• "Sóng" bất động sản trong tuần 1 tháng 3

    Trong tuần đầu tiên của tháng 3, thị trường bất động sản liên tục đón nhận những thông tin gây chú ý dư luận. Đầu tiên phải kể đến việc nhà đầu tư thứ cấp tại dự án CT3 Cổ Nhuế bán tháo căn hộ cùng với việc nhiều doanh nghiệp chuyển sang đầu tư nhà ở xã hội với mong muốn đẩy hàng tồn, thiết lập mặt bằng giá bất động sản mới.

    Căn hộ CT3 Cổ Nhuế khuấy đảo thị trường

    Trong những ngày qua, nhiều nhà đầu tư đang nháo nhào tìm cách bán căn hộ CT3 Cổ Nhuế đã mua vào những năm trước với giá “cắt lỗ” vài trăm triệu đồng mỗi căn. Nguyên nhân khiến khách hàng sốt sắng bán hạ giá căn hộ CT3 là do trong kế hoạch mở bán chính thức khu căn hộ này của Nam Cường, chủ đầu tư đang có chủ trương bán cho cán bộ nhận viên đang công tác và làm việc ở Tập đoàn cũng như các cựu CBNV với chính sách rất ưu đãi nhằm tri ân CBNV của Nam Cường đã cống hiến trong suốt nhiều năm qua.

    Nghịch lý thừa thiếu khi chuyển đổi nhà thương mại thành nhà ở xã hội

    “Cuộc chiến” tạo mặt bằng giá mới khi chuyển đổi nhà thương mại thành nhà ở xã hội ở Hà Nội đang được các doanh nghiệp khẩn trương tiến hành. Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 10 doanh nghiệp bất động sản làm thủ tục chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản TP.HCM đã đi trước Hà Nội khi áp dụng biện pháp này nhằm giải cứu thị trường. Tuy nhiên, thực tế đầy nghịch lý là có những dự án chung cư được UBND TP.HCM đăng ký mua làm nhà tái định cư, nhưng đã tạm ngưng xây dựng vì thiếu tiền. Trong khi đó, một số dự án căn hộ dành cho dân tái định cư đã hoàn thành lại bỏ hoang. Bên cạnh đó, khi nhà tái định cư đang tồn đọng thì nhà ở xã hội được hình thành qua các dự án mới. Do đó, mong muốn của người tiêu dùng đưa ra là với những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng mà Hà Nội phải tạo ra mặt bằng giá nhà ở mới hướng tới người thu nhập thấp.

    Giá nhà đất Long Biên giảm 10%

    Tuy chịu tác động sụt giảm doanh thu chung của thị trường bất động sản, nhưng theo nhận định của các chuyên gia và nhà đầu tư, giá đất nền, biệt thự, nhà liền kề khu vực quận Long Biên vẫn ổn định.

    Đặc biệt, so với thời điểm “sốt nóng” giai đoạn 2009 - 2010, giá chào bán bất động sản hiện nay chỉ giảm khoảng 10%, mức giảm thấp so với nhiều khu vực khác (giảm tới 35 - 45%).

    Hoài Đức: Giá nhà đất dao động 20-40 triệu đồng/m2

    Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội hiện có khoảng hơn gần 40 dự án khu đô thị với diện tích lớn từ vài chục cho tới vài trăm ha. Đây đều là những dự án có vị trí đẹp, hạ tầng giao thông thuận lợi vì vậy thu hút được sự quan tâm rất nhiều nhà đầu tư từ trước đến nay.

    Năm 2008 -2010, khi Dự án nâng cấp QL32 sắp hoàn thành, thị trường bất động sản khu vực Hoài Đức trở thành điểm "nóng". Giá các loại đất liền kề, biệt thự, thổ cư, đất dịch vụ... tăng mạnh như vũ bão. Trong đó, đất đô thị mới đạt ngưỡng 60-70 triệu đồng/m2, giá nhà đất thổ cư dao động 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau gần 2 năm sụt giảm, giá nhà đất dọc quốc lộ 32 (Hoài Đức – Hà Nội) giảm giá hơn 50%, hiện giá nhiều dự án chỉ còn xấp xỉ 20-40 triệu đồng/m2, song thanh khoản thị trường gần như không có.

    Nhà đầu tư vay tiền ngân hàng bỏ của thế chấp chạy

    Nhiều nhà đầu tư cho biết để thoát khỏi áp lực trả nợ vay ngân hàng, họ đã chấp nhận bỏ tài sản là bất động sản đang thế chấp ngân hàng.

    Trong giai đoạn thị trường bất động sản sốt nóng, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã mang rất nhiều tài sản là bất động sản để thế chấp cho ngân hàng. Thời điểm đó, các ngân hàng đa phần đều thẩm định cho vay với hạn mức rất cao khoảng 70% giá trị tài sản.

    Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thị trường lao dốc, giá bất động sản sụt giảm mạnh ở mức 30-50% thậm chí nhiều dự án mức giảm chiếm 60% và không có thanh khoản. Nhiều nhà đầu tư không chịu nổi áp lực vay đã buộc phải bán tháo với mức giá rẻ để trả nợ ngân hàng. Thế nhưng, không phải ai cũng may nắm thoát được hàng. Nhiều người còn mắc lại tiếp tục gánh trên vai gánh nặng nợ nần.

    Bất động sản chất lượng cao vẫn có giao dịch

    Theo điều tra mới đây của các Công ty nghiên cứu thị trường, thị trường bất động sản hiện đang có dấu hiệu dần ấm lên với tỉ lệ giao dịch tăng đáng kể đối với phân khúc cao cấp, ước đạt tăng 8% trong quý III/2012 ở TPHCM và 4% ở Hà Nội, và mức tăng này được ghi nhận là tỉ lệ tăng cao nhất kể từ quý IV/2011.

    Nhiều chuyên gia nước ngoài thậm chí còn lạc quan cho rằng, với kế hoạch giải ngân từ ngân sách của Chính phủ 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường và các DN BĐS, cùng với việc các NH hỗ trợ cho vay BĐS với lãi suất thấp, lĩnh vực BĐS thương mại và nhà ở Việt Nam sẽ có bước chuyển biến tích cực trong năm 2013.

    Cơ cấu lại thị trường bất động sản sang phân khúc thấp, giảm tồn kho

    Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương có nhiều dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản tổ chức rà soát, cơ cấu lại thị trường bất động sản chuyển sang phân khúc thấp, giảm hàng tồn kho; hướng dẫn các địa phương chuyển đổi dự án phát triển nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội.

    Có muốn “cứu” bất động sản cũng không được

    Theo nhận xét của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại bản tin kinh tế vĩ mô vừa được phát hành, với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn. Động thái găm giá để chờ một sự “giải cứu” từ phía Nhà nước của không ít doanh nghiệp bất động sản là hoàn toàn sai lệch.

    Theo VnMedia
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê