• Đại gia ngập nợ: Mắc kẹt nhà đất, dự án trái ngành

    Sự bùng nổ tín dụng và bất động sản trong những năm vừa qua đã khiến không ít các đại gia đã bắt tay với các ngân hàng để vay vốn kiếm tiền một cách nhanh chóng.
    Ôm đất, ôm dự án

    Trường hợp của Bianfishco, cho tới thời điểm đầu năm 2012 doanh nghiệp này bị phanh phui các khoản nợ lên tới gần 1.600 tỷ đồng (trong đó có hàng trăm tỷ đồng nợ người nông dân bán cá) thì nhiều người mới giật mình không biết tại sao một doanh nghiệp lớn và vốn vẫn làm ăn tốt và hoạt động trong một lĩnh vực trụ cột của Việt Nam như vậy lại không có khả năng thanh toán tiền cá cho người nông dân.

    Để trả lời cho câu hỏi này xin hãy xem lại quá trình trả nợ và được giải cứu của Bianfishco.

    Trong một động thái mới nhất, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) - một doanh nghiệp bất động sản, đã đồng ý bơm 500 tỷ đồng vào Bianfishco như một khoản đầu tư để khôi phục sản xuất tại doanh nghiệp này.

    Một câu hỏi được đặt ra là tại sao NTB lại bơm vốn vào Bianfishco trong khi tình hình tài chính của NTB khá căng thẳng với số dư tiền mặt đến cuối quý I/2012 chỉ còn hơn 600 triệu và bản thân công ty mẹ đang đi vay nợ gần 1.000 tỷ đồng?

    Trước hết, Bianfishco là một doanh nghiệp thủy sản nổi tiếng, đứng vào hàng đầu tại Việt Nam và thương hiệu của đơn vị này cũng đã được định vị trên thị trường quốc tế, trong đó có Mỹ. Bianfishco được các cơ quan quản lý và thị trường của Mỹ chấp nhận là một thương hiệu thủy sản đạt tiêu chuẩn và được hưởng thuế 0%.

    Việc đầu tư vào Bianfishco có thể nói là đầu tư vào một thương hiệu mạnh. Hơn thế, hướng mở rộng sang nông thủy sản đang được đánh giá là khôn ngoan trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, chẳng hạn như áp dụng lãi suất cho vay thấp...

    Tuy nhiên, một điều mà nhiều người cũng có thể nhìn thấy rõ ràng ở Bianfishco và gia đình bà Diệu Hiền là tài sản nằm ở bất động sản khá nhiều như một số dự án bất động sản ở TP.HCM, các lô biệt thự ở Cần Thơ, vài chục lô đất, khu dân cư Bình An và khu du lịch Bình An rộng hơn 10ha ở Sóc Trăng, nhà máy thủy sản...

    Mặc dù chưa thể xác định được tổng giá trị của các bất động sản này là bao nhiêu nhưng có thể thấy đó là các tài sản được đem đi thế chấp để vay ngân hàng.

    Thông thường, nếu không có gì mờ ám, thì số tiền vay nợ các tổ chức tín dụng thấp hơn khá nhiều so với giá trị thật của tài sản. Ngay từ đầu, tài sản của doanh nghiệp đã được định giá thấp hơn thực tế và số tiền vay được cũng chỉ khoảng 70% giá trị đánh giá đó.

    Ông Trần Văn Trí - Tổng giám đốc Bianfishco và là chồng bà Diệu Hiền cho biết, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp đã được xác định trên 2.000 tỷ đồng. Như vậy, dường như vấn đề chính của Bianfishco là ở chỗ cơ cấu tài chính mất cân đối. Tiền mặt không có để duy trì sản xuất.


    Trường hợp của CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV) chưa đến mức bị kiện ra tòa hoặc phải cầu cứu tới Bộ Tài chính nhưng cũng khá bi đát khi mà Chủ tịch HĐQT của THV đã và đang phải đám phán với hàng loạt ngân hàng để chuyển hàng trăm tỷ đồng từ vay ngắn hạn sang dài hạn để tránh nguy cơ phá sản.

    Không thực sự dính vào bất động sản, nhưng THV lại vướng vào vấn đề đầu tư dàn trải với hàng chục dự án cà phê, diện tích lên tới hàng ngàn ha trên khắp cả nước. Tiền vay ngắn hạn được doanh nghiệp tung vào các dự án dài hạn, quy mô lớn. Hoạt động kinh doanh sinh lời chậm và lãi suất ngân hàng cao khiến tập đoàn này ngày càng lún sâu vào nợ nần chồng chất.

    Ở hoàn cảnh tương tự, đại gia HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng đang ôm khoản nợ phải trả lên tới trên 15.000 tỷ đồng, trong đó nợ các tổ chức tín dụng và ngân hàng là 11.628 tỷ đồng.

    Nếu trừ đi 2.300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của tập đoàn Temasek Holdings (Singapore), thì số nợ của HAG vẫn là rất lớn, tương đương vốn của một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu của Việt Nam.

    Tham vọng sụp đổ

    Trên thực tế, để có thể phát triển nhanh và đột phá thì việc vay vốn ngân hàng là một điều rất cần thiết. Doanh nghiệp vay vốn để mở rộng quy mô, để phát triển sang các lĩnh vực có mức độ sinh lời cao hơn, hoặc để thay thế dần cho ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp vốn đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại...

    Mặc dù vậy, vấn đề nằm ở chỗ nếu doanh nghiệp không tính toán và quản lý vốn vay chặt chẽ thì rủi ro là rất cao. Càng doanh nghiệp lớn thì nợ sẽ càng nhiều và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế càng dữ dội.

    Trong trường hợp của Bianfishco, từ vị thế của một doanh nghiệp hàng đầu có uy tín không chỉ ở trong nước mà còn cả quốc tế, doanh nghiệp này đã trở con nợ và mang tiếng với cả người nông dân nuôi cá bán cho mình.

    Sự việc đã sắp đến hồi kết khi mà Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính đã mua lại các khoản nợ của Bianfishco, đồng thời NTB bơm 500 tỷ vào để lấy vốn cho hoạt động sản xuất. Cái tên Bianfishco may mắn là vẫn còn nhưng về bản chất bên trong thì đã có nhiều thay đổi.

    Còn trường hợp của THV, cuối năm 2011, doanh nghiệp này đã phải bán dự án tại Điện Biên (TH Mường Ân) cho CTCP Vận tải biển và Thương mại Hàng Hải. Cổ phiếu THV vẫn trên đà giảm sàn (giá chốt ngày 18/5 chỉ còn 2.400 đồng/cp) cho dùy THV đang tính phương án bán hơn 42 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược với giá 6.000 đồng/cp.

    Với đại gia HAG, cho dù vẫn có nhiều chuyên gia và tổ chức đánh giá cao chiến lược đầu tư của HAG, nhưng trên thực tế không ít nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính hiện nay của tập đoàn này. Doanh thu từ cao su, thủy điện và khoáng sản của HAG trong tương lai là rất lớn. Nhưng điều mà họ lo ngại nhất là lợi nhuận của HAG đang giảm rất mạnh và nước xa có cứu được lửa gần? Những tin đồn về phá sản, về nợ nần gần đây có thể sẽ ảnh hưởng tới uy tín cũng như khả năng vay vốn trong tương lai của doanh nghiệp này.

    Một thời gian dài, vay vốn và kiếm tiền dễ dàng đã khiến các doanh nghiệp nối đuôi nhau lãng quên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ chính để dồn tiền sang các lĩnh vực kiếm tiền nhanh nhất hoặc/và mở rộng lĩnh vực hoạt động, đầu tư dàn trải nhiều ngành nghề. Cũng khó có thể trách DN khi họ tham vọng mở rộng và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, khi tgham vọng dựa trên nguồn vốn vay và sử dụng một cách không hợp lý thì rất dễ sụp đổ.
    Theo VEF
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê