• "Kiện tụng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ"

    Thời gian gần đây, liên tục các dự án bất động sản (BĐS) khắp cả nước nổi lên sóng gió xung quanh việc bàn giao căn hộ giữa chủ đầu tư và khách hàng. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh.
    Thị trường nhà đất đóng băng trong thời gian dài, rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng mua nhà tại các dự án bất động sản ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh như "ngồi trên đống lửa" khi các chủ dự án cố tình giãn tiến độ thi công, chậm bàn giao nhà... Ông có nhận định gì về thực tế này?.

    Chúng ta không thể phủ nhận thực tế một số chủ đầu tư cố tình dãn tiến độ thi công, chây ì không chịu bàn giao nhà khiến khách hàng "khóc dở mếu dở" trong thời gian qua. Rõ ràng khách hàng là người chịu thiệt thòi khi tiền bị "om" mà không có nhà để ở. Việc họ đấu tranh, gây sức ép với chủ đầu tư đòi quyền lợi chính đáng là hoàn toàn đúng.

    Ông Lê Hoàng Châu.

    Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thông cảm cho cả phía doanh nghiệp. Ngoài một số chủ đầu tư tìm cách giở quẻ, cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Giai đoạn này, ai cũng biết, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng đóng băng, tính thanh khoản thấp xuống mức báo động, việc chủ đầu tư không đủ điều kiện hoàn thiện dự án cũng là điều dễ hiểu. Thiết nghĩ, để tháo gỡ mâu thuẫn này, cách tốt nhất là đối thoại, hỗ trợ, hợp tác tháo dỡ dần để dự án triển khai đúng chất lượng và bàn giao sớm nhất.

    Thực tế, nhiều chủ đầu tư chưa đủ điều kiện nhận góp vốn, năng lực tài chính yếu kém đã đua nhau làm dự án để huy động vốn của người dân. Ông nhận định gì trước hiện tượng này?.

    Đó là thủ thuật lợi dụng những kẽ hở trong hoạt động huy động góp vốn để trục lợi. Khi thị trường BĐS còn ở thời kỳ hoàng kim, không loại trừ một số chủ đầu tư đua nhau làm dự án trong khi năng lực tài chính yếu kém, còn khách hàng vì mong muốn có nhà mà đặt hết niềm tin vào chủ đầu tư, bất chấp rủi ro. Chiêu thức này được hợp thức hóa bằng việc ký kết "Hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở" với những công đoạn góp vốn san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật... và góp vốn xây nhà. Một số chủ đầu tư chưa đủ điều kiện nhận góp vốn đã "lách luật" huy động là trái phép. Hậu quả pháp lý phát sinh từ những hợp đồng huy động vốn được ký kết sơ sài thường rất bất lợi cho người mua nếu đưa ra giải quyết trước pháp luật.

    Vậy, với những chủ đầu tư vi phạm, sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

    Trường hợp chủ đầu tư vi phạm, khách hàng có thể khởi kiện ra Tòa nhưng họ cũng rơi vào thế khó khi làm hợp đồng hai bên có những điều khoản rõ ràng. Theo Luật không có chuyện góp vốn như thế bởi góp vốn là phải có lãi, nhưng thực tế khách hàng lại chẳng có một quyền gì, không nhận được một xu tiền lãi, thậm chí còn bị vỡ nợ. Theo Luật Dân sự, tiền ứng trước của người mua nhà theo hình thức đặt cọc, trường hợp khách hàng không thực hiện đúng cam kết sẽ mất số tiền đó. Ngược lại, chủ đầu tư không thực hiện đúng sẽ phải bồi hoàn số tiền tương ứng.

    Liệu rằng Luật Kinh doanh bất động sản đã bộc lộ những kẽ hở để chủ đầu tư "lợi dụng", thưa ông?.

    Rõ ràng đã bộc lộ những khiếm khuyết về mặt pháp lý xung quanh các hình thức huy động vốn của chủ đầu tư. Theo lẽ thường,, trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết mà không có lý do chính đáng được khách hàng thừa nhận thì chủ đầu tư phải chịu phạt. Không những thế, họ phải trả lãi suất theo tỷ lệ lãi suất ngân hàng cho những khoản vốn do người mua nhà đóng góp. Thế nhưng, trên thực tế, không hợp đồng góp vốn nào có điều khoản này. Điều này, vô hình trung đã tạo điều kiện làm nảy sinh những cách thức huy động vốn tùy tiện, bát nháo như hiện nay.

    Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông, Bộ Xây dựng cần có những giải pháp gì để giải quyết những khúc mắc này, thưa ông?.

    Theo tôi, trước mắt, Chính phủ, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành quy định để "vá" những kẽ hở trong hoạt động trên, đảm bảo quyền lợi cho cả chủ đầu tư và khách hàng.

    Thời gian qua, nhiều khách hàng tập trung nhau lại, lập hội "Những nạn nhân của thị trường bất động sản" để đấu tranh. Theo ông, đây có phải là hình thức hợp lý không?.

    Việc khách hàng thành lập cộng đồng người mua để đấu tranh nếu vì mục tiêu chính đáng, tuân thủ đúng luật phát thì nên hoan nghênh. Hội này sẽ đoàn kết khách hàng lại, tạo nên sức mạnh để đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Theo tôi, tình huống kiện tụng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng nếu chủ đầu tư thiếu thiện chí hợp tác.

    Xin cảm ơn ông!
    Theo Người đưa tin
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê