• Chỗ đỗ ôtô bạc tỷ ở Golden Westlake gây tranh chấp

    Để có chỗ đỗ xe thuận lợi ở tầng hầm B1, cư dân Golden Westlake phải bỏ ra bạc tỷ. Nếu đóng phí tiền triệu, khách hàng phải đi xa hơn, xuống tầng hầm B2 để xe.

    Chung cư cao cấp Golden Westlake
    Đại diện cư dân Golden Westlake vừa có đơn kiến nghị gửi UBND thành phố Hà Nội về tranh chấp giữa các chủ sở hữu căn hộ tại Golden Westlake (Thụy Khê- Tây Hồ- Hà Nội). Chị Minh, một cư dân ở Golden Westlake cho hay, chủ đầu tư đưa ra hai hình thức thuê bãi đỗ xe trả tiền ngắn hạn, và đóng một lần trong thời hạn 38 năm. Nếu tính theo tháng, khách hàng sẽ phải đóng 1 triệu đồng. Trường hợp thuê dài hạn, cư dân sẽ phải nộp khoảng 800 triệu đồng trong 38 năm.
    Chị Minh nhấn mạnh, chủ đầu tư yêu cầu các cư dân không có tiền thuê dài hạn (chỉ thuê theo tháng) phải xuống đỗ tại tầng hầm B2, trong khi nơi này luôn luôn chật chội là điều bất hợp lý. Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư thu "một cục" lên đến gần 1 tỷ đồng là đẩy khách hàng vào thế bí.
    Theo tính toán của các cư dân nơi đây, nếu đem số tiền 800 triệu gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm với lãi suất 14% mỗi năm thì cư dân sẽ nhận được 112 triệu đồng mỗi năm, tương đương với hơn 9 triệu đồng mỗi tháng. "Điều này, đồng nghĩa với chủ đầu tư đã thu được ít nhất 9 triệu đồng một chỗ để xe mỗi tháng, một mức phí khủng nhất từ trước đến nay", chị Minh nói.
    Ông Tô Hồng Sơn, thành viên ban đại diện cư dân khẳng định, việc chủ đầu tư đưa ra hai phương án thu tiền chẳng khác nào ép khách hàng muốn có chỗ để xe tốt phải bỏ tiền bạc tỷ. Việc đóng phí xe "một cục" là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận, và người mua chịu nhiều thiệt thòi. Tầng hầm là bãi đỗ xe chung của cư dân và khách có quyền lực chọn hình thức thanh toán, ngắn hạn hoặc trả dài hạn. "Việc ép cư dân đóng phí theo tháng xuống tầng B2 trong khi diện tích chật hẹp là bắt bí khách hàng", ông Sơn nói.

    Vào ngày 14/11, chủ đầu tư đã dựng tất cả thiết bị kiểm soát vào ra lắp đặt tại các ô đỗ xe thuộc tầng hầm B1 nhằm không cho cư dân thuê theo tháng đỗ xe. Anh Hà, một cư dân cho hay, anh đã đăng ký thuê theo tháng với mức 1 triệu đồng ở B1 nhưng đến ngày 14/11, tại khu vực đỗ xe anh thuê đã đặt biển "No Parking" dẫn đến trong lúc lùi, xe của anh đã bị vướng và bị đứt dây cảm ứng phía dưới gầm xe. "Rõ ràng việc chủ đầu tư tự ý ngăn cấm không cho cư dân để xe ở tầng B1 trong khi tôi đã đóng phí hằng tháng đầy đủ là điều vô lý", anh Hà nói.

    Chưa hết, theo anh Hà, chủ đầu tư đã vi phạm Pháp lệnh ngoại hối về việc vẫn tiếp tục niêm yết giá dịch vụ quản lý hàng tháng bằng USD. "Phí dịch vụ được tính 0,88 cent mỗi m2 một tháng, trong khi mọi chi phí chưa được tính toán công khai", anh Hà nói.

    Ngoài ra, phía cư dân cho rằng, ngay từ khi tòa nhà được đưa vào sử dụng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing đã bịt các lối vào cầu thang máy và thang bộ từ sảnh đầu hồi được thiết kế riêng cho mỗi tòa nhà. Hiện toàn bộ cư dân của 2 tòa nhà đi chung lối vào tại sảnh chính.

    Phía chủ đầu tư, Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing đã có thư phúc đáp giải thích với các cư dân, theo hợp đồng mua bán căn hộ, sảnh chính của Golden Westlake là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư. Ngoài ra, lối vào thang máy của tòa nhà dành cho các cư dân đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phê duyệt, thiết kế tại đầu hồi các tòa nhà riêng biệt hoàn toàn với sảnh chính. Do đó, quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư không ảnh hưởng đến việc sử dụng các lối đi này.

    Trước đó, trả lời báo chí, chủ đầu tư cũng khẳng định, phụ lục 1 phần B của nội quy chung trong hợp đồng mua bán nhà cũng nêu rõ, diện tích kho tầng hầm là một trong những công trình tiện ích không phải diện tích chung mà thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing. Do đó, chủ đầu tư cho rằng họ có toàn quyền trong việc định giá thuê.

    Bác lại quan điểm của chủ đầu tư, người dân khẳng định, nếu nơi để xe, sảnh chính, lối đi lại đầu hồi thuộc về sở hữu riêng của chủ đầu tư nên chủ đầu tư có hành vi ngăn cản việc đi lại của cư dân bằng việc bịt các lối vào cầu thang máy và thang bộ từ sảnh đầu hồi được thiết kế riêng cho mỗi tòa nhà là bất hợp lý. "Mua một căn hộ từ năm 2007 với giá hơn 200.000 USD nay lại bị bịt các lối thang bộ sảnh đầu hồi là không xứng đáng với giá tiền chúng tôi bỏ ra", một cư dân cho hay.

    Đại diện phía cư dân, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hoàng Hải & Cộng sự khẳng định, chủ đầu tư đang vi phạm quy định về quyền sở hữu chung trong nhà chung cư:

    Theo điều 70, khoản 3 Luật Nhà ở, “phần sở hữu chung” trong nhà chung cư bao gồm: hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, nơi để xe.. và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào. Do đó, theo quy định, nơi để xe và lối đi lại (bao gồm các sảnh chính, và các lối đi lại đầu hồi) thuộc sở hữu chung của của các hộ dân.

    Golden Westlake gồm 370 căn hộ là dự án dạng cao cấp có giá dao động từ 1.400 USD mỗi m2 đến khoảng 4.000 USD mỗi m2. Đây không phải là lần đầu tiên, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân Golden Westlake nổ ra về tranh chấp diện tích chung riêng. Trước đó, phí đỗ xe của cư dân Golden Westlake được chủ đầu tư chấp nhận giảm từ 3 triệu đồng xuống còn một triệu đồng mỗi tháng.

    Theo vnExpress
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê