• Nhà đất phát mãi tăng mạnh

    Lượng nhà đất đăng ký bán theo diện phát mãi đang tràn ngập ở các trung tâm môi giới với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, tuy nhiên không được mặn mà chào đón vì khách sợ rủi ro.
    Anh Trần Trung Dũng, Giám đốc một sàn bất động sản ở khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ, 65% số chung cư, đất thổ cư và liền kề đăng ký giao dịch tại sàn của anh đều là do các ngân hàng ký gửi. Số lượng địa ốc phát mãi cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ tài sản số đông là do khách hàng bị kẹt tiền từ đợt lướt sóng hồi năm ngoái.

    "Các trường hợp cầm cố nhà chính chủ, giấy sở hữu đầy đủ, song ít khách mua vì thị trường trầm lắng. Ngoài ra, tâm lý khách hàng ngại mua tài sản phát mãi sợ dớp", anh Dũng cho hay.

    Địa ốc phát mãi thường có giá rẻ hơn thị trường từ 2 đến 8 triệu đồng.

    Anh Chu Tuấn, đơn vị phân phối tài sản phát mãi của một ngân hàng cho biết, đang rao bán 6 lô đất và một nhà thổ cư ngân hàng phát mãi ở khu vực Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàng Mai với giá dao động từ 8 đến 36 triệu đồng mỗi m2. Hầu hết giá phát ra đều rẻ hơn so với thị trường 2-8 triệu mỗi m2 tùy khu vực. Cụ thể, mảnh ở khu vực Cổ Loa, Đông Anh diện tích gần 500 m2, cách quốc lộ 3 khoảng 150 m, có hai mặt tiền, ôtô vào tận nơi, sổ đỏ đầy đủ thì giá phát mãi là 10 triệu đồng mỗi m2. Trong khi đó giá thị trường lên tới 18 triệu đồng.

    Tương tự, đất xã Kim Lan (Gia Lâm) 8 triệu đồng, còn khu Biên Giang (Hà Đông) khoảng 36 triệu đồng mỗi m2. Các khu vực như Phố Huế, Hoàng Mai giá lần lượt là 29 và 47 triệu đồng.

    Theo anh Tuấn, giá cả của lô đất vẫn đàm phán được, giảm tối đa khoảng 500.000 đồng mỗi m2. "Khách hàng giao dịch trực tiếp với ngân hàng, các thủ tục giấy tờ nhà đất ngân hàng sẽ lo. Trước tiên, đặt cọc 30%, 10 ngày sau đó đóng nốt 70% còn lại", anh Tuấn tiết lộ.

    Anh Nguyễn Văn Đức, nhân viên kinh doanh Công ty cổ phần Sozo cũng rao bán 3 lô đất phát mãi từ ngân hàng VIB ở Đông Anh giá 14 triệu đồng mỗi m2. Theo anh Đức, thông thường, giá bất động sản do ngân hàng phát mãi thường rẻ hơn nhiều so với thị trường. Bởi khi thẩm định, ngân hàng chỉ đưa ra giá bằng 70% giá thị trường sau đó chỉ cho vay khoảng 70% mức thẩm định nên khi phát mãi cũng không thể "trên trời".

    Thị trường ế ẩm song anh Đức cho hay, ngân hàng đua phát mãi địa ốc giá rẻ song giao dịch rất chậm. Anh Đức cho hay, thời điểm năm ngoái, địa ốc phát mãi bán "nhanh như bay", một tháng có thể đẩy được 8-9 lô song nay thị trường rất chậm. Tiêu chí chọn hàng của khách cũng không dễ tính như xưa, hỏi nhiều nhưng mua ít. Dù thế, những lô đất có giá 400-800 triệu đồng vẫn có khách hàng quan tâm. Do đó, anh Đức chỉ dám nhận bán giúp ngân hàng những lô đất có diện tích nhỏ khoảng trên dưới 50 m2.

    Thậm chí những cá nhân thế chấp ở ngân hàng cũng ký gửi địa ốc nhờ anh Đức bán. Những khách hàng này đều rơi vào tình thế buộc phải bán do sắp đến kỳ đáo hạn khoản vay. "Tuy nhiên, người có tài sản thế chấp vẫn đưa ra giá cao hơn ngân hàng để có thể vớt vát phần nào lợi nhuận và bù đắp cho khoản vay", anh Đức nói.

    Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, địa ốc phát mãi trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay sẽ rất khó bán. Do đó, mấu chốt vấn đề là ngân hàng phải hạ giá bán để những người có nhu cầu thực tiếp cận được nhà ở. "Địa ốc phát mãi cũng nằm trong bối cảnh ảm đạm chung nên sớm nhất vào cuối năm nay, thị trường chuyển biến thì mới bán hàng dễ dàng", ông Võ nói.

    Giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội nhận định, phát mãi tài sản bằng bất động sản gia tăng trong vài năm gần đây là chuyện bình thường, nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm và các ngân hàng đang tập trung xử lý nợ xấu. Ông cũng tiết lộ, tại Việt Nam, thủ tục phát mãi khá phức tạp mà chính bản thân ông cũng không nắm hết.

    "Có thể phát mãi nhiều lần trong trường hợp không bán được hàng. Tuy nhiên phải chờ chính quyền, kê biên, rồi qua tòa án... Để đấu giá thành công tài sản phát mại, nhanh nhất cũng mất vài tháng, chậm có khi cả vài năm", ông nói.

    Còn giám đốc một nhà băng cỡ vừa khác thì chia sẻ, có nhiều lý do để các ngân hàng công khai phát mại tài sản của khách vay như con nợ không hợp tác với ngân hàng, hoặc chính các ngân hàng nhận thấy khách hàng không có khả năng trả nợ. Khi phát mãi tài sản, chỉ người đi vay là chịu thiệt thòi bởi có nhiều bất động sản, năm trước có giá 10 tỷ đồng, thì năm nay chỉ còn một nửa.

    Luật sư Trịnh Cẩm Bình- Công ty Luật Biển đông cho biết, nhà đất bán theo hình thức phát mãi có giá rẻ, nên được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, người mua có khả năng gặp phải rủi ro tương đối cao vì những tài sản phát mãi giữa ngân hàng và người đi vay thường có tranh chấp: Người sở hữu tài sản cho rằng ngân hàng bán tài sản không đúng quy định vì trên nguyên tắc, tài sản phát mãi cần phải qua đấu giá của một công ty đấu giá, và có nhiều thủ tục phức tạp."Thời gian vừa qua, có khá nhiều tranh chấp liên quan đến tài sản phát mãi. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho thị trường bất động sản phát mãi giá rẻ mà vẫn khá ảm đạm", bà Bình nói.
    Theo VnExpress
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê