• Băn khoăn “sở hữu chung cư 70 năm”

    Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (lần 4, tháng 9/2013) của Bộ Xây dựng, có một điểm mới gây tranh cãi: thời hạn sở hữu chung cư có thể bị giới hạn ở mức 70 năm.
    Không phù hợp tâm lý

    Thực chất, sở hữu chung cư trong 70 năm chỉ là một dạng “thuê nhà dài hạn”. Trong khi đó, hình thức thuê nhà hiện không phải là điều mà đại đa số người dân Việt Nam mong muốn. Bởi với mức thu nhập như hiện nay thì đại đa số người dân phải dành dụm cả đời mới đủ tiền mua một căn nhà. Căn nhà đó vừa là nơi để ở nhưng đồng thời cũng là của để dành cho con cháu về sau. Người Việt khó chấp nhận việc sống trong một căn nhà, rồi sau 70 năm phải trả lại cho nhà nước.

    Khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Tuấn Anh - TTXVN

    Bà Nguyễn Thu Hằng (phố Hàng Bông, Hà Nội) mới mua một căn chung cư tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, phân tích: Mua căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn có thể rẻ hơn 200 - 300 triệu đồng, nhưng sau này không thể để lại cho con cháu. Chưa kể, loại nhà này cũng tiềm ẩn rủi ro cho người sở hữu, đặc biệt là sự thay đổi các chính sách liên quan đến nhà đất. “Hơn nữa, chung cư sở hữu có thời hạn thì càng để lâu càng mất giá do thời gian sở hữu giảm”, bà Hằng cho biết.

    Còn anh Trần Đạt (Nguyễn Chính, Hoàng Mai, Hà Nội) đang có nhu cầu tìm mua nhà cũng cho biết, anh sẽ không mua chung cư có thời hạn sở hữu, vì hết thời hạn sở hữu, con cháu anh lại phải lo tìm mua nhà mới. Thêm nữa, nếu mua chung cư sở hữu 70 năm thì việc cầm cố, thế chấp để lấy vốn làm ăn cũng sẽ rất khó khăn.

    Thực tế hiện nay, trên thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đã có một số dự án như Lê Thành Twin-Towers chào bán loại căn hộ cho thuê 15 năm với giá trọn gói 240 triệu đồng, cho thuê 49 năm với giá 350 triệu đồng. Một số chủ đầu tư khác cũng triển khai dự án chung cư sở hữu có thời hạn. Những dự án trên đã có khách nhưng vẫn chưa thể tạo thành kênh thanh khoản cho thị trường.

    Phải chi tiết hơn

    Từ sự đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản và các doanh nghiệp nhiều lần đề xuất bổ sung hình thức sở hữu nhà có thời hạn để mở thêm một lối đi cho doanh nghiệp. Nhiều người kỳ vọng loại nhà sở hữu có thời hạn sẽ có giá thấp, thu hút nhiều khách hàng, từ đó góp phần làm “ấm” thị trường.

    Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, chung cư sở hữu 70 năm sẽ không phải đóng tiền sử dụng đất nên giá có thể giảm đến 10 – 15%. Hơn nữa, sau 70 năm, chất lượng nhà không đảm bảo, rất cần được thay thế. Khi đó, Nhà nước sẽ không phải lo đền bù đất, giải phóng mặt bằng.

    Tuy nhiên, theo tính toán này, chung cư sở hữu 70 năm chỉ có thể rẻ hơn so với chung cư sở hữu không thời hạn từ 200 – 300 triệu đồng. Mức chênh lệch này chưa đủ hấp dẫn để thu hút người mua chấp nhận sở hữu có thời hạn. Hơn nữa, theo các chuyên gia, việc quy định thời hạn sở hữu cho chung cư là rất khó khả thi. TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam không đồng tình với phương án này bởi trong khi Nhà nước đang khuyến khích phát triển chung cư để tiết kiệm quỹ đất thì quy định này là không hợp lý. “Tại sao lại chỉ giới hạn thời gian sở hữu với nhà chung cư mà không giới hạn với biệt thự, nhà liền kề?”, ông Liêm đặt câu hỏi.

    Còn dưới góc độ người mua nhà, chị Lê Hạnh (ở phố Láng Hạ, Hà Nội) kiến nghị, nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư của người dân là 70 năm thì nhà nước cũng nên quy định rõ ràng về quyền lợi của người sử dụng. Chẳng hạn, sau khi được xây mới thì người dân vẫn tiếp tục được sử dụng nhà nhưng quy định số tiền phải đóng thêm. Như vậy, người mua nhà sẽ yên tâm hơn.

    Theo dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, thời hạn sở hữu nhà chung cư được ghi vào Giấy chứng nhận. Khi hết thời hạn sở hữu thì các chủ sở hữu chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất để Nhà nước xây dựng lại các công trình khác theo quy hoạch.
    Theo Báo Tin tức
  • Nhà đất
  • TìmViệc.VN
  • Tải về thanh Công cụ!
  • Giá vàng SJC

  • Nhà đất Cần bán

  • Nhà đất Cho thuê