• Cấp 6 triệu sổ đỏ trong năm 2013: Dân vẫn mỏi mòn chờ!

    Theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm 31.12.2013 phải căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cơ bản.

    Trong đó, có 11 địa phương mới đạt dưới 7% diện tích đất được cấp sổ đỏ… với ngổn ngang lý do chậm trễ. Khát vọng cháy bỏng của hàng triệu hộ dân về việc được sở hữu tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn mong manh phía trước.

    Đi làm sổ đỏ - ai "qua cầu" mới hay

    Không ít cư dân mua căn hộ chung cư ở Hà Nội đều rơi vào thảm cảnh ở nhà của mình đến cả chục năm mà vẫn không sao làm được sổ đỏ. Cùng ở một chung cư, người có tiền thuê “cò” thì rất nhanh có sổ đỏ, còn người tự làm thì trải qua không biết bao nhiều phiền hà rắc rối.

    Bà N.P kể: Đủ giấy tờ thì văn phòng đăng ký nhà đất của thành phố, mới nhận. Khi chuyển xuống quận để cấp sổ đỏ, nơi này lại có công văn gửi nơi tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu tôi đến “khoanh” bằng bút màu diện tích căn hộ trên mặt bằng hồ sơ thiết kế. Có mỗi việc đơn giản vậy mà tôi phải chờ đến hơn bốn tháng. Rồi lại bị quận hỏi vì sao công chứng lại chỉ có tên người chồng bán. Lại trình bày vì ông ấy cưới vợ sau khi bán nhà. Lại đến xin mượn người bán tờ đăng ký kết hôn để chứng minh...

    Nhiều người, do không được hướng dẫn nên đã không nộp thuế theo đúng thời hạn, bị phạt 100% số tiền thuế phải nộp. Ông Đ.A than thở rằng, khi làm thủ tục thì chẳng được hướng dẫn đầy đủ, nay bổ sung giấy này, mai lại hành giấy khác. Người dân không biết được hồ sơ để làm sổ đỏ gồm những giấy tờ gì. Bà N.P chua xót nói: Cơ quan làm thủ tục bắt tôi phải gian dối. Người bán đánh mất biên bản thanh lý hợp đồng, tôi đến chủ đầu tư xin sao y bản chính, nhưng cán bộ VP đăng ký nhà đất không chấp nhận, đòi phải có bản chính, tôi không biết làm sao có được. Người phụ nữ vừa nhận xong sổ đỏ nháy mắt... tôi hiểu cần phải làm “thủ tục” gì. Ngay lập tức, tôi được hướng dẫn ra công an phường, cớ mất giấy tờ... thế là hồ sơ đầy đủ.

    Người dân ở hai TP lớn là Hà Nội và TPHCM đều “điêu đứng”, vướng đủ kiểu giấy tờ khi làm thủ tục cấp sổ đỏ khi mua nhà chung cư. Chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, xây vượt tầng, vượt diện tích... dân không làm được sổ đỏ, lỗi hoàn toàn không thuộc về người dân. Người dân ở ba xã Thọ Sơn, Bình Sơn và Long Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã hơn 40 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

    Ông Nguyễn Công Nam (Long Sơn) cho hay đã bao lần cán bộ về đo đạc rồi vẫn là những năm tháng chờ đợi. Trường hợp ông Đinh Quỳnh Giao (Gia Lâm, HN) chờ mãi được cấp sổ đỏ thì diện tích ghi trong sổ lại không đúng thực tế. Khiếu nại xong thì sổ đỏ mới được cấp lại, tên vợ ông lại sai, sai cả giới tính. 12 hộ dân ở xã Đông Hiếu (Thái Hòa, Nghệ An) đóng đủ tiền theo quy định đã 10 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Với hàng loạt ách tắc nêu trên, liệu việc cấp sổ đỏ trong 10 tháng cuối năm 2013 có được tháo gỡ?

    Nhiều hộ ở chung cư chưa thể có sổ đỏ vì... nhà đầu tư.

    Hà Nội và TPHCM: Khó hoàn thành kế hoạch

    Theo kế hoạch, đến cuối tháng 6.2013 TPHCM sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, mục tiêu này xem ra khó hoàn thành bởi lượng nhà đất chưa có sổ đỏ còn quá nhiều và vướng đủ loại giấy tờ.

    Sau đợt triển khai, tổng hợp số liệu từ 123 chủ đầu tư, 174 dự án, thì trong tổng số 37.363 nền đất thuộc các dự án, đã có 26.311 nền được bán và có 20.604 nền được cấp sổ đỏ, đạt 78,3%. Trong tổng số 40.496 căn hộ chung cư, đã bán 25.752 căn nhưng mới có 7.937 căn có sổ đỏ (đạt 30,8%).

    Tồn tại nêu trên do TP siết chặt các quy định về điều kiện cấp sổ đỏ nhằm buộc chủ các dự án phải tuân thủ quy định về chỉ tiêu quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...

    Chẳng hạn dự án nhà ở cán bộ công nhân viên quận 2 trên địa bàn phường An Phú (quận 2) do Cty TNHH một thành viên dịch vụ công ích quận 2 làm chủ đầu tư bàn giao đất từ những năm 1999 - 2010, nhưng đến tháng 10.2012 toàn bộ nền đất trong dự án này vẫn chưa được cấp sổ đỏ, bởi chủ đầu tư chưa bàn giao cơ sở hạ tầng cho địa phương quản lý. Vì vậy, cơ quan chức năng chưa cấp giấy chứng nhận. Đây chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp điển hình quyền lợi của người dân bị “treo” mà nguyên nhân là của các chủ đầu tư. Hiện TPHCM có khoảng 200 dự án dạng này, cùng với hàng ngàn căn hộ trong các dự án có sai phạm dẫn đến không được cấp sổ đỏ.

    TP.Hà Nội đến nay cấp được 95% sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất đã kê khai xin cấp sổ đỏ. Với tổ chức đang sử dụng đất, TP mới cấp được 7.346/19.247 thửa đất đã kê khai xin cấp sổ đỏ và đủ điều kiện theo quy định, đạt 38,6% .

    Nguyên nhân tồn tại, Sở TNMT cho là tại các quận, huyện, thị xã chưa phân loại cụ thể các trường hợp đủ điều kiện cấp sổ đỏ và chưa đủ điều kiện, chưa đủ căn cứ pháp lý để cấp sổ đỏ. Đó là những trường hợp đất lấn chiếm; đất chuyển mục đích sai quy định; đất có tranh chấp, khiếu kiện; đất nằm trong quy hoạch; cấp đất trái thẩm quyền; nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng; vi phạm sử dụng đất đã có kết luận của thanh tra các cấp và quyết định xử lý hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đến nay chưa xử lý được; chuyển quyền sử dụng đất qua nhiều chủ sử dụng nhưng không có giấy tờ hợp lệ... Ngoài ra, việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán của một số chủ đầu tư xây dựng còn tồn tại và vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch nên chưa đủ pháp lý để cấp sổ đỏ cho người mua nhà, căn hộ tại các dự án này.

    Về những vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho tổ chức, theo Sở TNMT cho rằng do nhiều DN, đơn vị đã có biến động về diện tích, hình thể thửa đất nên ngại tiến hành công tác kê khai, lập hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ. Nhiều trường hợp, mặc dù được thông báo các hợp đồng kê khai theo chỉ thị 245/TTg đã hết hiệu lực, yêu cầu các đơn vị tiến hành kê khai lập hồ sơ, nhưng rất ít đơn vị thực hiện.

    “Nếu mục tiêu căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước không hoàn thành trong năm 2013, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo địa phương, trong đó có phần trách nhiệm của các sở tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan khác cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang

    Theo Lao động
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê