• Nhà giàu “đang khóc”

    Nếu như trước đây, giới chuyên gia luôn khuyên các nhà đầu tư lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín, có tiềm lực tài chính để mua nhà nhằm tránh rủi ro, thì nay thực tế thị trường cho thấy kể cả các “đại gia” cũng có thể khiến nhà đầu tư mất ăn mất ngủ.
    Việc Vinaconex chính thức “đánh tiếng” sẵn sàng chuyển nhượng phần vốn góp trong dự án đình đám Splendora đang khiến nhiều nhà đầu tư xôn xao. Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường khó khăn, dự án đang dính nhiều điều tiếng, việc công ty chiếm đến 50% vốn điều lệ của liên doanh muốn thoái vốn chắc chắn gây dự cảm không hay.

    Thậm chí, nhiều nhà đầu tư bi quan còn dự đoán Vinaconex thoái vốn khỏi Splendora có thể thấy dự án này sắp trở thành một “vũng lầy”. Còn nhớ cách đây vài năm, Splendora là một cái tên sáng giá tại khu vực phía Tây Hà Nội, được nhiều nhà đầu tư săn đón bởi vị trí đẹp, liên danh chủ đầu tư Vinaconex - Posco E&C (Hàn Quốc) đều là những tên tuổi lớn.

    Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai, dự án liên tục bị khách hàng phản đối vì mâu thuẫn về những vấn đề liên quan đến điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán, mập mờ tiền chênh lệch, vật liệu sử dụng trong công trình không đảm bảo... Thậm chí, khách hàng đã kéo tới trụ sở công ty biểu tình và mới đây chủ đầu tư đã phải có những động thái nhượng bộ.

    Ngoài Splendora, Vinaconex còn “dính” tới một dự án đình đám khác là Park City (Vinaconex chiếm 25% vốn điều lệ). Cũng là dự án có vốn nước ngoài và được đảm bảo bởi những tên tuổi chủ đầu tư lớn, tại thời điểm mở bán, Park City đã tạo nên cơn sốt trên thị trường BĐS, được nhà đầu tư săn đón dù giá bán của chủ đầu tư rất cao (85 triệu đồng/m2).

    Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, sắp đến hạn bàn giao nhà, nhưng hầu hết hạng mục của dự án vẫn tiếp tục “đắp chiếu”. Thậm chí, Tiểu khu 1 còn bị sụt lún. Dự án đình đám một thời lâm vào tình cảnh bỏ hoang, cỏ mọc um tùm khiến hàng trăm khách hàng như ngồi trên đống lửa, còn Vinaconex đã tháo chạy khỏi dự án từng được xem là rất màu mỡ này.

    Một chủ đầu tư đình đám khác cũng khiến nhiều khách hàng thất vọng là Sông Đà Thăng Long (SĐTL). Từng được đánh giá cao trên thị trường BĐS về tiềm lực tài chính, nhưng SĐTL đã khiến 3.000 khách hàng đứng ngồi không yên với dự án Usilk City.

    Theo cam kết, tiến độ hoàn thiện và bàn giao một số tòa nhà sẽ từ tháng 3-2012, số còn lại từ tháng 6-2013. Tuy nhiên, sau nhiều lần khởi động-tạm dừng, bơm vốn-“tái” khởi động, dự án này tiếp tục im lìm 15 tháng qua, khiến 3.000 khách hàng sống dở chết dở và buộc phải gửi đơn kêu cứu.

    Trong lá đơn kêu cứu vừa gửi tới các cơ quan chức năng, khách hàng dự án Usilk City cho biết chủ đầu tư đã ngừng thi công công trình suốt 15 tháng qua. Ngoài việc bị tố không tôn trọng những cam kết, SĐTL còn bị khách hàng đề nghị cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra những sai phạm của chủ đầu tư. Trong đó, khách hàng nghi ngờ SĐTL có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

    Dự án Splendora An Khánh - Posco.

    Cụ thể, tháng 5-2011, công ty này tiến hành thi công rầm rộ và tổ chức các đợt khuyến mại, khuyến khích khách hàng nộp 100% giá trị hợp đồng sẽ được tặng sàn thương mại. Thế nhưng, sau đợt khuyến mại để huy động vốn trên, SĐTL đã cho dừng thi công đến tận nay. Khách hàng cũng nghi ngờ chủ đầu tư có dấu hiệu sử dụng sai mục đích số tiền huy động được.

    Không chỉ Vinaconex hay SĐTL, nhiều đại gia khác cũng liên tục ngã ngựa khiến khách hàng chịu nhiều thiệt hại. Điển hình có thể kể đến Viglacera với dự án Xuân Phương gây tranh chấp đến nay vẫn chưa dứt; Kinh Đô với tòa nhà 93 Lò Đúc và những cuộc xung đột thậm chí đổ máu; Cienco 5 với dự án từng gây nhiễu loạn thị trường là Thanh Hà; HUD với những sai phạm tại khu đô thị Vân Canh… Trên thực tế, những nhà đầu tư chấp nhận bỏ tiền vào các dự án trên đều “chịu chi” và đã theo đúng lời khuyên, chọn lựa những chủ đầu tư có danh tiếng, có tiềm lực tài chính và từng có nhiều công trình uy tín.

    Tuy nhiên, sức ép của thị trường đã không chừa một ai, các “ông lớn” cũng không nằm ngoài quy luật này. Thậm chí, vì khó khăn, một số công ty phải chấp nhận ảnh hưởng tới thương hiệu, hạ bớt uy tín để giãn tiến độ dự án, chờ thời điểm kinh tế Việt Nam và thị trường BĐS bớt khó khăn. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư ngán ngẩm cho rằng, đầu tư trên thị trường BĐS Việt Nam quả thực là “may hơn khôn”.

    Ngoài yếu tố khó khăn do thị trường đóng băng, theo nhận định của CBRE, tái cơ cấu doanh nghiệp đã và đang diễn ra do các chủ đầu tư gặp vô vàn khó khăn trong việc giải quyết các khoản nợ tồn đọng và nhu cầu mua nhà hạn chế. Do vậy, một số doanh nghiệp đã chấp nhận thoái vốn khỏi lĩnh vực này, tập trung vào các hoạt động cốt lõi thay vì mạo hiểm để rồi sa lầy.

    Những năm qua những cơn sốt giá nhà và lợi nhuận trong kinh doanh BĐS quá cao đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp đã đổ xô vào đầu tư phát triển BĐS mà không có những tính toán lâu dài, thậm chí ở một số doanh nghiệp với dự án “tay không bắt giặc”. Tuy nhiên, qua giai đoạn “thanh lọc” này, thị trường BĐS mới có thể phát triển chuyên nghiệp, bền vững hơn và đi đúng hướng.
    Ông Nguyễn Trần Nam,
    Thứ trưởng Bộ Xây dựng
    Theo ĐTTC
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê