• Không có chuyện Hà Nội giao đất dễ dãi

    Ngày 3/12, bên lề kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố khóa XIV, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Vũ Văn Hậu đã trao đổi với báo giới những vấn đề liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất trên địa bàn.
    Ông đánh giá thế nào về tình trạng lãng phí trong sử dụng đất trên địa bàn Thành phố?

    Theo tình thần NQ TƯ 4, Thành phố đã kiểm điểm về nội dung này, khẳng định là có một số hạn chế yếu kém trong sử dụng đất như việc quy hoạch sử dụng đất không sát, một số nội dung chậm hướng dẫn, các dự án chậm đầu tư, còn nhiều chủ đầu tư chưa đủ năng lực, khâu hậu kiểm chưa quyết liệt... Chúng tôi đã rút kinh nghiệm vấn đề này. Thành phố đang trình Bộ Tài nguyên môi trường trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của Hà Nội đến năm 2015, trong đó rút kinh nghiệm khâu lập dự án, đồng thời đang tham vấn một số chính sách về chọn chủ đầu tư, đảm bảo chọn được đơn vị có năng lực tổ chức thực hiện và năng lực tài chính. Quan điểm của Thành phố là nếu đất được giao không đảm báo đúng luật, không đảm bảo tiến độ, đã được cảnh báo nhiều lần, thì sẽ thu hồi.

    Nhưng thực tế có nhiều chủ đầu tư là các tổng công ty lớn, năng lực tài chính tốt nhưng vẫn để lãng phí, hoang hóa đất được giao. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

    Việc này có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan thuộc về chính sách, pháp luật liên quan. Hiện nay, chúng ta đã giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tài chính, nhưng việc quy định năng lực tài chính của nhà đầu tư như thế nào thì lại chưa chặt chẽ, nên việc kiểm soát năng lực tài chính của nhà đầu tư chưa được hiệu quả.

    Ví dụ, pháp luật cho phép giao cho chủ đầu tư quyền triển khai dự án nếu họ có 20% vốn đầu tư, nhưng lại không có cơ chế để kiểm soát xem họ làm bao nhiêu dự án và các dự án này tại các địa phương nào. Trước đây, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố, đặc biệt là những nơi các doanh nghiệp triển khai dự án nhưng việc trả lời của các địa phương cũng chưa thật trách nhiệm.

    Ông Vũ Văn Hậu

    Một số doanh nghiệp phản ánh, họ phải bỏ chi phí lớn để có đất triển khai dự án nên khi có đất, họ không còn tiền để triển khai dự án. Đây có phải là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất không, thưa ông?

    Cái này chính là doanh nghiệp có sai sót. Doanh nghiệp rõ về khả năng tài chính của mình, nắm được quy định về nghĩa vụ tài chính mà vẫn cố tham gia thì doanh nghiệp phải tự trách mình trước tiên chứ không phải trách Nhà nước. Nếu nói chi phí cho một lô đất quá lớn ngoài những chi phí không chính thức thì tôi không rõ được, còn chi phí chính thức như giá đất, giải phóng mặt bằng thì đã được định rõ. Chỉ có thể là năng lực của anh quá yếu, vì các doanh nghiệp khác vẫn triển khai bình thường.

    Như vậy, việc kiểm soát năng lực của các nhà đầu tư là rất cần thiết. Theo ông, chúng ta có thể kiểm soát bằng cách nào?

    Tôi cho rằng việc kiểm toán độc lập rất là quan trọng, nếu làm được tốt sẽ giúp kiểm soát tốt hơn, không chỉ riêng đối với ngành tài nguyên môi trường, lĩnh vực đất đai mà ở tất cả các lĩnh vực khác. Nếu làm điển hình một số trường hợp thì tôi cho rằng các trường hợp khác sẽ khắc phục được.

    Tại một số dự án, đất cho công trình công cộng đang bị biến thành sân bóng, sân tennis. Việc này sẽ được Thành phố xử lý như thế nào, thưa ông?

    Vừa qua Sở TN-MT đã phối hợp với các ngành, quận, huyện kiểm tra một loạt các dự án đang triển khai. Tại một số dự án có các công trình công cộng hay một số công trình khác chưa triển khai được theo tiến độ do khả năng, đúng là có hiện tượng chủ đầu tư tận dụng đất để làm sân bóng, sân tennis nhằm tận thu, chứ việc biến các công trình công cộng thành sân bóng, sân tennis là không có. Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng này, khâu hậu kiểm, sự phối hợp giữa các ngành với quận huyện là chưa tốt.

    Vừa qua, Hà Nội kiến nghị thu hồi đến hàng triệu mét vuông đất. Theo ông, con số “khủng” này có phải bắt nguồn từ việc giao đất dễ dàng?

    Không có chuyện giao đất quá dễ dàng mà chúng ta phải khẳng định, việc khuyến khích đầu tư để phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh, thành phố là cần thiết. Nếu theo luật, một khi quy hoạch đã được duyệt, dự án đã được duyệt hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư thì không lý gì ngành tài nguyên môi trường lại không cấp đất.

    Xin ông cho biết, sắp tới, tình trạng lãng phí đất đai của Hà Nội có được khắc phục không?

    Tôi cho rằng sẽ phải khắc phục dần, còn khắc phục ngay là khó. Quan điểm của chúng tôi đầu tiên là tháo gỡ cho chủ đầu tư để đưa đất vào sử dụng hiệu quả. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng ta cũng phải thấy được cái khó của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào đó mà chúng ta cứ thu hồi cũng cần phải nghĩ đến quy định có đền bù cho họ hay không, đền bù tính toán như thế nào… thì các chính sách liên quan tới đất đai phải có chi tiết. Khi làm việc với Bộ Tài nguyên – Môi trường, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần việc ban hành nghị định thu hồi đất có vi phạm, trong đó có vi phạm do không triển khai dự án theo tiến độ, nhưng hiện nay chúng ta cũng chưa có.

    Xin cảm ơn ông!
    Theo Hà Nội Mới
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê