• Bộ Xây dựng lên tiếng về nghi ngại quanh gói 30 ngàn tỷ

    Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đang hướng rất đúng mục đích, đối tượng. Bộ Xây dựng không ưu ái bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào.

    Sau hơn 2 tháng triển khai, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mà Ngân hàng nhà nước dành để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp và người dân được vay với lãi suất ưu đãi 6% kéo dài trong vòng 5-10 năm đã tác động rất lớn tới thị trường bất động sản. Mặc dù số tiền dành cho doanh nghiệp khá khiêm tốn nhưng cộng đồng các doanh nghiệp đều hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, dư luận vẫn đạt ra nhiều nghi ngại. Để rộng đường dư luận, PV đã có trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam xung quanh vấn đề này.

    Không ưu tiên doanh nghiệp nhà nước

    Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng nhà ở xã hội nên sử dụng nguồn vốn khác. Đồng thời, gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ nên dùng để giải phóng hàng tồn kho. Quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này như thế nào?

    Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Nghị quyết 02 đã nêu rất rõ Ngân hàng nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

    Như vậy, Nghị quyết 02/NQ-CP đã quy định rõ đối tượng được vay vốn của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước là hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đồng thời Nghị quyết này cũng quy định đối tượng được vay vốn là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang thành nhà ở xã hội.

    Do đó ý cho rằng việc xây dựng nhà ở xã hội phải sử dụng nguồn vốn khác, nguồn vốn 30.000 tỷ đồng chỉ dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 là không đúng với nội dung quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

    Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Việc chậm giải ngân vốn vay cho người dân là do
    số lượng dự án đáp ứng được yêu cầu rất ít

    Vừa qua, một số doanh nghiệp tại TPHCM cho rằng, Bộ Xây dựng ưu ái cho các doanh nghiệp tại Hà Nội vay vốn trong khi tại TPHCM số lượng dự án nhiều nhưng không được vay. Đây có phải là sự thật không thưa Thứ trưởng?

    Bộ Xây dựng nhận thấy ý kiến đánh giá này là không có cơ sở, không đúng với tình hình thực tế. Trong số 30 dự án mà Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét để cho vay tại văn bản số 1042/BXD-QLN ngày 04/6/2013 thì chỉ có 04 dự án của doanh nghiệp nhà nước (chiếm 13%), 04 doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối (chiếm 13%), còn lại là 22 dự án của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (chiếm 74%). Trong đó thành phố Hồ Chí Minh có 05 dự án, thành phố Đà Nẵng 06 dự án, thành phố Hà Nội có 04 dự án, tỉnh Đồng Nai có 03 dự án, các địa phương còn lại (Thừa Thiên- Huế, Kiên Giang...) chỉ có 01 dự án.

    Cung dự án giá rẻ ít, việc giải ngân chậm

    Thưa Thứ trưởng, trong quá trình triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng, theo phản ánh dư luận thì số lượng doanh nghiệp được vay nhiều hơn số lượng người dân, các hộ gia đình. Ông đánh giá như thế nào vấn đề này?

    Bộ Xây dựng nhận thấy Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn do cơ quan có thẩm quyền ban hành đã quy định rất cụ thể và rõ ràng về đối tượng (bao gồm cả doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân) cũng như điều kiện được vay vốn đối với từng loại đối tượng.

    Riêng đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân được vay vốn phải bảo đảm điều kiện có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã ký với chủ đầu tư sau ngày 07/01/2013 (là thời điểm Nghị quyết 02/NQ-CP có hiệu lực thi hành). Quy định này đòi hỏi các chủ đầu tư dự án phải có sản phẩm để người dân lựa chọn, ký kết hợp đồng trước khi thực hiện thủ tục vay vốn.

    Tuy nhiên, do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm. Do đó, trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung tạo nguồn cung để đủ điều kiện ký hợp đồng với khách hàng (theo quy định của pháp luật về nhà ở là phải xây dựng xong phần móng của công trình).

    Sau khi khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc giải ngân gói hỗ trợ đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân mới có thể đẩy nhanh được theo quy định. Cho đến nay, chưa phát hiện thấy một trường hợp nào cho vay sai đối tượng và điều kiện theo quy định của pháp luật. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng phía ngân hàng đang quá chặt chẽ và thận trọng trong việc giải ngân.
    Theo VnMedia
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê