• Giải tỏa ‘điểm nóng’ tại Dự án Ecopark

    Sau 8 năm thuyết phục, một số người dân vùng Dự án Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) vẫn không chịu giao đất cho chủ đầu tư, buộc chính quyền địa phương phải tiến hành cưỡng chế…

    Hôm qua (ngày 24/4), UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hỗ trợ thi công, cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) giao đất để thực hiện Dự án Khu đô thị - Thương mại - Du lịch Văn Giang (Dự án Ecopark). Đây là động thái cứng rắn của chính quyền địa phương và là dấu chấm hết của việc giằng co khiếu kiện kéo dài suốt 8 năm qua của một bộ phận người dân trong vùng Dự án, khi họ không đồng ý với chủ trương thu hồi đất.

    Nhà đầu tư “mắc kẹt” giữa núi đơn kiện

    Tại Văn bản số 1495/CP-NN ngày 31/10/2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép và giao Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư, thực hiện Dự án Ecopark. Ngày 30/6/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện Dự án Ecopark và xây dựng đường bộ từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên, theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Mục tiêu của Dự án là nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương khi ngân sách còn hạn hẹp, chưa đủ điều kiện thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng có mức đầu tư lớn, đồng thời xây dựng một khu đô thị hiện đại, tạo đồng lực phát triển kinh tế cho tỉnh.

    Theo đó, Vihajico được cấp 499,07 ha đất thuộc các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao (huyện Văn Giang) để thực hiện Dự án. Đổi lại, Vihajico thực hiện Dự án Đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, với mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

    Theo báo cáo của Vihajico, đến thời điểm hiện tại, Hưng Yên đã bàn giao thực địa đợt I cho chủ đầu tư 57,9 ha đất đô thị và 7,32 ha đất làm đường liên tỉnh. Đã có 3.852/4.876 hộ dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ GPMB, chỉ còn 1.024 hộ chưa nhận tiền đền bù, chiếm 21%. Vihajico đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 12,5 km và 2 km còn lại (mắc khâu GPMB) phấn đấu đến ngày 30/6/2012 sẽ đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư giai đoạn I của Dự án Đường giao thông là 442 tỷ đồng. Giai đoạn II, Vihajico sẽ xây cầu Bắc Hưng Hải, với tổng mức đầu tư 1.050 tỷ đồng, để bàn giao cho tỉnh.

    Ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ đền bù GPMB theo quy định của pháp luật, các hộ dân trong vùng Dự án còn được hỗ trợ gạo, tiền. Đặc biệt, UBND tỉnh đã giao đất dịch vụ liền kề để giải quyết việc làm, từng bước giúp người dân chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang làm thương mại, dịch vụ. Vihajico đã hỗ trợ lập dự án, thiết kế, san nền cho cả 3 xã, với chi phí tại thời điểm năm 2011 khoảng 180 tỷ đồng. Riêng xã Xuân Quan đã bốc thăm chia đất dịch vụ cho 622 hộ, với diện tích 7,8 ha. Ngoài ra, Vihajico đã áp dụng nhiều chính sách “vượt khung” để hỗ trợ người dân vùng dự án, như áp dụng mức giá đất cao nhất trên địa bàn tỉnh là 135.000 đồng/m2 nếu giao đất đúng hẹn (trước năm 2008); hỗ trợ 6 triệu đồng/sào đối với hộ dân ký bàn giao mặt bằng và hỗ trợ 1 triệu đồng/sào/năm trong 5 – 10 năm, tùy diện tích đất, đối với các hộ dân bị mất đất nông nghiệp (năm 2011); hỗ trợ 30 tỷ đồng lập Quỹ Hỗ trợ người dân đã hết tuổi lao động, thực hiện các biện pháp giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất…

    Những đề nghị “không giống ai”

    “Dự án được thực hiện vào thời điểm chuyển giao của Luật Đất đai 1993 và 2003, vị trí Dự án ở khu vực tiếp giáp với Hà Nội - nơi có mức đền bù rất cao, việc tuyên truyền vận động quần chúng còn hạn chế, việc giải quyết khiếu nại tố cáo chưa kịp thời, nên thời gian đầu, một số người dân vùng Dựï án chưa đồng thuận, khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Một số nhóm đối tượng cầm đầu, chống đối, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận quần chúng để lôi kéo, kích động, gây khó khăn cho việc triển khai Dự án”, ông Thanh nói.

    Từ tháng 9/2006 đến 12/2006, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc thực hiện Dự án Ecopark; ngày 26/1/2007 đã có kết luận về vụ việc và ngày 20/5/2010, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 127/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xử lý sau thanh tra đối với Dự án Ecopark.

    Tuy nhiên, sau khi có hai văn bản trên, người dân thuộc 3 xã vùng Dự án tiếp tục tổ chức nhiều đoàn khiếu kiện tại trụ sở các cơ quan Trung ương và địa phương.

    Ông Thanh cho biết, nội dung khiếu kiện tập trung vào các vấn đề như: đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét lại Quyết định 742/QĐ-TTg của Thủ tướng, bởi công dân cho rằng, con dấu và chữ ký của Quyết định này có khả năng là giả mạo; người dân không đồng ý với Thông báo số 127/TB-VPCP; đề nghị giảm quy mô Dự án Ecopark; các văn bản như Quyết định 742/QĐ-TTg, Thông báo số 127/TB-VPCP, các Quyết định số 2549/QĐUB và 2550/QĐUB ngày 21/10/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên là trái luật; công dân xã Xuân Quan đề nghị chia 177 mẫu đất công điền cho dân…

    Kiên quyết xử lý “điểm nóng Xuân Quan”

    Xã Xuân Quan có diện tích đất thu hồi là 129,25 ha của 1.720 hộ dân. Đến nay, đã có 1.554 hộ dân nhận tiền, chiếm 95,5% tổng số hộ có đất thu hồi để thực hiện Dự án. Còn lại 166 hộ, với diện tích 5,8 ha, chiếm 4,5% tổng số hộ không nhận tiền hỗ trợ, sẽ phải thực hiện cưỡng chế đợt này.

    Mới đây nhất, ngày 11/4/2012, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 136/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Hưng Yên. Theo đó, việc khiếu nại, tố cáo của một số công dân huyện Văn Giang đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đều thống nhất cao về chủ trương, biện pháp giải quyết vụ việc trên…

    “Đối với những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo xâm phạm lợi ích nhà nước, gây rối trật tự công cộng, sau khi đã giáo dục, thuyết phục mà vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trường hợp phải tổ chức cưỡng chế, các cơ quan có thẩm quyền phải có phương án chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, văn bản nêu rõ.

    Trong nỗ lực để giải quyết vụ việc một cách êm đẹp, ngày 12/4/2012, Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với 166 hộ dân nằm trong diện cưỡng chế. Buổi đối thoại bất thành do đại diện các hộ dân phản đối quyết liệt, đòi mời tất cả các hộ dân bị thu hồi thuộc 3 xã đến dự.

    Việc cưỡng chế, GPMB với 166 hộ dân tại xã Xuân Quan là việc làm “cực chẳng đã”, sau 8 năm đằng đẵng giải thích, thuyết phục, nhượng bộ của cả chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của chính quyền địa phương sau khi cam kết với chủ đầu tư và thái độ cứng rắn với những yêu sách phi lý của một bộ phận người dân quá khích.
    Đối với chủ đầu tư, sau 8 năm chờ đợi thì việc nhận đất, dù không mấy vui vẻ, song đã có thể thở phào nhẹ nhõm, vì đã được giải phóng khỏi sự giằng co kéo dài, nhận về phần đất thuộc về mình để triển khai Dự án.

    Theo Báo Đầu Tư
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê