• Ga C9 không ảnh hưởng đến cảnh quan Hồ Gươm và vùng phụ cận

    Trong những ngày qua, việc kiến nghị của Sở QH - KT về địa điểm quy hoạch ga C9 trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội được UBND TP Hà Nội chấp thuận đã thu hút sự chú ý của người dân, bởi đây là một vị trí "nhạy cảm", liên quan đến Hồ Gươm..
    Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở xung quanh vấn đề này

    Một phần trụ sở Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là khu vực quy hoạch ga C9.

    Dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến công trình ga C9 thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Thậm chí có ý kiến lo lắng sẽ lại có một công trình làm xấu, ảnh hưởng đến cảnh quan Hồ Gươm như "hàm cá mập" hay công trình khách sạn "Hà Nội vàng" đã bị phản đối kịch liệt trước đây?

    - Công trình "hàm cá mập" ảnh hưởng đến cảnh quan Hồ Gươm vì tổng thể công trình là xấu, chưa kể trước kia còn màu kính đen nặng nề. Công trình Bưu điện Hà Nội tuy không cao nhưng to bè, như một khối tường thành. Hay đến cả công trình Tràng Tiền Plaza cũng có những ý kiến đánh giá cho rằng chỉ là "hậu duệ kém cỏi" của công trình trước đây. Tất cả các công trình đó đều là công trình nổi, chiếm lĩnh không gian trên mặt đất. Còn ga C9 là công trình ngầm.

    Ga C9 có chiều dài khoảng 150m nằm sâu khoảng 15 - 20m. Có một số hạng mục, công trình phụ trợ nổi là tháp làm lạnh, cửa lên xuống, giếng thông gió. Đây là những hạng mục cơ bản của ga ngầm nhưng sẽ được đặt ở các ô đất lân cận với vị trí lùi sâu vào bên trong các khu đất của các cơ quan. Cụ thể là sẽ phải cắt một miếng đất của Tổng Công ty Điện lực. Một số cơ quan của TP ở trong khu vực này cũng sẽ phải dành đất cho các hạng mục trên. Chỉ có duy nhất hạng mục cửa lên xuống là đặt trong khu vực Hồ Gươm. Tháp làm lạnh, ống thông hơi, thường có diện tích khoảng 2 - 3m2, chiều cao 3 - 4m. Khi đẩy các hạng mục này ra xa nhằm bảo vệ cảnh quan, kiến trúc khu vực Hồ Gươm, kinh phí sẽ tốn kém hơn, khoảng gấp rưỡi, vì phải làm đường dẫn.

    Ga C9 của tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ đặt trên phố Đinh Tiên Hoàng.

    Đã có những câu hỏi đặt ra, đây là nơi tập trung đông người, đặt ga ở đây có hợp lý không?. Về khía cạnh tâm linh cũng có ý kiến băn khoăn. Vào lúc lễ hội, bắn pháo hoa ngày Tết, không có phương tiện cơ giới được đi vào khu vực này. Vậy thì người dân đi đến đây bằng cách nào? Gửi xe ở các phố xung quanh rồi bị "chặt chém" vô tội vạ. Nếu có đường sắt đô thị, người dân ở nhiều địa điểm trong thành phố có thể đến khu vực trung tâm Hồ Gươm một cách nhanh chóng, thuận tiện. Về khai thác du lịch, khách quốc tế có thể ở Mỹ Đình hay đâu đó đều có thể dễ dàng đi đến khu vực này. Phát triển du lịch, thương mại, giải trí, vui chơi… đều cần có sự thuận lợi về giao thông.

    Vậy, lối lên xuống ở ga C9 dự kiến sẽ thiết kế như thế nào, thưa ông?

    - Ga C9 sẽ có tối đa 4 cửa lên xuống và tối thiểu là 2 cửa. Để tính toán cho các vấn đề như an ninh, cửa lên xuống của ga có thể sẽ được đặt ở vị trí xa hơn rồi theo một hành lang (ngầm) dẫn vào ga đường sắt. Bề rộng của cửa lên xuống thông thường chỉ vào khoảng 3m, có nơi thiết kế vòm kính, có nơi không. Tương tự như đầu thang máy, thang bộ, tại các công trình công cộng lớn. Vì ở khu vực Hồ Gươm nên thiết kế cửa lên xuống sẽ phải được xem xét kỹ để đảm bảo về kiến trúc.

    Vị trí ga C9 đã phải qua rất nhiều vòng "sát hạch", vậy bước tiếp theo để đưa ra thiết kế cho ga C9 còn phải tiến hành những công việc gì, thưa ông?

    - Bước tiếp theo sẽ phải làm Quy hoạch tổng mặt bằng của ga ngầm cùng phương án kiến trúc để xác định cửa lên xuống của ga ngầm đặt ở vị trí nào, tháp làm lạnh chòi lên mặt đất ở chỗ nào, giếng thông gió nằm ở vị trí nào, lấy đất ở đâu. Quy hoạch tổng mặt bằng sẽ được cơ quan tư vấn của nước ngoài, chủ đầu tư dự án và các cấp, các ngành nghiên cứu chi tiết trước khi phê duyệt.

    Hướng tuyến và vị trí ga C9 đã được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

    Vậy, tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm, phố cổ có chịu tác động gì bởi tuyến đường sắt đô thị này không?

    - Đường sắt đô thị sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc hình thành tuyến phố đi bộ, làm giảm phương tiện đi vào khu vực. Hai câu chuyện này có sự hỗ trợ tương tác. Nếu như làm một tuyến xe buýt với bến đỗ ở vị trí này thì mới là tương phản.

    Có ý kiến cho rằng tại sao không đưa ga C9 ra các khu vực khác mà lại phải chọn vị trí đó?

    - Hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 2 đi qua đường Đinh Tiên Hoàng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt sau một quá trình nghiên cứu công phu của các chuyên gia Nhật Bản và trong nước, được khẳng định trong quy hoạch giao thông cũng như Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô. Phương án vị trí của ga C9 đã có được sự đồng thuận của các bộ, ngành, chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua và cả các đơn vị bị ảnh hưởng. Về vấn đề đảm bảo an ninh đã có ý kiến của Bộ Tư lệnh Thủ đô, CATP. Phương án kiến trúc của ga C9 không ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan cũng như ranh giới bảo vệ Hồ Gươm.

    Ga C9 đặt ở vị trí đó là vì hướng tuyến đường sắt đô thị đi qua khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, vấn đề đặt ga ở đâu phụ thuộc vào cấu trúc ga trên tuyến. Về góc độ xã hội, tại sao lại ga đường sắt đô thị lại phải "trốn" Hồ Gươm và khu vực phụ cận? Đây là một khu vực trung tâm của Thủ đô về hành chính, chính trị, văn hóa, du lịch, tâm linh, thương mại… cần phải có giao thông thuận tiện để khai thác và đáp ứng yêu cầu. Về cơ bản, ga C9 đặt ở đây không ảnh hưởng đến Hồ Gươm và vùng phụ cận. Không gian ngầm của đường sắt đô thị còn tạo điều kiện để dỡ bỏ công trình nhà công cộng án ngữ trên bờ hồ. Có thể đưa một số công trình thương mại xuống dưới không gian ngầm của ga. Vấn đề bế tắc hiện nay về bến bãi đỗ xe xung quanh khu vực Hồ Gươm cũng sẽ được giải quyết khi có tuyến đường sắt đô thị, một phương tiện giao thông thuận tiện cho người dân và khách du lịch.

    Xin cảm ơn ông!
    Theo KTĐT
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê