• Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tập trung “gỡ” những bất cập!

    Những ngày này, trên cả nước, đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều mà người dân quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến nhất chính là những vấn đề liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…
    Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tập trung "gỡ" những bất cập trong công tác quản lý đất đai, để hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

    Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển.

    Thu hồi đất phải có kế hoạch, lộ trình!

    - Thưa Thứ trưởng, được biết, từ khi triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề thu hồi đất, đền bù tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất! Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

    - Cơ chế thu hồi đất trong Luật Đất đai 2003 có hai cách, theo chủ đầu tư chỉ định và theo quy hoạch. Nhưng vừa qua, chúng ta thu hồi chủ yếu theo chủ đầu tư vì địa phương không có tiền để đền bù. Vừa qua, nghị quyết trung ương và thể chế trong luật, ta thực hiện chủ yếu Nhà nước thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch mà cụ thể là kế hoạch sử dụng đất hằng năm, thẩm quyền không còn là UBND mà phải qua HĐND. Kế hoạch phải làm chi tiết hằng năm, phải qua HĐND để tránh thu hồi đất tràn lan. Dự án đó được đưa ra HĐND, họ sẽ đánh giá xem dự án đó có thiết thực không? Và họ chính là những người quyết định có biểu quyết thông qua hay không? Đây rõ ràng là có một bước tiến về sự giám sát của cơ quan quyền lực được thể hiện trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

    Nhà đầu tư phải có năng lực tài chính (qua kiểm toán); phải có cam kết, không triển khai dự án thì sẽ thu lại đất; các dự án trước đó phải làm đúng quy định pháp luật, nếu anh sai, chậm, bỏ hoang thì không giao dự án mới.

    - Nhưng, người dân băn khoăn về việc xử lý với những sai phạm của các chủ đầu tư, thưa ông?

    - Bộ đã làm việc với các địa phương, nếu các dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư thì giám sát lại, không triển khai được thì hủy bỏ, trả lại đất cho dân. Còn dự án đã triển khai rồi mà quá thời hạn, không có lý do chính đáng thì phải thu hồi đất. Đất đó thu hồi lại có chủ đầu tư khác thì giao cho người ta hoặc giao lại cho dân… Như ở TP Hồ Chí Minh, họ đã đưa ra tiêu chí để thu hồi; Hà Nội cũng đang đề nghị Bộ để làm việc này.

    - Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không làm tốt khâu quy hoạch, giám sát hoạt động của các dự án… thì câu chuyện “dự án treo” vẫn còn “đất diễn”? Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

    - Về thu hồi, xử lý đất "dự án treo", trước chúng ta quy định phải có lý do, lần này xác định rõ, đối với dự án chỉ giao đất sau 3 năm không thực hiện thì đương nhiên hủy bỏ dự án. Với dự án đã giao đất cho chủ đầu tư, nếu sau 12 tháng chưa triển khai cũng sẽ thu hồi; nếu triển khai rồi cho 24 tháng nhưng chỉ gia hạn 1 lần, tối đa cũng chỉ 24 tháng, lúc đó thu hồi sẽ không có bồi hoàn. Nếu cứ cố tình chây ỳ, giữ dự án lại thì phải xử lý. Những vấn đề này được quy định rất rõ trong Dự thảo Luật.

    Giá đất cần có sự quản lý của Nhà nước!

    - Mặc dù trong dự thảo đã nêu rất rõ về phương pháp định giá đất, vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất… nhưng người dân vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của nó? Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

    - Quả thật đây là vấn đề hết sức phức tạp! Bởi lẽ, tại Việt Nam, các thị trường ngầm rất nhiều! Làm thế nào để xác định được giá một cách chính xác, minh bạch? Hiện tại theo tôi, giá đất vẫn phải có sự quản lý của Nhà nước. Không thể có chuyện, giá lên Nhà nước lại… “chạy theo” để tính toán phương án đền bù.

    - Vậy theo ông, chúng ta phải tiếp cận, nhìn nhận giá đất như thế nào để giá đất vừa đem lại lợi ích cho người dân cũng như Nhà nước?

    - Theo Luật Đất đai 2003, bảng giá đất áp dụng cho tất cả các mục đích, thuế, phí… Nhưng khi thực hiện vài năm thấy nó không ổn vì thuế quá thấp nên bồi thường cho người dân thấp, dân không chịu. Ta tách ra cái gì liên quan đến thuế, phí thì cho sử dụng bảng giá. Còn cho thuê, bồi thường thì áp dụng cụ thể, cho phép vượt khung, không theo bảng giá nữa. Luật đưa 2 phương án, thứ nhất, vẫn sử dụng bảng giá nhưng thường xuyên cập nhật khi có biến động. Phương án này tiện khi sử dụng cứ theo bảng giá, nhưng khó là ta có cập nhật được thường xuyên hay không? nếu điều chỉnh cao quá, không giảm thuế suất thì những người thực hiện nghĩa vụ tài chính lại phải nộp cao. Cái này có thể xử lý, nếu nơi nào chưa có bảng giá thì áp dụng cụ thể với từng thửa đất... Phương án thứ hai (nhiều quốc gia đang thực hiện) là đối với thuế, lệ phí là cho ổn định 5 năm, thu của Nhà nước thì Nhà nước phải chịu thiệt, còn cái người dân yêu cầu thì phải áp dụng khung giá cụ thể. Nhà nước chịu thiệt một tý nhưng người dân đỡ thiệt thòi. Quyền lợi của dân thì áp dụng giá đất cụ thể trong một số trường hợp.

    - Thưa thứ trưởng, cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta nên thực hiện việc đấu thầu giá đất. Liệu đây có là phương án khả thi?

    - Muốn đấu thầu được giá đất thì phải có "đất sạch", phải quy hoạch cho tốt. Đấu giá mà đất không có giá trị gì thì không ai mua, không ai đấu giá cả. Cho nên, các địa phương phải dành "quỹ đất vàng" ra cho các khu công nghiệp, các dự án... Lâu nay, có bao nhiêu đất trên mặt đường đẹp, bãi biển đẹp... thường "nhường" cho công sở; đất xấu mà đòi đấu giá, thu hút đầu tư thì e là không ổn. Chúng tôi cũng rất mong người dân, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến để Ban soạn thảo từng bước hoàn thiện trình Quốc hội trong thời gian tới.

    - Xin cảm ơn Thứ trưởng!
    Theo QĐND
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê