• Cấp phép xây dựng: Vướng nhưng… không thể từ chối

    Dù mới chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, tuy nhiên đến thời điểm này, đã nảy sinh nhiều vấn đề, vướng mắc, khó khăn khi áp dụng quy định của Nghị định 64/2012/NĐ-CP (NĐ 64) về cấp phép xây dựng (CPXD).
    Điều đáng nói, nhu cầu xin phép xây dựng của người dân không ngừng tăng nhưng các địa phương lại không thể từ chối hồ sơ xin cấp phép, dẫn đến việc CPXD hiện vẫn được thực hiện theo quy định cũ.

    Chưa thể cấp theo quy định mới

    NĐ 64 tuy được đánh giá là khá thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân (đặc biệt là quy định cấp giấy phép tạm cho khu vực vướng quy hoạch) nhưng có không ít phản hồi của các địa phương về những vấn đề khó khăn, vướng mắc.

    Nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng tại quận Ba Đình.

    Về thực tế triển khai quy định cấp phép mới, ông Lê Trọng Ngọ, Trưởng phòng Quản lý đô thị (quận Đống Đa) cho biết, người dân đến xin phép thì quận phải cấp nhưng vẫn "bám" theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về quy định cấp giấy phép xây dựng. Hiện, quận Đống Đa mới có 4 phường (trong tổng số 21 phường) có quy hoạch tỷ lệ 1/500. Vì vậy, quận căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và phân vùng kiểm soát hạn chế phát triển công trình cao tầng trong khu vực nội đô để cấp phép. Trong báo cáo kiến nghị của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND TP, Sở này cũng lo ngại việc áp dụng quy định về điều kiện cấp phép cho nhà ở riêng lẻ. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, quy hoạch tỷ lệ 1/500 vẫn chưa được phủ kín các phường, xã, nhiều quận, huyện còn chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/2000, chưa có quy chế quản lý đô thị và thiết kế đô thị nên chưa thể thực hiện theo quy định của NĐ 64. Điều này sẽ gây áp lực đối với cơ quan cấp phép do không đủ cơ sở pháp lý.

    Băn khoăn về thành phần hồ sơ, ông Lê Trọng Ngọ phân tích, theo NĐ64 có thêm bản thiết kế kết cấu, theo Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, chủ công trình phải chịu trách nhiệm là chính. Nếu chủ công trình cứ vẽ "văng mạng" sẽ khó kiểm soát. Chung quan điểm này, đại diện Sở Xây dựng cho biết, quy định này chưa phù hợp vì cơ quan CPXD không thể xem xét, chịu trách nhiệm về chất lượng xây dựng; chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn thiết kế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

    Theo ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, các quận, huyện vẫn đang chờ đợi văn bản hướng dẫn từng ngày. Với các trường hợp người dân nộp hồ sơ xin CPXD thời điểm này, quận vẫn nhận và thụ lý giải quyết theo quy trình cũ một cách bình thường.

    Đô thị lớn, khó hơn

    Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, việc ngưng hay tiếp tục CPXD cho người dân là do các địa phương quyết định. Có sự chậm trễ trong hướng dẫn theo quy định mới bởi việc cấp phép ở mỗi địa phương có những khác biệt, cần có thời gian, cân nhắc để nội dung của thông tư ban hành đi vào thực tế. Bộ Xây dựng đã làm việc với các thành phố lớn và các đô thị mang tính di sản như Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Huế... để xây dựng nội dung thông tư hướng dẫn.

    Thông tư hướng dẫn có giải quyết được các vấn đề đang khúc mắc là vấn đề mà địa phương lo lắng bởi bên cạnh những quy định chưa thực sự phù hợp thực tế, một số vấn đề phức tạp của các đô thị lớn trong nhiều năm qua mà nghị định "bỏ sót". Trong quy định về những trường hợp không được CPXD, NĐ 64 không quy định trường hợp mặt bằng khu đất còn lại sau giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch (có diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ nhỏ hơn 3m). Theo "tiên liệu" của cơ quan quản lý tại địa phương, điều này sẽ dẫn tới sự bùng phát của các căn nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến phố, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

    Quy định tại NĐ 64 về thành phần hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép cũng kém phần chặt chẽ so với quy định trước đây khi không yêu cầu, đối với công trình đã xây dựng phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng xác nhận bằng văn bản việc chủ đầu tư xây dựng đúng theo giấy phép xây dựng tại thời điểm xin điều chỉnh giấy phép. Chiểu theo quy định về thẩm quyền, việc phân cấp cho UBND thị xã Sơn Tây cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở trong khu vực di tích làng cổ Đường Lâm như kế hoạch mà Sở Xây dựng Hà Nội đang báo cáo Thành phố sẽ phải dừng lại. Và cơ quan cấp Giấy phép xây dựng của Hà Nội sẽ lại tiếp tục loay hoay trong câu chuyện quản lý trật tự xây dựng tại một làng Việt cổ - Đường Lâm, một di tích "sống".
    Theo KTĐT
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê