• Chung cư cao cấp: Bỏ tiền tỷ mua khổ vào người

    Cư dân sống tại nhiều toà nhà cao cấp lại thường phải đối phó với những kiện cáo, gây khó của chủ đầu tư…
    Chủ đầu tư hay chủ... nợ?

    Những băng rôn phản đối chủ đầu tư thỉnh thoảng lại xuất hiện ở toà nhà tiền tỷ như thế này.

    Khi năm 2011 kết thúc, đã có tổng kết cho rằng, trong năm đã diễn ra 5 "cuộc chiến" của các cư dân ở các tòa nhà chung cư cao cấp với các chủ đầu tư. Một trong số đó là cuộc chiến tại tòa nhà Keangnam. Với sự vào cuộc của Sở Xây dựng Hà Nội, câu chuyện Keangnam tưởng như đã được giải quyết xong trong năm 2011, tuy nhiên, đến thời điểm này, “sóng ngầm" tiếp tục bao phủ Keangnam.

    Ngày 20/2/2012 vừa qua, Ban đại diện lâm thời toà nhà Keangnam lại một lần nữa lên tiếng tố cáo một thủ thuật mới của Keangnam Vina đang được áp dụng. Cụ thể như sau, theo công văn số 528 của Sở Xây dựng ngày 19/01/2012, Keangnam đã không cắt thang máy của các hộ dân đóng phí quản lý mức 4.000vnd/1m2, nhưng lại bày ra trò khác để buộc cư dân phải đóng phí quản lý mức 18.800vnd/1m2 nếu muốn làm sổ đỏ cho căn hộ sở hữu của mình.

    Nguyên nhân bắt nguồn từ ngày 2/2/2012, Keangnam gửi cho các hộ dân yêu cầu cung cấp tài liệu để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ. Theo đó, các hộ dân phải cung cấp "Giấy xác nhận tất toán phí quản lý".

    Theo cư dân thì việc này là hết sức vô lý, vVì theo quy định của pháp luật thì "Giấy xác nhận tất toán phí quản lý" không có trong danh mục hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ; Thứ 2: Khi các hộ dân đóng phí 4.000vnd/1m2 xuống yêu cầu Ban quản lý cung cấp Giấy xác nhận tất toán phí quản lý thì Ban quản lý không cấp cho. Ban quản lý yêu cầu chỉ khi nào các hộ dân đóng đủ mức phí 18.800vnd/1m2 thì mới cấp Giấy tờ trên...

    Vậy là sau cuộc chiến đấu để đòi hỏi quyền lợi chính đáng được sử dụng thang máy trong tòa nhà, những cư dân tỷ phú lại đang phải lao vào cuộc chiến mới, cuộc chiến sở hữu tại chung cư tiền tỷ này.


    Toà nhà cao nhất Việt Nam, cũng là toà nhà nhều rắc rối nhất đến thời điểm này.

    Bên cạnh "ông lớn" Keangnam đang gây rắc rối cho người dân, những công dân tỷ phú ở chung cư 96 Định Công, Hà Nội cũng đang "nổi giận" vì cách Chủ đầu tư 96 "khủng bố" cư dân tòa nhà khi không nộp đủ phí dịch vụ bằng cách không cho xe của dân vào bãi đỗ.

    Chung cư 96 Định Công là tổ hợp chung cư cao cấp gồm 21 tầng do Công ty CP Mộc và Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động từ năm 2007. Hiện nay, ngoài 3 tầng được cho thuê làm siêu thị và trụ sở của các doanh nghiệp, chung cư có trên 100 hộ dân đang sinh sống với tổng diện tích đất sử dụng chung là 4279m2 dựa trên hợp đồng đã được ký kết và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng theo phản ánh của những hộ dân ở đây, chủ đầu tư đã áp đặt các dịch vụ trên diện tích đất sử dụng chung nhằm mục đích kinh doanh cho doanh nghiệp.

    Ngày 30/12/2011, Công ty tự thông báo tăng giá dịch vụ gửi xe ô tô từ 800.000 - 1.000.000/xe trước đây lên một loại giá là 1.500.000 đồng/xe dưới tầng hầm (chưa có hóa đơn thuế giá trị gia tăng) và yêu cầu người dân phải thực hiện từ 1/1/2012.

    Chỉ sau một tháng ra quyết định thông báo, mới đây nhất, tháng 2/2012, chủ đầu tư lại thông báo tăng giá dịch vụ gửi xe ô tô lên 1.600.000 đồng/xe dưới tầng hầm.

    Với mức giá mới, nhiều hộ dân tại tòa nhà đã không chấp nhận và chỉ kiên quyết nộp theo đúng mức giá cũ (1.500.000 đồng/xe). Vì vậy, ngày 23/2, chủ đầu tư thông báo tới các hộ dân chưa nộp tiền trong đó nói rõ: “Hộ nào không nộp tiền gửi xe không được đưa xe vào hầm”.

    Còn câu chuyện tại chung cư Saigon Pearl lại liên quan đến vấn đề cắt nước sinh hoạt của người dân.


    Saigon Pearl - một trong những chung cư cao cấp bắt bí khách hàng

    Theo phản ánh của những hộ dân sống tại tòa nhà Ruby 1 thuộc dự án Saigon Pearl, chủ đầu tư đã đột ngột cúp nước do một số hộ dân “không đóng tiền bảo trì”. Tuy nhiên, những hộ dân bức xúc khẳng định, chủ đầu tư đã đưa ra mức phí bảo trì cao ngất ngưởng, quá quy định của Nhà nước mà không hề có sự thỏa thuận với cư dân. Đồng thời, phí bảo trì toà nhà đã được thu trước một phần khi giao nhà cho cư dân hiện vẫn chưa sử dụng đến, nên chủ đầu tư yêu cầu thu các năm tiếp theo là bất hợp lý.

    Trong khi đó, theo Nghị định 71 về việc thu phí bảo trì, khi nào khoản kinh phí do cư dân đã đóng góp không đủ thì các chủ sở hữu mới có trách nhiệm đóng góp thêm. Trong trường hợp quỹ bảo trì toà nhà vẫn còn và không phát sinh việc thiếu kinh phí thì người dân không cần phải đóng tiếp.

    Những lời hứa chỉ để hứa

    Ngày 15/2, chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp Saigon Pearl đã có cuộc họp với cư dân tòa nhà. Tại cuộc họp, chủ đầu tư đã “hứa hẹn” sẽ giải quyết thỏa đáng các yêu cầu của cư dân sống tại đây. Theo đó, Công ty Vietnam Land (chủ đầu tư) đã chấp thuận, sẽ không đột ngột cắt nước, và không tính lãi phí quản lý tòa nhà đối với các hộ dân nộp theo tháng. Bên cạnh đó, phía chủ đầu tư dự án Saigon Pearl còn hứa sẽ công khai minh bạch chi phí bảo trì phí quản lý năm 2011 và không thu tiếp phí bảo trì năm 2012. Có điều, việc hứa hẹn của chủ đầu tư dường như là việc khó tin, khi mà những lình xình tại các chung cư cao cấp khác vẫn diễn ra sau khi chủ đầu tư hứa và hứa.

    Đến thời điểm hiện tại, quả đắng hứa hẹn mà người dân nhận được rõ ràng nhất chính là vụ việc xảy ra tại toà nhà Keangnam. Có lẽ không một cư dân tỷ phú nào tại toà nhà tỷ phú này lại có thể tưởng tượng được sau những hứa hẹn tuyệt đối của Công ty Keangnam sẽ không làm khó cho cư dân, thì Công ty này lại gửi cho các hộ dân yêu cầu cung cấp tài liệu để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ bằng cách cung cấp "Giấy xác nhận tất toán phí quản lý"!

    Khi bỏ tiền ra mua những căn hộ cao cấp, người dân đều mong muốn nhận được mức dịch vụ tương xứng. Nhưng, với cách mà các chủ đầu tư đang áp đặt cho cư dân của toà nhà, dường như người dân đang trở thành con nợ của những chủ nợ lắm chiêu...


    Theo Gia Đình
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê