì thế, bên cạnh những địa phương chủ động thuê tư vấn định giá đất, có nơi đang cố tình “lờ” vấn đề này đi.

    Lúng túng với giá thị trường

    Thừa nhận sự lúng túng của các quận, huyện, Ban Chỉ đạo GPMB TP ghi nhận: “Dù đã được Sở Tài chính, Ban Chỉ đạo GPMB TP và các Sở, ngành liên quan chủ động phối hợp nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có chứng thư thẩm định giá nào được ban hành. Nguyên nhân do cơ chế mới được ban hành, các đơn vị còn lúng túng trong việc hiểu và thực hiện các quy định”. Giải trình thêm về vấn đề này, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, không phải đơn vị tư vấn nào cũng có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án. Do đó, không còn cách nào khác, Sở Tài chính đề nghị các quận, huyện phải lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín và ký hợp đồng để bảo đảm hiệu quả công việc, đúng tiến độ đề ra.

    Đánh giá kết quả GPMB còn chưa tương xứng với yêu cầu, UBND TP Hà Nội yêu cầu, các địa phương phải tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân. Các sở ngành, địa phương phải rà soát lại từng dự án để tháo gỡ ngay từ cơ sở, đẩy nhanh tiến độ GPMB. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chỉ đạo: “Trong quá trình thu hồi đất, các quận, huyện, thị xã phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, đặc biệt, cần thường xuyên trao đổi, đối thoại với người dân, nỗ lực giải quyết dứt điểm vấn đề nóng phát sinh ngay từ cơ sở, tránh khiếu kiện kéo dài”. Đối với việc ký hợp đồng thuê tư vấn thẩm định giá, TP nhấn mạnh, các địa phương phải lưu ý đến tiến độ, uy tín của đơn vị tư vấn. Nếu đơn vị tư vấn triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ, phải thay thế ngay.

    Theo Ban Chỉ đạo GPMB TP, quỹ nhà, đất tái định cư chưa chuẩn bị kịp thời đã gây ảnh hướng lớn đến tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án (như tại dự án đường sắt đô thị tuyến 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và tuyến 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng).

    Theo Hà Nội Mới
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê